Tiếp tục vệt bài “Để tác phẩm báo chí được vinh danh tại Giải Báo chí Quốc gia”, báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Mai Vũ Tuấn - Chủ tịch Hội Nhà báo, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh để hiểu hơn về quá trình sàng lọc các tác phẩm báo chí để dự thi cũng như việc định hướng, đào tạo, trang bị cho hội viên, nhà báo những kỹ năng để tác nghiệp hiệu quả. Từ đó, sáng tạo ra những tác phẩm báo chí chất lượng cao, được ghi nhận trên “thảm đỏ” của GBCQG hằng năm.
+ Quảng Ninh đang là địa phương có nền KT-XH phát triển toàn diện về mọi mặt, chính vì vậy mọi vấn đề mà báo chí phản ánh trên địa bàn tỉnh cũng rất đa dạng và phong phú. Ở góc độ nào đó, đây có phải là một điều kiện thuận lợi để báo chí Quảng Ninh có được những tác phẩm hay và chất lượng không, thưa ông?
- Gần một thập kỷ qua, Quảng Ninh được cả nước nhìn nhận, đánh giá là địa phương thực sự năng động, sáng tạo, có rất nhiều đổi mới, đột phá mang tính hiệu quả cao. Điển hình như trong thực hiện đổi mới công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, Quảng Ninh là địa phương ban hành Nghị quyết chuyên đề về Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế.
Nghị quyết này ra đời trước khi Trung ương có Nghị quyết 18 và 19. Đây là mảng đề tài thực sự hấp dẫn, phong phú để báo chí khai thác với các mô hình thí điểm mang tính riêng biệt tại Quảng Ninh như: thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý; nhất thể hóa Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện; hợp nhất cơ quan Đảng với chính quyền có song trùng chức năng, nhiệm vụ; thực hiện nhất thể hóa Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn bản khu phố theo quy trình “dân tin, Đảng cử”, thực hiện mô hình cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể…
Ngoài ra trong phát triển KT-XH, Quảng Ninh là địa phương đi đầu thực hiện 3 đột phá chiến lược của Đảng, đặc biệt là trong đột phá về phát triển hạ tầng bằng phương thức “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, cải cách hành chính bằng mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, 13 địa phương, thành lập cơ quan xúc tiến đầu tư mang tính chuyên biệt…
Kết quả, Quảng Ninh đạt được 5 năm liền đứng trong top 5 địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước, có tốc độ phát triển cao nhất, 2 năm liền dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI… Đó là những mảng đề tài thực tiễn rất sinh động để báo chí khai thác, phát triển, làm giàu thông tin trong chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời làm mới nội dung thông tin trên các ấn phẩm với bạn đọc, thể hiện những mảng sáng quan trọng của sự phát triển đưa đến với công chúng, độc giả.
Từ thực tiễn sinh động của tỉnh Quảng Ninh, báo chí của tỉnh nói riêng và báo chí cả nước nói chung đã có rất nhiều tác phẩm phản ánh sự phát triển toàn diện mang tính đổi mới, đột phá, sáng tạo có hiệu quả của tỉnh Quảng Ninh.
Đối với Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh, nội dung thông tin được thực hiện phủ khắp trên tất cả các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, đời sống của tỉnh. Để có những tác phẩm, tuyến bài thực sự chất lượng, hiệu quả tham gia dự thi các giải báo chí lớn của Quốc gia, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu, lựa chọn từ thực tiễn sinh động của tỉnh xây dựng các loạt bài chuyên sâu về các vấn đề mang tính trọng tâm, cốt lõi, thể hiện sự sáng tạo đổi mới của tỉnh Quảng Ninh, những mô hình thí điểm đột phá được Trung ương ghi nhận. Đặc biệt là về đổi mới công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị với các mô hình thí điểm nhất thể hóa, hợp nhất, tinh giản biên chế; việc thực hiện ba đột phá chiến lược của Đảng…
+ Nhưng thiết nghĩ, để “chọn lọc” được những tác phẩm vừa mang “hơi thở cuộc sống’’, màu cờ sắc áo của địa phương lại vừa phải có tính xã hội, phổ quát mang tầm vóc quốc gia... khi sàng lọc, tuyển chọn để tham dự Giải Báo chí Quốc gia, chắc hẳn cũng không ít thách thức?
