Tâm linh hôm nay

Để trở thành phật tử chân chính (P.8)

Phật tử mới đến với đạo chưa thấm nhuần Phật pháp nếu không được sự chỉ dạy của Chư tăng, ni thì làm sao biết cách để ứng dụng tu hành.

Bài 8- ĐI CHÙA LỄ PHẬT

Muốn trở thành một phật tử chúng ta phải sắp xếp thời gian để đi chùa lễ phật và làm nhiều công đức khác. khi chúng ta muốn làm việc gì có kết quả tốt đẹp thì phải phát xuất từ tâm tỉnh ngộ, nếu làm việc vô nghĩa là do tâm si mê mà ra.

Chúng ta đến chùa để được nghe những lời chỉ dạy đạo lý của Chư tăng, ni là bổn phận của phật tử. Phật dạy: “thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Chúng ta phải khôn ngoan, sáng suốt chọn lấy một hành động có nghĩa để làm theo thì mới là người có hiểu biết chân chính. Chạy theo những việc làm thấp hèn có tính cách làm tổn hại người vật thì quả thực là kẻ ngu si, khờ dại.

Nếu chúng ta không ý thức được trách nhiệm và bổn phận của một con người, cứ mãi đua đòi chạy theo sự hưởng thụ xa hoa thì đến ngày thân này sắp hoại, ta sẽ không biết mình đi về đâu. Chính vì vậy, việc đi chùa lễ Phật là một việc làm cần thiết do tâm khao khát muốn được làm người tốt để làm tròn trách nhiệm đối với gia đình, người thân và đóng góp lợi ích cho xã hội.

Mục đích đi chùa không phải là để cúng lạy, van xin, cầu khẩn mong Phật-Bồ tát ban phước trừ họa cho chúng ta mà vì ta muốn học hỏi Chánh pháp, tập tu đức tính từ-bi-hỷ-xả để chuyển hóa phiền muộn, khổ đau thành an vui, bình yên và hạnh phúc.

Càng cao quý hơn nữa, chúng ta tham gia vào các khóa tu một ngày an lạc cho đến bảy ngày để được thực tập hạnh giác ngộ, giải thoát. thật là diễm phúc thay khi quý có những cơ hội thấm nhuần chánh pháp bằng sự thể nghiệm trực tiếp qua sự hướng dẫn của tăng, ni.

Nếu chúng ta vắng mặt trong những ngày lễ vía và các khóa tu thì quả thật là một thiệt thòi đáng kể của phật tử. Có nghe giáo lý và có thực hành những lời Phật dạy chúng ta mới biết phương pháp tu hành, biết cách buông xả phiền não tham-sân-si mà chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc.

Quý phật tử dù đã quy y mấy mươi năm mà không chịu học hỏi giáo lý, không siêng năng nghe quý thầy cô giảng dạy và không thắc mắc, nghi ngờ thì sẽ thiệt thòi cho chính mình. phần đông các phật tử chưa tin sâu lý nhân quả nên khi đến chùa hay cầu khẩn, van xin mà rơi vào mê tín dị đoan. phật tử phải luôn học hỏi và thực hành theo lời phật dạy. chính vì vậy, đi chùa nghe pháp và thắc mắc những gì mình chưa biết là điều cần thiết của phật tử tại gia.

Chúng ta lễ Phật, lạy Phật không vì van xin tha tội, không vì cầu khẩn van xin mong Phật-Bồ tát ban phước trừ họa mà ta lễ lạy để được học hỏi và bắt chước công hạnh cao cả của Ngài với tinh thần biết ơn và đền ơn.

Chúng ta lễ lạy Phật để thấy mình còn ngu si, mê muội quá nhiều vì sự tham lam và ích kỷ để xả bỏ hết những thói quen cống cao ngã mạn, khinh thường người khác. Thói quen và bản chất của mọi người là lúc nào cũng thấy mình hơn thiên hạ nên tự cao tự đại, chẳng coi ai ra gì. Ðó là thói quen xấu nhiều đời nhiều kiếp đã ăn sâu vào tàng thức khiến chúng ta bị mọi người chán ghét, lánh xa.

Phật tử biết được khiếm khuyết này nên chúng ta lễ lạy phật-bồ-tát, các bậc đạo cao đức trọng để diệt trừ tâm cống cao ngã mạn. khi lễ lạy phật-bồ tát hoặc người tu hành chúng ta không mong cầu điều gì mà chỉ mong học được đức hạnh cao quý của các ngài, như người xưa nói: "kính thầy mới được làm thầy". chúng ta muốn dẹp bỏ những thói quen tật xấu, học theo đức hạnh từ-bi-hỷ-xả thì phải kính lễ những bậc đức hạnh để học hỏi những điều hay lẽ phải.

Chúng ta lễ lạy Phật vì noi theo gương sáng của Ngài với tấm lòng vô ngã, vị tha. Vì Phật đã giáo hóa chúng sinh không biết mệt mỏi, nhàm chán nên Ngài có đầy đủ mọi công đức từ-bi-hỷ-xả và trí tuệ viên mãn, do đó chúng ta phải lễ lạy Phật để bắt chước công hạnh của Ngài.

Như vậy, chúng ta sẽ lễ lạy Phật bao nhiêu mới xứng đáng trong việc noi theo gương sáng của Ngài? Chúng ta đời đời kính lễ Ngài cũng đâu có thiệt thòi gì, nhờ vậy ta mới lần hồi chuyển hóa được những phiền muộn, khổ đau. Ði chùa lễ lạy Phật và thưa hỏi đạo lý là điều cần thiết giúp cho chúng ta tiến bước mãi trên con đường giác ngộ cho đến khi nào thành tựu viên mãn mới thôi.

Còn nữa...

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/de-tro-thanh-phat-tu-chan-chinh-p8-d15501.html)

Chủ đề liên quan:

chân chính phật tử

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY