Ảnh minh họa |
Mất cả một buổi sáng chờ đợi (dù đã có hẹn trước) chúng tôi mới gặp được bác sĩ Trần Ngọc Ánh (Chuyên khoa Da liễu, Bênh viện Da liễu Tp.HCM). Sau mấy tiếng đồng hồ tất bật khám cho các bệnh nhân, bác sĩ Trần Ngọc Ánh dù thở không ra hơi vẫn nhiệt tình cho chúng tôi biết trong thời gian gần đây ở Sài Gòn có rất nhiều người bị dị ứng da nặng do dùng mỹ phẩm, điển hình là những trường hợp như:
Chị Nguyễn Thị Lệ Hoa (36 tuổi, nhà ở Q.3, Tp.HCM), đến khám Chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Da liễu Tp.HCM trong tình trạng da mặt bị tấy đỏ, các nốt sần sùi, đỏ to bằng hạt đậu. Sau khi thực hiện các xét nghiệm lâm sàng, bác sĩ cho biết, chị bị dị ứng với chất steroid có trong một số loại mỹ phẩm. Hỏi ra mới biết chị đã nghe theo một số phụ nữ ở gần nhà sử dụng kem trộn có bán tại các nhà thuốc. Loại kem này có độ ẩm và chất tẩy trắng cao, nên với những người da nhờn và mỏng dễ bị dị ứng.
Theo một cuộc khảo sát quốc tế mới đây, trong số 1 triệu lượt dùng mỹ phẩm có khoảng 680 lần bị phản ứng phụ. Tuy nhiên con số người dùng mỹ phẩm bị "khó chịu" trên thực tế còn nhiều hơn. |
Còn chị Nguyễn Thị Nhung (34 tuổi, nhà ở Quận Gò Vấp, Tp.HCM), cũng đến khám với da mặt ngứa, nổi những vết lằn cỡ ngón tay. Theo lời kể của chị Nhung, chị đã mua một bộ mỹ phẩm gồm sữa rửa mặt, kem làm trắng da, kem chống nắng với số tiền gần 1 triệu đồng của một hãng mỹ phẩm có tên tuổi. Tuy nhiên sau khi sử dụng một thời gian thì da mặt bắt đầu ngứa, nổi đỏ lằn. Bác sĩ khuyên chị ngưng sử dụng ngay lập tức loại mỹ phẩm này do nó không phù hợp với cơ địa của chị.
Là người trực tiếp khám chữa cho hai bệnh nhân trên, BS. Trần Ngọc Ánh cho rằng trường hợp dị ứng của chị Hoa và chị Nhung là do bị dị ứng với kem bôi da. Nhưng ngoài ra, những người bị dị ứng mỹ phẩm còn xảy ra khi dùng các loại sản phẩm khác như dầu gội, chất khử mùi, sản phẩm trang điểm, nước hoa, thuốc nhuộm tóc, xà phòng gội, xà phòng tắm… Thường thì những mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, cần thận trọng hơn đối với người có cơ địa dị ứng như: hen suyễn, mề đay, chàm, viêm da dị ứng… và không bao giờ sử dụng lại khi dị ứng với mỹ phẩm đã dùng.
Dị ứng mỹ phẩm do đâu?
Dị ứng mỹ phẩm là hiện tượng xảy ra ngay sau khi tiếp xúc với mỹ phẩm như viêm da tiếp xúc, đau rát, dị ứng… hiện tượng thường gặp như tấy đỏ, ngứa, xưng, đau rát.
- Viêm da tiếp xúc gây đau rát: Là do da bị chấn thương khi tiếp xúc với những chất độc có trong mỹ phẩm, đây là những hóa chất độc hại gây tổn thương trực tiếp tới bề mặt da.
- Viêm da tiếp xúc dị ứng: Xảy ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng lại những hợp chất đặc trưng (như chất gây dị ứng) hay còn gọi là chất ngoại lai gây bệnh nguy hiểm.
Dị ứng mỹ phảm - những dấu hiệu thường gặp
- Nổi mụn trứng cá.
- Viêm da dị ứng, đây là dạng dị ứng rầm rộ hơn, biểu hiện bằng mảng hồng ban ở vùng bôi mỹ phẩm, kèm theo mụn nước và ngứa.
- Mề đay với những biểu hiện như những sẩn phù rất giống như những vết nổi gồ trên mặt da như muỗi cắn hay những lằn roi đánh vào mặt da, kèm theo ngứa.
- Chàm tiếp xúc bao gồm mảng hồng ban giới hạn rõ kèm theo mụn nước và ngứa.
- Khô da với biểu hiện da khô và tróc vẩy.
- Teo da là biến chứng thường gặp ở những người dùng nhóm thuốc có corticoid kéo dài.
- Sạm da là tình trạng tăng sắc tố sẫm màu.
- Lão hóa da là tình trạng như: nhăn da, đốm nâu, khô, nhám, tăng sừng.
Làm gì khi bị di ứng?
Nhất thiết phải đưa đi khám bác sĩ và điều trị, không được tự ý mua thuốc về dùng hoặc điều trị tại nhà, giấu bệnh vì lâu ngày sẽ gây biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng con người.
Tuy nhiên, ở một số người có dị ứng ngày càng nặng hơn, do đó cần phải được điều trị, tùy theo mức độ mà điều trị khác nhau. Đối với viêm da tiếp xúc chỉ cần bôi ngắn hạn các thuốc có corticoid như: eumovate, dermovat, flucinar…
Trường hợp thật nặng thì uống thêm các thuốc kháng dị ứng như: Clarytine, Cezil, Celestamine, Peritol, Pipolphen, Semprex… Uống vitamin C liều cao. Thông thường chỉ sau 3 ngày điều trị các triệu chứng sẽ hết nhanh chóng và khỏi hẳn.
Loại mỹ phẩm thường gây dị ứng
Qua các thử nghiệm y học, đồ mỹ phẩm dễ gây dị ứng nhất do các bạn gái là nước hoa, thuốc mọc tóc, kem làm trắng da, kem chống nếp nhăn, thuốc nước hoặc kem chống mọc lông. Tiếp đó thuốc làm đầu, nhuộm tóc, kem dưỡng tóc, hoá trang mặt, kem trứng cá, kem lót khi trang điểm, son môi, thuốc vệ sinh, kem tăm, thuốc chống nắng, thuốc khử mùi và giảm mồ hôi…
Cách thử mỹ phẩm trước khi sử dụng
- Phương pháp thử da ở mặt trong cánh tay: thoa mỹ phẩm vào vùng da ở mặt trong cánh tay để trong 24-48 giờ.
- Phương pháp PUT (provocative use test) hay phương pháp ROAT (repeat open application test) là phương pháp xác định phản ứng với mỹ phẩm chậm: thoa mỹ phẩm lên vùng da mặt trong cánh tay 2 lần một ngày trong 2 tuần với diện rộng khoảng 5cm2 để xác định phản ứng. Nếu vượt quá thời gian trên ở vùng da thoa thuốc không biểu hiện gì như: ngứa, hồng ban, nổi mụn nước… thì chứng tỏ không bị dị ứng với mỹ phẩm đó.
Quỳnh Anh (thực hiện)
Bài viết có sự tư vấn của BS. Trần Ngọc Ánh
Chuyên khoa Da liễu, Bênh viện Da liễu Tp.HCM
Chủ đề liên quan: