Kinh tế xã hội hôm nay

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người Hà Nội cứ ra khỏi nhà là đeo khẩu trang

MangYTe - Những ngày này, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các đơn vị bán lẻ đã sẵn kịch bản cung cấp hàng hóa thiết yếu cho khách hàng, còn với người dân đã hình thành phản xạ ra khỏi nhà là đeo khẩu trang.

Khẩu trang là vật thiết thân khi bước ra khỏi nhà

Ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, trong những ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại, hoạt động giao thương của người dân tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, như chợ Chính Kinh (Thanh Xuân), chợ Hà Đông (Hà Đông), chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy), chợ Thành Công (Ba Đình)… đều diễn ra bình thường, nhất là vào những giờ cao điểm. Tuy nhiên, chỉ có một điểm khác là tất cả những ai có mặt ở khu vực giao thương, mua bán đều đeo khẩu trang.

Người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo phòng, chống dịch của Bộ Y tế tại chợ dân sinh Đại Mỗi.

Thậm chí, có những điểm giao thương, người dân được bố trí nước sát khuẩn, khẩu trang y tế như tại các siêu thị, các "ông lớn" bán lẻ.

Có mặt tại chợ dân sinh Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), chị Nguyễn Thị Linh (33 tuổi) cũng như bao bà nội trợ khác là luôn bịt kín mặt mũi để ngăn giọt bắn và giữ khoảng cách an toàn khi mua hàng là 2 mét.

Chị Trần Thị Lèn (33 tuổi) cũng tương tự. Mặc dù cư trú tại xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) nhưng ngày nào chị Lèn cũng đeo khẩu trang đến chợ Quang (xã Thanh Liệt, Thanh Trì) để mua thực phẩm.

Chị Lèn cho biết: "Đợt dịch đầu tiên, khi Hà Nội gỡ bỏ "lệnh" giãn cách xã hội thì nhiều người dân đã không sử dụng khẩu trang khi đến chợ vì thấy an toàn. Tuy nhiên, từ khi xuất hiện ca nhiễm ở Đà Nẵng, Hà Nội, mặc dù cơ quan chức năng đều đưa những người tiếp xúc gần đi cách ly, xét nghiệm nhưng hầu hết, người dân đến chợ đều "kín mặt"".

Trước dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người Hà Nội hình thành phản xạ cứ ra khỏi nhà là đeo khẩu trang.

"Mọi người đều có kinh nghiệm phòng chống dịch từ đợt dịch trước đó, nên chỉ cần nghe có ca nhiễm trong đợt dịch thứ 2 là nhiều người cũng tỏ ra lo lắng và thực hiện các biện pháp phòng chống nghiêm túc, cẩn trọng. Thậm chí, từ khi Hà Nội có ca nhiễm và một số ca Tu vong ở tâm dịch Đà Nẵng thì người dân đi chợ đều giữ khoảng cách an toàn", chị Linh cho hay.

Bà Nguyễn Thái An (56 tuổi, ở Nhân Chính, Thanh Xuân) cho biết, người dân thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn trước dịch COVID-19 không chỉ ở các chợ truyền thống, mà ở các siêu thị, đơn vị bán lẻ lớn cũng tương tự. "Ở các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi đều dán cảnh báo an toàn và khuyến cáo người dân. Thậm chí là trang bị các nước sát khuẩn, khẩu trang để phát cho mọi người", bà An cho biết.

Người dân không lo thiếu hàng

Từ khi dịch COVID-19 tái xuất hiện, ngành Công thương và UBND TP Hà Nội đã có những chỉ đạo các địa phương và các doanh nghiệp vừa phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa phải tái khởi động công tác chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu tương ứng với các kịch bản cấp độ của dịch bệnh để đáp ứng nhu cầu người dân.

Hình ảnh người dân thực hiện các biện pháp an toàn tại siêu thị.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, công tác dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng đã được tái khởi động trở lại.

Tình hình thị trường tại những nơi có người mắc bệnh cũng tương đối ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, mua gom tích trữ lương thực, thực phẩm. Nguồn cung cơ bản đáp ứng cơ bản nhu cầu, giá cả tương đối ổn định do người dân có kinh nghiệm từ lần dịch trước nên đã bình tĩnh hơn trước các diễn biến của dịch bệnh.

B. Loan

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/dich-covid-19-dien-bien-phuc-tap-nguoi-ha-noi-cu-ra-khoi-nha-la-deo-khau-trang-20200806150159655.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY