Khoa học hôm nay

Độc đáo tục thờ phụ nữ ở Việt Nam

(MangYTe) - Hình tượng người phụ nữ có tầm quan trọng đặc biệt trong nhiều tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam. Cùng điểm qua nét chính về các tục thờ phụ nữ độc đáo này.

Đạo Mẫu

Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời. Đạo Mẫu lấy tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm đấng sáng tạo và bảo trì cho vũ trụ - con người, là nơi con người ký thác những mong ước, khát vọng về đời sống trần thế của mình, đạt được sức khỏe, tài lộc.

Hầu đồng, một nghi thức đặc trưng của đạo Mẫu.

Đây không phải là một hình thức tín ngưỡng tôn giáo đồng nhất, mà nó là một hệ thống các tín ngưỡng tôn giáo, trong đó bao gồm ít nhất ba lớp khác nhau, nhưng có mối quan hệ hữu cơ và chi phối lẫn nhau, đó là lớp tín ngưỡng thờ nữ thần, lớp thờ Mẫu Thần và lớp thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Tuy nhiên, sau khi đã hình thành và định hình thì đạo Tam phủ, Tứ phủ đang ảnh hưởng theo hướng Tam phủ, Tứ phủ hoá tín ngưỡng thờ Nữ thần và Mẫu thần.

Dù là một thứ tín ngưỡng có nguồn gốc bản địa, trong quá trình phát triển, đạo Mẫu đã thu nhận không ít những ảnh hưởng của Đạo giáo, Phật giáo và thậm chí cả Nho giáo.

Không chỉ là một tín ngưỡng tôn giáo, đạo Mẫu còn là văn hóa, mà thông qua nghi lễ lên đồng, qua lễ hội, phong tục, nó thực sự là một bảo tàng sống của văn hóa Việt Nam. Ở tục thờ phụ nữ này, chúng ta nhận thấy một lối sống, quan niệm, cung cách sinh hoạt, những ước vọng của không chỉ con người của xã hội cổ truyền, mà còn cả của con người hiện đại nữa.

Tục thờ Tứ Pháp

Vào những thế kỷ đầu Công nguyên, vùng Luy Lâu, một miền đất cổ, thủ phủ đất Giao Châu xưa (nay nằm ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã ra đời một loại hình tín ngưỡng mới của người Việt, được một số nhà nghiên cứu cho rằng đó là Phật giáo dân gian Việt Nam, với vị Phật tổ – Phật Mẫu Man Nương cùng bốn người con của Bà – bốn Phật Bà mà dân gian quen gọi là Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ , Pháp Lôi, Pháp Điện. Sự ra đời của loại hình tín ngưỡng này gắn với một huyền thoại về nàng Man Nương được lưu truyền đến nay.

Tín ngưỡng Tứ Pháp nhanh chóng được cư dân các vùng lân cận mà hiện nay thuộc về các địa phương Hà Nội, Hà Tây (cũ), Bắc Ninh, Hưng Yên... bảo tồn và duy trì.

Tượng Pháp Vân ở chùa Dâu (Bắc Ninh), ngôi chùa nằm trong hệ thống thờ Tứ Pháp.

Theo các nhà nghiên cứu, hiện tượng thờ Tứ Pháp đã ghi lại một mốc quan trọng đánh dấu thời điểm Phật giáo Ấn Độ truyền vào nước ta, bắt đầu từ vùng Luy Lâu. Nó cũng là một tài liệu sống về dân tộc học, văn hóa học, cho phép ta biết được một thực tế là khi Phật Giáo vào thì nơi đây đã ngự trị trong cư dân bản địa một tín ngưỡng dân gian. Đó là tín ngưỡng thờ các hiện tượng thiên nhiên liên quan trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp, được nhân hóa dưới dạng nữ thần, ảnh xạ của chế độ xã hội mà người đàn bà nắm quyền cai trị.

Là cư dân nông nghiệp lúa nước, người Việt cúng trời đất, tôn thờ các hiện tượng thiên nhiên Mây, Mưa, Sấm, Chớp, nhân hóa các hiện tượng này, cho rằng có thể giúp đỡ hoặc làm hại đến bản thân mỗi người và xã hội. Mây (Vân), Mưa (Vũ), Sấm (Lôi), Chớp (Điện) là những hiện tượng thiên nhiên liên quan trực tiếp đến nông nghiệp.

Tục thờ bà Thiên Hậu

Trong cộng đồng dân cư người Hoa ở Nam Bộ, một trong những nét tín ngưỡng được duy trì, lưu giữ qua nhiều thế hệ là tục thờ bà Thiên Hậu.

Theo các tư liệu lịch sử, bà Thiên Hậu là một nhân vật có thật, tên là Lâm Mặc Nương, sinh ra ở đảo Mi Châu, Phúc Kiến. Khi còn nhỏ, Lâm Mặc Nương bộc lộ khả năng thiên bẩm của mình ở lĩnh vực thiên văn khi thường xuyên nhìn sao trời đoán thời tiết, giúp đỡ dân chúng ngư phủ trong vùng không ra khơi đánh bắt để tránh giông bão. Bà còn được cho là có khả năng hiển linh để cứu người bị nạn ở biển, nên, nhiều ngư dân thường xuyên khấn vái bà trong những lúc tàu thuyền gặp nguy nan, sóng gió.

Trong chùa Bà Thiên Hậu ở quận 5, TP HCM.

Vào thời nhà Thanh, bà được triều đình phong là "Thiên Hậu". Cũng chính vì được triều đình sắc phong như thế nên từ đó muôn dân càng thêm tin tưởng về sự huyền diệu của Thiên Hậu. Ai ai cũng sùng bái bà và lập nhiều miếu thờ. Lâu dần, thờ phụng Thiên Hậu trở thành tín ngưỡng dân gian phổ biến ở Trung Hoa.

Thời nhà Minh – Thanh, tín ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu đã theo chân những người Hoa đầu tiên di dân xuống phương Nam theo đường biển và du nhập vào miền Nam Việt Nam. Hiện nay một số địa phương miền Nam vẫn đặt bàn thờ bà Thiên Hậu.

Tục thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na

Thiên yana là hiện tượng tín ngưỡng – văn hóa độc đáo ở duyên hải nam trung bộ việt nam. thiên yana có nguồn gốc từ nữ thần xứ sở pô inư nagar của người chăm. hình tượng pô inư nagar bắt nguồn từ devi – biểu tượng âm tính cho sức mạnh sáng tạo và hủy diệt của vũ trụ, một trong những nữ thần tối thượng trong thần điện hindu giáo.

Đền thờ Thiên Yana ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, khi du nhập và tồn tại trong cộng đồng của người Chăm, chịu ảnh hưởng “dội ngược” của các tín ngưỡng bản địa nên nữ thần Devi đã trở thành nhân vật huyền thoại mang yếu tố của một anh hùng văn hóa, nữ thần xứ sở của người Chăm – Pô Inư Nagar.

Sau này, từ một vị nữ thần Chăm, Pô Inư Nagar đã được Việt hóa với tên gọi Thiên Yana nhưng trong đó căn tính Chăm vẫn còn rất rõ nét. Đó là biểu hiện sự tương đồng trong văn hóa Chăm và Việt ở “nguyên lý thờ mẹ”.

Bà trở thành vị phúc thần được thờ phụng trong vùng dựa trên những thánh tích của bà: dạy dân biết trồng lúa, dệt vải, sản xuất, lo sinh kế, tránh hoạn nạn và các phép tắc nghề nghiệp để nuôi nhau. Bà là thần bảo trợ cho mọi nghề nghiệp, thường hiển linh, cứu nhân độ thế...

T.B (tổng hợp)

Mạng Y Tế
Nguồn: Kiến thức (https://kienthuc.net.vn/di-san/doc-dao-tuc-tho-phu-nu-o-viet-nam-1447762.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY