Tâm linh hôm nay

Đại nguyện lực của Đức Phật A Di Đà đối với chúng sinh cõi Sa bà

Khi còn là một vị Bồ tát, đức Phật A Di Đà đã phát đại nguyện rằng: “Khi con thành Phật, con xin nguyện kiến lập một cảnh giới thù thắng gọi là cõi Tịnh độ A Di Đà (tiếng Phạn là Sukhavati).

Những chúng sinh phàm phu có thể được sinh vào cõi nước con nhờ những hạnh thanh tịnh con đã tu tập trong muôn ngàn ức kiếp, chỉ cần họ khởi niệm muốn được sinh về cõi Tịnh độ và trưởng dưỡng sự kết nối với con bằng tâm chí thành tha thiết và niềm tin bất thoái”.

Đức Phật A Di Đà là ai?

Cõi Tịnh độ không phải là nơi để hưởng lạc thú

Để thành tựu Phật quả, chư vị Bồ tát cần phải tu tập 3 khía cạnh quan trọng sau: (1) tích lũy vô lượng công đức thông qua bố thí, lễ lạy…, (2) thiền định và (3) làm lợi ích cho vô lượng chúng hữu tình. Đức Phật A Di Đà đã kiến lập cõi Tịnh độ của Ngài thông qua các đại nguyện. Việc vãng sinh vào cõi Tịnh độ của các đức Phật khác là vô cùng khó khăn. Nhưng với nguyện lực của Đức Phật A Di Đà, những chúng sinh phàm tình nhất chưa đạt được giác ngộ vẫn có thể vãng sinh về cõi Tịnh độ của Ngài. Bởi vậy, đấy được xem là một cõi Tịnh Độ rất dễ dàng tiếp cận đối với tất cả chúng sinh trong cõi Sa Bà này.

Nếu bạn cho rằng cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà giống như thiên đường, chúng sinh ở đó suốt ngày hưởng thụ lạc thú thì bạn đã lầm. Cõi Tịnh độ có những điều kiện hoàn hảo nhất để bạn tiếp tục trưởng dưỡng thực hành tâm linh. Hàng ngày, bạn sẽ được nghe Đức Phật A Di Đà và chư Phật thuyết pháp, bạn sẽ có những điều kiện thuận duyên để thực hành Phật pháp và thành tựu giác ngộ.

Tín tâm kiên cố cầu vãng sinh Tịnh độ

Không nơi nào cuộc sống tốt đẹp hơn Tây Phương Cực Lạc

Điều quan trọng là bạn phải có đức tin kiên cố rằng Đức Phật A Di Đà vẫn đang hiện hữu và ngày đêm thuyết pháp ở Tịnh độ Tây phương, cách cõi Sa bà hàng ngàn muôn ức cõi. Đồng thời, bạn cần thực hành quán tưởng rõ ràng về hình ảnh cũng như các mô tả về cõi Tịnh độ thù thắng, an lạc của đức Phật A Di Đà. Điều này được giảng rất rõ trong kinh điển. Có hai bậc Bồ tát là Đức Quan Thế Âm (Đức Phật của Tâm từ bi) và Đức Kim Cương Thủ (hiện thân phẫn nộ của Đức Đại Thế Chí Bồ tát) đều đã tu Bồ tát hạnh ở cõi Sa bà, vãng sinh về cõi Tịnh độ, luôn hầu cận hai bên Đức Phật A Di Đà cùng với Đức Bạch Độ Phật Mẫu và Đức Liên Hoa Sinh. Đức Phật Vô Lượng Thọ cũng chính là Đức Phật A Di Đà khi Ngài khoác các sức trang hoàng.

Nếu chúng ta cầu nguyện Đức Phật A Di Đà khi còn sống, Ngài sẽ ban gia trì cho chúng ta đời sống trường thọ không bệnh tật, ốm đau, viên mãn mọi tâm nguyện và khi cận kề cái ch*t, Ngài sẽ tiếp dẫn chúng ta về cõi Tịnh độ thù thắng của Ngài. Như mô tả khi thực hành quán tưởng cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà, Ngài là Căn bản Thượng sư của Đức Độ Mẫu Tara và Quan Âm Tứ Thủ Chenrezig (Đức Phật của Tâm từ bi) và Đức Liên Hoa Sinh. Đó là lý do chúng ta luôn thấy hình ảnh Đức Phật A Di Đà ngự trên đỉnh đầu của Đức Quan Âm và Phật mẫu Tara.

