Ông Đàm Đình Bảng và những người con tật nguyền bẩm sinh. Ảnh: Hoàng Phương. |
Làng Lưu Xá, xã Quất Động (Thường Tín, Hà Nội) nổi tiếng với những người thợ tài hoa làm nghề thêu ren truyền thống. Chị em Đàm Thị Sâm (49 tuổi) và Đàm Thị Gấm (42 tuổi) bị mù bẩm sinh cũng thích học lắm, nhưng đôi mắt không nhìn thấy đường nên đành thôi. Chị Sâm chuyển qua học làm vàng mã còn chị Gấm được Hội Chữ thập đỏ huyện Thường Tín cho tham gia một khóa đào tạo tin học văn phòng.
Họ là cô con gái của cựu chiến binh Đàm Đình Bảng (thôn Lưu Xá, xã Quất Động). Ông lão 87 tuổi có sáu người con thì bốn người trong số đó bị dị tật. Anh con trai đầu Đàm Văn Chiến và hai cô con gái Đàm Thị Sâm, Đàm Thị Gấm bị mù bẩm sinh. Người con thứ năm tên Đàm Văn Bảnh không bị mù, đi đứng hoạt bát thì lại bị câm điếc.
Trong số bốn người con dị tật, anh Chiến bị nặng nhất. Người đàn ông 56 tuổi tóc bạc gần hết, không biết làm gì ngoài việc thơ thẩn ngồi đếm số từ 1 đến 20. "Mọi người ngồi nói chuyện thì bác ấy chỉ biết nghe chứ không hiểu gì đâu, đôi lúc còn lên cơn hoa chân múa tay như đứa trẻ con", chị Sâm kể về người anh trai thiểu năng trí tuệ. Hai người em gái sau anh Chiến sinh ra bình thường, lớn lên đi lấy chồng xa, thi thoảng mới về thăm nhà.
Mượn tạm căn nhà hàng xóm, hai chị em Đàm Thị Sâm, Đàm Thị Gấm làm vàng mã kiếm thu nhập. Ảnh: Hoàng Phương. |
Nhìn anh con trai cả ngồi rúm ró một góc trên chiếc ghế cũ kỹ, ông Bảng cay đắng cho hay: "Lúc sinh ra, chúng nó đã như thế. Ba đứa không nhìn thấy gì và một đứa câm điếc vĩnh viễn. Tôi mang con đi khắp các bệnh viện nhưng họ bảo chúng bị dị tật bẩm sinh, không chữa được".
Trước đây, ông từng làm công nhân quốc phòng. Đơn vị ông chuyên sản xuất vũ khí phục vụ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bản thân ông Bảng cũng không biết mình có bị ảnh hưởng chất độc trong chiến tranh không. Khi sinh ra những đứa con thiếu may mắn, vợ chồng ông chỉ biết mang con đi khắp các bệnh viện. Khi được bác sĩ kết luận dị tật bẩm sinh, ông mang con về nuôi và cho rằng đó là số phận rồi, muốn chống lại cũng không được.
Nhà toàn người lớn, nhưng chỉ có vợ anh Bảnh là khỏe mạnh, chăm lo mấy sào ruộng giúp gia đình. Những người còn lại đều tuổi cao sức yếu, hoặc không làm được việc nặng. Sâm cho biết, trước đây hai chị em còn tranh thủ đan những chiếc quạt nan để bán.Giờ người ta chuyển sang dùng quạt điện, điều hòa hết rồi. Những chiếc quạt nan ngày xưa chẳng còn ai ngó ngàng, thế là các chị mất việc.
Hồi mới chuyển qua học làm vàng mã, chị Sâm phải tập mất vài tháng trời mới thành thạo bẻ nan, uốn từng khúc cho đều rồi sau đó phơi, xếp lên giá. Hộp vàng mã ban đầu còn xiên xẹo, méo mó không ra hình thù chứ không được đẹp như bây giờ. Bị chủ hàng chê liên tục, nhiều lúc Sâm nản định bỏ cuộc. Đêm xuống, khi cả nhà chìm vào giấc ngủ, chị Sâm nằm thở dài, ứa nước mắt với câu hỏi luôn lởn vởn trong đầu "Tại sao người khác làm được mà mình lại không làm được?".
Cả ngày làm nghìn hộp vàng hoa, tiền công của chị Sâm cũng chỉ được 10.000 đồng. Ảnh: Hoàng Phương. |
Bất giác, chị nhớ đến những tháng ngày hai chị em còn theo học trường Nguyễn Đình Chiểu. Suốt quãng thời gian 9 năm, Sâm và Gấm được học chữ nổi, được định hướng cách di chuyển và tự mình làm hết mọi việc. Học có vất vả, nhưng chị chưa bao giờ bỏ cuộc. Thậm chí, quạt nan vẫn còn đan được, sao lại không thể gấp được vàng mã?
Nghĩ thế, chị xin chủ cho mang sản phẩm về nhà, vừa làm vừa học. Sâm bảo cái nghề này, người ta chỉ dậy một phần thôi, còn lại mình vẫn phải tự học. Giờ mỗi ngày chị gấp được trên nghìn hộp vàng hoa, tiền công cả thảy được hơn 10.000 đồng. Nghề làm vàng mã cho cô gái mù thu nhập mỗi tháng từ 300.000 đến 400.000 đồng. Thấp nhưng Sâm vẫn vui vì tự làm ra tiền.
"Mình chỉ mong có vốn sẽ tự nhận đồ về làm từ A đến Z, rồi thuê những người sáng mắt dán hoa vào sản phẩm cho hoàn chỉnh. Như vậy, lợi nhuận sẽ được cao hơn mà ít phải phụ thuộc vào chủ. Nhưng ngày đó xem ra còn xa xôi lắm, vì giờ mới bắt đầu". Sâm cười, những ngón tay búp măng không rời mảnh nan gỗ và xấp giấy màu. Mái tóc đã lốm đốm có sợi bạc, nhưng đôi bàn tay chị trắng trẻo với những ngón thon dài không kém thiếu nữ đôi mươi.
Vừa kết thúc khóa tin học, Gấm tranh thủ ở nhà gấp vàng mã cùng chị gái. Gấm vẫn luôn mong ước có một chiếc máy tính để chị thực hành kiến thức nhiều hơn nhưng chưa có tiền mua.
"Khi có việc làm, mình sẽ tiếp tục đi học tiếng Anh. Mình vẫn bảo mấy đứa trẻ trong xóm dại dột khi được gia đình cho học ngoại ngữ mà không học. Bố mẹ già yếu lo được cho mấy anh em ăn đủ no là kiệt sức rồi nên mình thèm được đi học. Nhà nghèo nên phải tính dần, lấy ngắn nuôi dài. Số tiền trợ cấp 350 nghìn đồng một tháng cho mỗi người chỉ tạm đủ sinh hoạt". Gấm nói về dự định tương lai, đôi mắt rạng ngời hy vọng.
Hàng ngày, Gấm vẫn tự bắt xe ôm hoặc đi nhờ hàng xóm lên thị trấn Thường Tín cách nhà hơn 4 km để học. Anh Bảnh đi lại bình thường, có thể chở chị đi học nhưng Gấm không nhờ vì muốn tự mình làm mọi việc. Trong số bốn anh chị em thiệt thòi, duy có anh Bảnh lập gia đình và có một đứa con trai 9 tuổi. Ba người còn lại đều không dám mơ về hạnh phúc bình dị ấy. "Lo cho bản thân mình còn đang vất vả, đâu dám mong có thể chăm lo cho người khác nữa", Gấm thở dài.
"Mình chỉ mong có nghề trong tay, kiếm ra tiền để nuôi thân, nuôi anh trai, nuôi bố mẹ già yếu. Có một nghề trong tay vẫn là kế lâu dài nhất". Điều hai cô con gái mong mỏi cũng chính là nỗi canh cánh trong lòng người cựu binh già Đàm Đình Bảng khi ông đã ở tuổi gần đất xa trời.