Đeo tai nghe trong lúc ngủ ngủ có nguy cơ mất thính lực vĩnh viễn
Một trong những thói quen xấu thường gặp chính là việc cắm tai nghe để sử dụng các thiết bị công nghệ trước khi đi ngủ. Hành động này không những khiến não bộ vẫn phải tiếp tục làm việc mà còn gây ảnh hưởng tới thính giác nếu ngủ quên không tắt đi suốt cả đêm.
Những món đồ công nghệ có thể mang đi mọi nơi như ipad, điện thoại di động, laptop... dường như đã chẳng còn xa lạ gì trong cuộc sống của giới trẻ. Tuy nhiên, chính vì quá tiện dụng nên giới trẻ đã hình thành những thói quen xấu gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mình.
Theo lời cảnh báo từ trang Sina, một nữ sinh giấu tên (20 tuổi), sống tại thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đã bị suy giảm thính lực nghiêm trọng chỉ vì thường xuyên đeo tai nghe để xem phim vào buổi đêm. Sau đó, cô gái này đã ngủ thiếp đi và quên mất việc tháo bỏ tai nghe ra khỏi tai.
Một trường hợp khác là chàng trai làm công nghệ thông tin (23 tuổi), đang sống tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) cũng đột ngột bị mất thính giác. Nguyên nhân xuất phát từ việc đeo tai nghe liên tục trong một thời gian dài, kể cả trong lúc ngủ. Hậu quả là anh chàng này đã bị điếc ở cấp độ nghiêm trọng và nhiều khả năng thính lực sẽ không thể khôi phục lại như trước.
Nhiều người không hề biết cách sử dụng tai nghe như thế nào để tránh làm ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như thính giác của mình, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra ngay trong tương lai gần.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Loại âm thanh nào sẽ gây hại lớn tới thính giác?
Theo nhiều nghiên cứu, việc nghe âm lượng vượt quá 85 đề-xi-ben (dB) trong suốt một thời gian dài có thể gây hại tới thính giác. Khi nâng âm lượng lên tới 110 dB, bạn có thể bị mất thính giác vĩnh viễn.
Âm lượng phát ra bình thường của tai nghe là 84 dB, nếu vượt quá thì lâu dần, đôi tai của bạn sẽ không thể làm việc hiệu quả, gây điếc đột ngột.
Một số nguyên tắc khi sử dụng tai nghe để tránh gây hại tới đôi tai của bạn:
- Tuân theo nguyên tắc "60-60": Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo, khi sử dụng tai nghe, âm lượng bình thường không được vượt quá 60% khối lượng tối đa và có thể điều chỉnh ở mức thấp, từ đó giúp đôi tai không bị giật mình. Đồng thời, bạn cũng chỉ nên sử dụng tai nghe mỗi ngày ít hơn 60 phút để bảo vệ đôi tai một cách tốt nhất.
- Quan tâm đến môi trường sử dụng tai nghe: Nếu bạn đang ở trong một không gian ồn ào, náo nhiệt thì vô thức, bạn sẽ tự tăng âm lượng tai nghe lên để có thể nghe rõ nội dung hơn. Chính điều này sẽ khiến tai bị kích thích bởi luồng âm thanh quá lớn, từ đó làm ảnh hưởng tới đôi tai nghiêm trọng. Do vậy, nếu ở nơi có tiếng ồn lớn thì tốt nhất là bạn không nên đeo tai nghe.
- Tuyệt đối không đeo tai nghe trước khi ngủ: Do khi chúng ta nằm xuống, tai nghe sẽ bị ép vào gối. Điều này có thể làm mở rộng vùng tổn thương ở tai và dễ làm tăng kích thích màng nhĩ, gây suy giảm thính lực về lâu dài.
- Không sử dụng khi tai nghe có vấn đề: Nếu bạn thấy tai nghe của mình một bên nghe được, còn một bên không nghe được, hoặc xuất hiện âm thanh lạo xạo khi nghe thì đừng sử dụng tiếp chiếc tai nghe này nữa. Nó có thể gây mất cân bằng thính lực khi bạn cố sử dụng tiếp trong một thời gian dài.
Mặc dù các nguyên tắc trên sẽ phần nào giúp giảm thiểu tác hại, nhưng tốt nhất thì bạn cũng không nên sử dụng tai nghe quá thường xuyên. Nếu công việc yêu cầu bạn phải dùng tới tai nghe, hãy lựa chọn loại trùm kín tai chứ không nên chọn loại nút nhỏ. Đặc biệt, nếu thường xuyên thấy ù tai, mất thính giác đột ngột thì cần chủ động tới bệnh viện để khám ngay.
Theo Kênh 14
Mạng Y Tế
Nguồn: Alo bác sĩ (http://alobacsi.com/deo-tai-nghe-trong-luc-ngu-ngu-co-nguy-co-mat-thinh-luc-vinh-vien-n395338.html)