Khi trường học khắp Việt Nam đang chuẩn bị để đón học sinh, cũng là lúc chị Minh Anh (35 tuổi; quận Tân Bình, TP HCM) lo âu đi hỏi ý kiến gần như tất cả bác sĩ (BS) mình quen. "Tôi ước gì được nghỉ học nguyên năm, dịch bệnh thế này lo quá. Nhưng cháu năm nay lớp 9, năm tới chuyển cấp, trường học lại thì tôi không dám cho nghỉ".
Trong khi đó, chị A.N (37 tuổi; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) lại mong đến ngày con gái tuổi tiểu học được trở lại trường: "Con tôi mới lớp 2 nên chưa đi học lại nhưng cháu đã háo hức xếp cặp để sẵn cả tuần. Nghỉ dịch không phải như nghỉ hè, cháu không được đi chơi, không thể về quê… và cha mẹ vẫn phải đi làm. Bức bí cũng làm tính tình cháu thay đổi. Tôi nghĩ phải an toàn nhà nước mới cho đi học lại nên không quá lo".
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết việc đi học lại của trẻ sẽ đủ an toàn nếu người lớn có ý thức. Các khảo sát dịch tễ từ đầu mùa dịch cho thấy trẻ em khó bị nhiễm hơn người lớn, nếu lỡ nhiễm cũng khó nặng và khó lây hơn. Hơn nữa, nguy cơ bị nhiễm của trẻ em còn thấp hơn vì dù đi học thì trẻ em vẫn ít tiếp xúc người lạ, ít di chuyển nhiều nơi như người lớn đi làm, đi chơi.
Vì vậy, nên hiểu trẻ em bị nhiễm bệnh chủ yếu từ chính gia đình, từ cha mẹ, khả năng đó cao hơn nhiều lần so với nguy cơ lây từ bạn học. Muốn trường học được an toàn, phụ huynh phải tuân thủ các khuyến cáo (khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách, tránh tụ tập…).
Học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Văn Phú, quận 11, TP HCM đi học trở lại vào sáng 4-5; học sinh đeo khẩu trang và được bố trí ngồi có khoảng cách trong lớp học (Ảnh: TẤN THẠNH)
Còn theo BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), ngoài những biện pháp kiểm soát học sinh, nhà trường rất cần kiểm soát không để người lạ bước vào khuôn viên trường học. Trẻ chỉ nên tiếp xúc thầy cô dạy mình, nhân viên y tế và người lớn trong gia đình và những người lớn này cũng cần tuân thủ quy định phòng dịch, khai báo y tế…
Theo BS Nguyễn Minh Tiến, quyết định cho trẻ em đi học lại khi dịch tạm ổn là cần thiết vì trẻ em ở suốt trong nhà quá lâu làm nảy sinh các vấn đề về tâm lý. BS Trương Hữu Khanh khuyên người lớn nên làm gương: "Người lớn cho rằng mình có ý thức, biết đeo khẩu trang nhưng đeo sai rất nhiều. Việc rửa tay cũng vậy, tôi thấy các bé rửa tay tốt hơn người lớn nhiều. Tuy nhiên, để duy trì thói quen tốt đó, phụ huynh phải làm gương. Cô giáo dạy rửa tay, đeo khẩu trang, bé đang làm tốt nhưng về nhà thấy cha mẹ không làm thì bé sẽ dần dần lười làm theo".
Các BS đều đồng tình với việc lựa chọn khẩu trang vải cho trẻ em, mỗi ngày vài chiếc. Bởi khẩu trang y tế thường khó thở, dễ dẫn đến việc người dùng thỉnh thoảng tháo ra. "Khẩu trang y tế phải tiết kiệm, không thể thay nhiều và như thế sẽ kém hiệu quả bởi trẻ em hay chảy nước miếng, mau ướt khẩu trang. Phụ huynh nên chuẩn bị cho con vài cái khẩu trang vải mang theo, bé cứ thấy dơ, ướt là thay. Dặn bé khi thay khẩu trang tìm chỗ vắng, không nói chuyện trong lúc thay là được" - BS Nguyễn Minh Tiến nói.
BS Trương Hữu Khanh hướng dẫn phụ huynh nên chuẩn bị cho bé 2 túi zip, 1 túi để khẩu trang sạch, 1 túi để khẩu trang dơ. Người lớn cũng có thể làm theo cách này khi đi làm. Khẩu trang vải khi dơ cần giặt xà bông, phơi nắng, ủi… như đối với quần áo, có thể sử dụng lại.
Theo các chuyên gia, ngoài kiểm tra y tế bằng đo thân nhiệt, khai báo y tế, các trường học nên chuẩn bị nhiều bồn rửa tay, để sẵn xà bông vì rửa tay bằng xà bông và nước luôn là lựa chọn an toàn nhất. Rửa tay thường xuyên, không chỉ Covid-19 mà các bệnh trẻ em hay gặp trong mùa hè như tay chân miệng, tiêu chảy hay các dạng viêm đường hô hấp khác cũng bị đẩy lùi. Trang bị thêm nhiều thùng rác để các em bỏ khẩu trang y tế, khăn giấy đúng nơi quy định.
ANH THƯ
Chủ đề liên quan:
an toàn bệnh trẻ em bệnh viện nhi đồng 1 đeo khẩu trang đi học đo thân nhiệt học sinh lớp 9 kiểm tra y tế mùa dịch tay chân miệng trong mùa Trong mùa dịch trương hữu khanh viêm đường hô hấp