Đức Liên Hoa Sinh chính là hóa thân của Đức Phật A Di Đà. Khi chúng ta trì tụng chân ngôn của Đức Liên Hoa Sinh “Guru Pema Siddhi Hung”, “pema” ở đây hàm nghĩa Đức Liên Hoa Sinh là Bản tôn thuộc Liên Hoa bộ. Vì vậy, dù bạn trì tụng chân ngôn của Đức Phật nào thì năng lực gia trì đều không sai khác. Điều quan trọng nhất là thông qua thực hành trì tụng chân ngôn, bạn có thể tích lũy công đức và rèn luyện trưởng dưỡng tâm.

Nếu có thể, mỗi ngày bạn hãy hướng về phương Tây nơi mặt trời lặn và lễ lạy Ngài. Đức Phật A Di Đà không phải là Đức Phật quá khứ mà Ngài vẫn đang trụ ở cõi Tây phương. Ngài là Đức Phật  trường thọ và thuyết pháp ở cõi Tịnh độ đã được 10 kiếp. Nền của cõi Tịnh độ bằng vàng ròng, bạc và vô số đá quý khác. Đó là nơi mà chúng sinh có đầy đủ thọ dụng, cầu gì được nấy, mọi âm thanh đều là Pháp âm, khung cảnh nhiệm màu, rực rỡ. Chúng sinh trong cõi Tịnh độ đều có tuổi thọ hàng ngàn năm và có cơ hội ngày ngày nghe giảng pháp và thực hành Bồ tát đạo.

Nếu suy ngẫm kỹ, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy rằng trên trái đất này có vô số thắng cảnh thiên nhiên không phải do con người tạo ra, mà đó là do nhân quả. Nếu Trái đất tồn tại, vậy tại sao lại không thể có sự tồn tại của cõi Tịnh độ được kiến lập nhờ đại nguyện lực và vô lượng kiếp thực hành miên mật, tích lũy công đức của Đức Phật A Di Đà?

Bài kệ cầu nguyện vãng sinh về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà

Kính lễ! Vô Lượng Quang Phật nan tư nghì

Bên phải: Đại Bi Quán Thế Âm

Bên trái: Đại Lực Đại Thế Chí

Vô lượng Phật, Bồ tát vi nhiễu

Chỉ có diệu lạc không bệnh khổ

Chính là miền Cực lạc vô biên

Xin nguyện cầu ngay lúc mệnh chung

Sát na trực sinh Cực lạc quốc

Vừa sinh liền được thấy Từ tôn

Con nay phát nguyện như vậy rồi

Nguyện cầu chư Phật cùng Bồ tát

Gia trì con thành tựu vô ngại

TEDYATHA PENTSA DrIYA AHWA BODHA NAYA SOHA/

Chư Phật, Bồ tát hộ niệm con

Tư lương viên mãn con tùy hỷ

Ba đời công đức con tích luỹ

Tất cúng dàng Tam Bảo Thế Tôn

Nguyện xin Phật pháp mãi hưng long

Thiện nghiệp hồi hướng khắp hữu tình

Chứa nhóm tất cả các thiện căn

Duy nguyện tự tâm được thành thục

Hai chướng thanh tịnh mãn tư lương

Trường thọ không bệnh tăng chứng ngộ

Nguyện con sinh lên ngôi Thập địa.

Nguyện con khi gặp lúc mệnh chung

Trong sát na liền sinh cảnh An lạc

Sinh rồi hoa nở liền tỏ ngộ

Tức thân sát na liền thành Phật

Chứng ngộ thần thông chẳng nghĩ bàn

Nương nguyện lực trở lại độ quần sinh.

Nơi quốc độ tịnh thanh Cực lạc

Chính là chốn Phật Vô Lượng Quang

Con xin nguyện vãng sinh Tịnh độ

Nguyện được sinh về Vô Thượng giới.

Trích Sách 'Bardo - Hành trình liễu sinh thoát tử. Hộ niệm người lâm chung'

Ngài Gyalwang Drukpa

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/dai-nguyen-luc-cua-duc-phat-a-di-da-doi-voi-chung-sinh-coi-sa-ba-d41135.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY