Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn nguồn tin từ tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet đưa tin nhiều chuyên gia y tế Singapore đã chỉ ra những điểm tương đồng giữa dịch sốt xuất huyết với dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra.
“Dịch sốt xuất huyết và bệnh COVID-19 rất khó phân biệt bởi chúng có chung nhiều đặc điểm lâm sàng và trong phòng thí nghiệm”, nhóm nghiên cứu đến từ Hệ thống Y tế Đại học Quốc gia Singapore, Bệnh viện Đa khoa Ng Teng Fong và Viện Y tế Môi trường, cho biết trong một báo cáo chung.
Báo cáo đã chỉ ra 2 trường hợp người Singapore lúc đầu dương tính với sốt xuất huyết khi xét nghiệm huyết thanh, nhưng sau đó nhân viên y tế phát hiện họ mắc COVID-19. Cả 2 bệnh nhân này không đi đến các khu vực bị ảnh hưởng bởi virus SARS-CoV-2 nhưng đều có triệu chứng sốt và ho.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh sốt xuất huyết và COVID-19 là hai virus khác nhau, virus sốt xuất huyết thuộc họ Flavi trong khi COVID-19 thuộc họ Corona. “Triệu chứng ban đầu của cả hai bệnh có thể tương tự nhau, và chúng ta có thể phân biệt khi bệnh tình tiến triển rõ ràng hơn. Quyết định xét nghiệm cho bệnh nào do bác sĩ đưa ra dựa trên biểu hiện lâm sàng và thông tin khác bao gồm sự liên kết dịch tễ học và các phơi nhiễm khác", WHO nêu rõ.
“Đây là triệu chứng rất phổ biến đối với mọi loại bệnh do virus gây ra”, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena nhận định và cho biết thêm rằng đau nhức cơ là một triệu chứng khác được biểu hiện ở các bệnh nhân cúm, sốt xuất huyết, Zika hoặc Chikungunya.
Ông Leong cho hay nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt nếu họ sống ở khu vực là điểm nóng của dịch. Điều này có thể gây khó khăn cho công tác chẩn đoán điều trị bệnh do cả dịch sốt rét và dịch COVID-19 đang cùng bùng phát ở Đông Nam Á.
Jeremy Lim, đối tác y tế và khoa học đời sống của công ty tư vấn toàn cầu Oliver Wyman, cho biết COVID-19 giống như một con tắc kè hoa – nghĩa là có thể diễn biến đa dạng trong giai đoạn đầu lây nhiễm và có thể dẫn đến một số trường hợp người nhiễm virus SARS-CoV-2 được chẩn đoán nhầm là sốt xuất huyết.
“Điều phức tạp là khi mọi người khai báo y tế với các bác sĩ hoặc đến bệnh viện với các triệu chứng không cụ thể, bệnh nhân sẽ lo lắng mắc cả hai bệnh. Giống như khóa và chìa, nếu virus có đủ rãnh phù hợp với khoá, nó sẽ khớp với một loại bệnh khác. Virus gây sốt xuất huyết và COVID-19 có nhiều điểm chung đủ để tạo ra kết quả dương tính giả”, ông nói.
Dịch COVID-19 đã lan rộng ra các quốc gia Đông Nam Á trong tuần qua. Tính đến ngày 11/3, có 160 trường hợp được xác nhận tại Singapore, trong khi Malaysia và Philippines có lần lượt 117 và 35 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Indonesia và Brunei cũng đã ghi nhận ca nhiễm đầu tiên và các chuyên gia nhận định số người mắc bệnh sẽ tiếp tục gia tăng.
Bên cạnh dịch COVID-19, các quốc gia này cũng đang phảivật lộn với những đợt bùng phát sốt xuất huyết. Tổ chức WHO ước tính trên thế giới có khoảng 390 triệu ca mắc sốt xuất huyết mỗi năm. Mặc dù có nguy cơ lây nhiễm ở 129 quốc gia, nhưng dịch bệnh lây truyền qua muỗi này 70% bùng phát ở châu Á. Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore lưu ý rằng nước này đã ghi nhận 1.723 ca sốt xuất huyết trong tuần đầu năm 2020, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Lim, tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết và bộ dụng cụ xét nghiệm tương ứng cũng giúp việc xét nghiệm trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên hiện nay, số lượng bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 đang thiếu thốn, nguy cơ bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm sang sốt rét lại càng tăng cao.
Nhóm tác giả của nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 giá rẻ, có sẵn tại châu Á. Họ cho rằng nhu cầu bức thiết hiện nay là phát triển xét nghiệm chẩn đoán bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 nhanh, nhạy và dễ tiếp cận, đồng thời có độ chính xác cao để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
“Sốt xuất huyết có rất nhiều dấu hiệu và triệu chứng, chúng tôi phải sử dụng tất cả các giác quan, kinh nghiệm và logic của mình để chẩn đoán liệu đó có phải là sốt xuất huyết điển hình hay không”, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam cho biết.
Chủ đề liên quan:
có thể Covid 19 COVID_19 dịch sốt dịch sốt xuất huyết đông nam á gây khó người mắc SARS CoV 2 sốt xuất huyết virus corona xuất huyết