- Vâng, đó là điều mà tất cả các cơ quan báo chí địa phương đều gặp phải. Bởi chúng ta đều biết, để có được tác phẩm mang đi dự thi giải Báo chí Quốc gia thì đó phải là tác phẩm thực sự xuất sắc từ nội dung đến hình thức thể hiện. Nội dung đó dù chỉ cấp địa phương nhưng phải đại diện mang tính điển hình và có giá trị phổ quát trong cả nước. Ví dụ khi lựa chọn đề tài về đổi mới trong công tác xây dựng Đảng của tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi phải bàn bạc cân nhắc rất kỹ khai thác ở khía cạnh nào để tác phẩm thực sự chuyển tải được thông điệp đổi mới của tỉnh Quảng Ninh đúng với chủ trương của Đảng và có những sáng tạo đổi mới và lại không được trùng lặp với các tác phẩm của các cơ quan báo chí khác đã khai thác…
Thực tiễn hiện nay cùng một chủ đề ở địa phương đó nhưng báo chí Trung ương có thể khai thác dưới rất nhiều góc nhìn và có sự so sánh nhưng với báo chí địa phương việc khai thác thông tin, thể hiện trên tác phẩm trước tiên phải đảm bảo định hướng của tỉnh, góc nhìn của phóng viên, cơ quan báo chí cũng còn có những điều hạn chế, chính vì vậy chưa có được nhiều tác phẩm dự thi ở khía cạnh ngược chiều.
+ Trên cương vị là Giám đốc Trung tâm Truyền thông và vừa là Chủ tịch Hội Nhà báo Quảng Ninh, sự định hướng từ người đứng đầu như thế nào để phóng viên, hội viên có được những tác phẩm thực sự được “đầu tư”, thưa ông?
- Thông tin cho báo chí tại Quảng Ninh tương đối cởi mở, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Hội Nhà báo - Sở Thông tin truyền thông hằng tuần phối hợp tổ chức hội nghị thông tin báo chí, hằng tháng hội nghị giao ban báo chí. Tại đây chúng tôi thông tin đầy đủ những vấn đề sự kiện của tỉnh trong tuần, tháng và mời các cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp trao đổi với các cơ quan báo chí.
Đối với Hội Nhà báo chúng tôi bằng rất nhiều kênh thông tin như thông qua các Chi hội, Liên Chi hội, qua sinh hoạt hội hằng tháng đều có gợi mở định hướng nội dung thông tin, các đề tài triển khai tuyên truyền. Đặc biệt, hằng năm bám sát vào chủ trương của tỉnh để tổ chức các hội thảo, lớp bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ cho hội viên theo các nhóm chủ đề cụ thể.
Riêng đối với Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh, để có các tác phẩm được đầu tư, hằng tuần chúng tôi có giao ban các bộ phận nghiệp vụ để thảo luận vấn đề tuyên truyền, vấn đề nào cần có sự nuôi dưỡng mạnh. Chúng tôi có cuộc thi nghiệp vụ hằng năm tạo sân chơi nghề nghiệp cho cán bộ, phóng viên của Trung tâm và các trung tâm truyền thông văn hóa địa phương, kết quả của cuộc thi cấp trung tâm này chọn lựa những tác phẩm chất lượng tiếp tục đầu tư, nâng tầm để dự thi các giải báo chí Trung ương.
+ Hội Nhà báo phối hợp với các cơ quan báo chí của địa phương mở lớp bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ nâng cao trình độ cho phóng viên hằng năm phải chăng cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng để báo chí trên địa bàn có những tác phẩm chất lượng tham gia giải, thưa ông?
- Chúng ta đều nhận thấy, việc bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn là sự hệ thống hóa lại từ kiến thức lý luận đến cách làm thực tế cho mỗi hội viên, nhà báo, nhất là các nhà báo, hội viên trẻ, hội viên ở cấp cơ sở. Đối với Quảng Ninh tất cả các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ khi tổ chức đều được các nhà báo đăng ký tham gia rất tích cực, họ đến lớp bồi dưỡng học một cách nghiêm túc, tham gia thảo luận rất sôi nổi.
Chúng tôi đã khảo sát đối với các giảng viên mời giảng cho các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội đều nhận được đánh giá rất hài lòng về chất lượng các lớp đào tạo nghiệp vụ của Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh. Tôi nghĩ rằng đây là một giải pháp rất quan trọng giúp các hội viên, nhà báo củng cố kiến thức, có nền tảng để xây dựng các tác phẩm chất lượng trên các ấn phẩm báo chí của tỉnh Quảng Ninh.
Chủ đề liên quan:
chất lượng đào tạo Đào tạo nghiệp vụ Giải báo chí Quốc gia giải pháp nghiệp nhà báo nhà báo Mai Vũ Tuấn quan trọng quảng ninh tác phẩm tác phẩm báo chí tạo nghiệp xây dựng