Dị ứng do cơ địa
Với quyết tâm “thay đổi hình ảnh” để đón Tết, chị Vũ Thị Bích, Dương Quảng Hàm, Tp.HCM đã theo bạn bè đến một salon tóc uy tín để làm đẹp. Tuy nhiên, chỉ sau vài tiếng “lên màu” cho mái tóc, chị thấy da đầu ngứa râm ran, càng gãi lại càng ngứa và chảy dịch vô cùng khó chịu. Chị Bích càng hốt hoảng hơn khi sáng hôm sau, vừa ngủ dậy chị thấy khuôn mặt mình trở nên sưng vù, hai mắt húp híp. Chị vội vàng đến bệnh viện.
Tại bệnh viện, các bác sỹ kết luận chị bị dị ứng thuốc nhuộm. Chị Bích rất ngạc nhiên bởi loại thuốc nhuộm chị sử dụng là “thuốc xịn hẳn hoi”.
Khi bị dị ứng thuốc nhuộm tóc, nhiều người thường “đổ lỗi” hoàn toàn cho sản phẩm. Tuy nhiên, BS.CK II Lê Anh Thư, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Quốc gia cho biết: Dị ứng thuốc nhuộm tóc chủ yếu là do cơ địa của từng người. Với những người có cơ địa dị ứng, cơ thể sẽ phản ứng với các hóa chất trong thuốc nhuộm. Do thành phần của các loại thuốc nhuộm khác nhau nên có người dị ứng với loại thuốc nhuộm này nhưng lại không dị ứng với loại thuốc khác.
Khi bị dị ứng, người bệnh thường có dấu hiệu ngứa ngáy ngay tại vùng đầu, sừng đỏ và chảy dịch khủng khiếp. Thậm chí, tình trạng này còn lan cả xuống trán, mặt và những vùng khác có tiếp xúc với thuốc. Tình trạng ngứa ngáy khiến người bệnh thường hay gãi mạnh dẫn đến trầy xước, nhiễm trùng và rụng tóc. Nhiều người mất ăn mất ngủ vì bên cạnh bệnh tật, bệnh nhân còn tự ti trong giao tiếp vì thẩm mỹ cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Không chỉ có dị ứng
Thuốc nhuộm tóc có được “vinh dự” đứng trong hàng ngũ mỹ phẩm, cùng với son, phấn, kem dưỡng da, dầu gội, xà phòng thơm… Thế nhưng, so với các mỹ phẩm khác, thuốc nhuộm tóc lại là kẻ thù hàng đầu của sức khỏe vì chứa nhiều chất độc. Chúng giúp màu tóc của bạn đẹp theo ý muốn nhưng thực sự đang từng ngày khiến sức khỏe tóc xấu đi.
Trong thành phần thuốc nhuộm tóc chứa các chất không hề “thân thiện” với da và tóc như: Paraphenylenediamin (PPD), toluene-diamine-sulphate (TDS), resorcinol (RES), aminoazobenzene, xylidine và aminophenol.
Các chất này khiến tóc ngày càng yếu, mất độ bóng mượt, khô, xơ, dễ gãy rụng… Đặc biệt, thuốc nhuộm tóc dễ gây dị ứng, làm tăng nguy cơ viêm chân tóc, viêm da tiếp xúc, dị ứng vùng da đầu sử dụng thuốc nhuộm tóc, thậm chí cả vùng da lân cận như: mí mắt, mặt, cổ…
Chất hóa học PPD có mặt trong nhiều loại sản phẩm thuốc nhuộm tóc với công dụng giúp lên màu đẹp và lâu phai. Thuốc nhuộm có màu càng đậm thì hàm lượng chất PPD có trong thuốc rất cao và càng độc. Khi nhuộm tóc, các chất độc hại (nhất là chất PPD) sẽ bám lại trên tóc trong một thời gian nên khi tóc tiếp xúc với da đầu và da tại các vùng lân cận thì các chất này sẽ ngấm sâu vào bên trong, có thể gây ra tình trạng loét ở da hoặc gây ung thư da, não, hệ tạo máu, bàng quang…
Theo luật ở châu Âu, PPD được phép có trong thuốc nhuộm tóc với tỉ lệ tối đa là 6%. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về tỷ lệ chất hóa học này trong mỹ phẩm.
Muốn an toàn thì phải thử
BS. Thư khẳng định: Việc thử thuốc trước khi nhuộm là một bước vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, thao tác này lại không được chú trọng. Để thử thuốc, trước khi nhuộm, bạn bôi thuốc định dùng lên mặt trong cánh tay. Đây là vùng da rất nhạy cảm. Sau khoảng 1 đến 2 ngày, nếu không thấy có hiện tượng ngứa, mẩn đỏ thì có thể sử dụng.
Hiện nay, nhiều người đang truyền tai nhau biện pháp uống thuốc chống dị ứng hoặc bôi dầu ăn lên đầu trước khi nhuộm để tránh dị ứng. Trước thông tin này, BS. Lê Anh Thư khẳng định: Bôi dầu ăn lên đầu chỉ hạn chế được một lượng rất nhỏ thuốc thấm vào da chứ không thể chống được dị ứng. Còn việc sử dụng thuốc chống dị ứng chỉ giúp tình trạng dị ứng nhẹ hơn mà thôi.
BS. Thư khuyến cáo: Những người có cơ địa dị ứng như nổi mề đay, viêm da cơ địa, hen, chàm, eczema, dị ứng thức ăn, thuốc... hoặc đã dị ứng thuốc nhuộm tóc một lần cần hết sức thận trọng.
Bệnh nhân mắc bệnh ở da đầu, phụ nữ mang thai và cho con bú không nên nhuộm tóc. Thuốc nhuộm tóc sẽ thấm qua vùng da bị bệnh gây nhiều biến chứng.
Không nên thay đổi loại thuốc nhuộm thường xuyên. Khoảng cách giữa các lần nhuộm tối thiểu là 2-3 tháng.
Cần lựa chọn thuốc có chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và thử thuốc trước khi sử dụng.
Khi phát hiện bất thường như ngứa rát, mẩn đỏ, phồng rộp, chảy dịch... cần gội đầu sạch và đi khám chuyên khoa da liễu, dị ứng để được điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý bôi thuốc hay sử dụng mỹ phẩm khác.
Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ FDA có quy ước với nhà sản xuất thuốc nhuộm phải ghi trên bao bì lưu ý “Sản phẩm này chứa một loại hoạt chất có thể thấm qua da và đã được xác nhận là gây ung thư trên súc vật”. Còn theo Cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư IARC (Pháp) thì việc những người sử dụng thuốc nhuộm có nguy cơ mắc các bệnh ung thư (đặc biệt là ung thư máu và ung thư bàng quang) cao gấp đôi so với những người không sử dụng loại hóa chất này. |
Lục Khánh Chi
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: