Làm đẹp hôm nay

Ta thường nói cái này đẹp, cái kia xấu; đọc bài văn khen hay, nhìn bức tranh khen khéo, nghe đàn mà cảm động, xúc cảnh mà hứng hoài. Bấy nhiêu thứ đều gợi ra trong tâm tình ta một cái cảm riêng, nhà tâm lý gọi là “mỹ cảm”

Điểm danh 3 cách trị môi khô hiệu quả ngay tại nhà

Môi khô, thậm chí nứt nẻ là một vấn đề thường gặp của bất kỳ ai. Dù đã quá quen thuộc với tình trạng này, nhưng bạn cũng nên tìm cách khắc phục và nâng niu bờ môi xinh của mình qua những cách trị môi khô sau đây.

Một đôi môi nứt nẻ sẽ khiến gương mặt bạn kém sắc, làm giảm sự ngọt ngào của nụ cười và ảnh hưởng cả đến những cái hôn lãng mạn. Những vết bong tróc trên bề mặt môi khiến bạn khó chịu suốt cả ngày dài và lúc nào cũng muốn dùng tay để bóc lớp da này ngay tức khắc. Tuy nhiên, hành động này chẳng khác nào làm tổn thương bờ môi mỏng manh của bạn. Sau đây hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân khiến môi bị khô cũng như cách khắc phục tình trạng này nhé!

4 nguyên nhân gây nên tình trạng khô môi

  1. Những thói quen xấu

Nguyên nhân khiến môi bị khô và nứt nẻ có thể là do nước bọt khi liếm môi, thức ăn cay và thời tiết khô, lạnh. Sau khi liếm môi, lượng amylase còn lại sẽ khiến môi bạn trở nên khô. Những thói quen xấu như cắn hoặc nhai môi cũng gây hậu quả tương tự. Bên cạnh đó, sử dụng kem đánh răng có chứa sodium lauryl sulfate cũng có thể là nguyên nhân gây khô và nứt nẻ ở môi. Song song đó, thói quen không chống nắng cho môi cũng dễ khiến môi khô rát, mất nước, xỉn màu và nhanh bị lão hóa. Da môi cũng cần được bảo vệ và chống nắng như mọi vùng da khác trên cơ thể, đặc biệt là vào mùa Hè, khi chỉ số tia cực tím cao hơn bình thường. Bạn nên giữ thói quen đeo khẩu trang khi ra đường và thường xuyên thoa son dưỡng có chỉ số SPF phù hợp.

  1. Vấn đề sức khỏe

Môi nứt nẻ cũng có thể liên quan đến một loạt các vấn đề về sức khỏe, bao gồm bệnh tuyến giáp, thiếu vitamin và bệnh viêm ruột. Chức năng tuyến giáp thấp có thể gây khô miệng và môi. Ngoài ra, thiếu hụt vitamin B hoặc nồng độ kẽm hay sắt thấp cũng được cảnh báo là gây ra tình trạng nứt nẻ ở môi. Viêm môi góc cạnh hoặc viêm ở khóe miệng cũng có thể dẫn đến da quanh miệng bị khô hoặc nứt nẻ.

  1. Dùng son môi quá hạn sử dụng

Vi khuẩn, ẩm mốc có thể trú ngụ trên những thỏi son quá hạn sử dụng. Vì thế, cho dù đó là thỏi son đắt giá đến đâu hoặc bạn thích nó đến thế nào, hãy thẳng tay bỏ vào thùng rác khi đã hết hạn sử dụng.

  1. Cơ thể bị thiếu nước

Khô môi là một trong những dấu hiệu báo động cơ thể bị mất nước. Mất nước làm đảo lộn sự cân bằng tự nhiên của các khoáng chất trong cơ thể bạn và tàn phá làn da của bạn. Hãy uống nhiều nước, ăn trái cây tươi và rau như dưa chuột, cà chua, đậu, dưa hấu … để cấp nước cho cơ thể và bảo vệ làn da đôi môi bạn.

3 cách trị môi khô hiệu quả tại nhà

  1. Sử dụng son dưỡng

Sáp và dầu trong son dưỡng sẽ tạo thành một lớp bảo vệ trên môi, do đó bạn nên đầu tư cho mình một thỏi son dưỡng thật tốt. Những loại son dưỡng cơ bản có chứa petroleum jelly hay paraffin giúp đôi môi của bạn được giữ ẩm, bảo vệ môi khỏi những yếu tố xấu từ môi trường. Nếu có thể, bạn cũng nên chọn một loại son dưỡng kết hợp chống nắng. 

Bên cạnh đó, bạn nên hạn chế sử dụng các loại son dưỡng có chứa hương thơm, long não, tinh dầu bạc hà và axit salicylic. Các thành phần này có thể gây kích ứng da môi, dẫn đến phá vỡ hàng rào bảo vệ da và mất hydrat hóa, làm cho đôi môi nứt nẻ trở nên tồi tệ hơn.

  1. Sử dụng dầu dưỡng môi

Nhẹ nhàng xoa một lượng nhỏ dầu lên môi là biện pháp trị liệu tuyệt vời với những đôi môi nứt nẻ. Bạn nên chọn những loại dầu tự nhiên để đảm bảo sự an toàn và dịu nhẹ cho bờ môi của mình như dầu dừa, dầu ô liu, dầu hạnh nhân, bơ hạt mỡ… 

  1. Sử dụng dưa leo

Dưa leo là chất giữ ẩm tuyệt vời và có tác dụng làm dịu da. Trong dưa chuột chứa nhiều nước, đạm, đường, chất xơ, khoáng canxi, sắt, kali, nhiều loại vitamin và các chất quan trọng khác. Những gì bạn cần chỉ là một lát dưa chuột. Xoa miếng dưa chuột nhẹ nhàng lên môi trong 1 hoặc 2 phút. Sau đó đắp dưa chuột lên môi trong khoảng 10 phút rồi rửa sạch môi với nước. Kiên trì thực hiện mỗi ngày để cơn ác mộng về bờ môi khô không còn làm bạn sợ hãi.

Hy vọng những thông tin trên về nguyên nhân gây khô môi cũng như cách trị khô môi sẽ giúp bạn có được một đôi môi đỏ mọng và mềm mại.

Ngọc Giao

Theo tạp chí Sống khoẻ

Nguồn Elle Vietnam

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/lam-dep/diem-danh-3-cach-tri-moi-kho-hieu-qua-ngay-tai-nha-29106/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY