Kinh tế xã hội hôm nay

Du lịch Việt Nam: Đi tìm trạng thái bình thường mới

(MangYTe) Chủ đề này đã được Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cùng Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng (VGLF) mạn đàm với mục tiêu tìm ra một hướng đi bền vững và định hình lại thương hiệu Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

Nằm trong chuỗi chủ đề về phát triển đất nước hậu đại dịch: Y tế - Du lịch - Giáo dục, cuộc hội thảo trực tuyến vừa được AVSE Global tổ chức với chủ đề được nhiều diễn giả quan tâm: “Đã đến lúc ngành du lịch tìm được hướng đi trong trạng thái bình thường mới?”

Thực tế, du lịch Việt Nam đang bước vào giai đoạn đầy thử thách, dù ngành này đóng góp khoảng 32 tỷ USD mỗi năm cùng mức độ lan tỏa lớn, chiếm tỷ trọng 5-6% GDP của cả nước.

Ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia cho rằng là một trong những ngành kinh tế trọng điểm nên du lịch chịu thiệt hại nặng nề. Ngay khi dịch Covid-19 quay trở lại, số lượng Booking hầu hết giảm xuống về 0. So với năm 2019, doanh thu của ngành du lịch hiện ước tính giảm khoảng 60%. Đối với doanh nghiệp, bài toán cắt giảm chi phí đang là ưu tiên hàng đầu và có thể ảnh hưởng tới 2 triệu việc làm.

Tăng giá trị cho sản phẩm nội địa

Không thể phủ nhận khi thị trường du lịch quốc tế đóng băng, đòi hỏi các doanh nghiệp định hướng lại các sản phẩm dịch vụ và đối tượng khách hàng hướng về thị trường nội địa. Bởi vậy, những ý kiến về mô hình phát triển du lịch nội địa đã được các chuyên gia đưa ra.

Theo ông Nguyễn Tử Anh – nhà sáng lập của TropiAd và UPBase Camp, việc đa dạng sản phẩm du lịch để phát huy được các nguồn lực là rất cần thiết. Bên cạnh lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và ưu thế của địa điểm khai thác, sự phối hợp với chính quyền sở tại cùng khả năng đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực cũng là những yếu tố quan trọng để lựa chọn đầu tư và xây dựng mô hình sản phẩm du lịch văn hóa địa phương.

Bà Bùi Kim Thùy - chuyên gia kinh tế, Đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam cũng nhận định: “Nhìn về dài hạn, doanh nghiệp du lịch Việt Nam phải đáp ứng các nhu cầu và sự đa dạng hóa của thị trường thông qua những sản phẩm dành cho các đối tượng và nhu cầu cụ thể. Ưu tiên hiện nay là xây dựng các sản phẩm du lịch tạo ra giá trị bền vững”.

Theo bà Thùy, với đặc thù vùng miền văn hóa khác nhau trải dài từ Bắc xuống Nam, chiến lược phát triển vùng rất quan trọng, đi cùng với vai trò của Nhà nước trong khâu quản lý và xây dựng hành lang pháp lý và định hướng phát triển du lịch. Bên cạnh đó, cần xây dựng một chiến dịch truyền thông sâu rộng về du lịch trách nhiệm và phát triển bền vững tới du khách, chính quyền và người dân địa phương.

Với ông Nguyễn Hồng Quang - blogger nổi tiếng về du lịch, du lịch nội địa là thành trì vững chắc của ngành du lịch Việt Nam, là một mũi nhọn để tập trung phát triển, từ đó có thể tạo ra thay đổi tích cực trong cách thức tổ chức, book tour cũng như tư duy kinh doanh du lịch nội địa về lâu dài.

Chủ động với thời cơ mở cửa

Dưới góc nhìn của ông Lý Quý Trung - đồng sáng lập thương hiệu Phở 24, Giáo sư thỉnh giảng và Cố vấn cao cấp Đại học Western Sydney (Australia), hiện tại du lịch nội địa chỉ là ưu tiên phát triển nhằm lấy ngắn nuôi dài, còn du lịch quốc tế vẫn luôn nắm giữ tầm quan trọng của ngành du lịch Việt Nam.

Dịch Covid-19 xảy ra cùng các biện pháp đóng cửa biên giới đã góp phần gia tăng nhu cầu du lịch nội địa. Bởi vậy, tháng 7/2020 ghi nhận nhu cầu du lịch nội địa tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số ấn tượng này đến từ sự kích cầu du lịch của Chính phủ và các doanh nghiệp cùng với trạng thái bị “kìm nén” trong giãn cách xã hội của người dân.

Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, an toàn dịch tễ vẫn là ưu tiên hàng đầu của quốc gia. Ông Trung nhận định: “Trong sáu tháng tới, khả năng mở cửa du lịch là rất thấp. Tuy nhiên, ngay khi mở cửa trở lại, quốc gia nào có sự chuẩn bị tốt hơn sẽ bắt kịp xu thế, tận dụng cơ hội sớm sẽ thành công hơn. Để chủ động bắt kịp cuộc chơi khi thời cơ tới, ngay lúc này đây Việt Nam cần nhìn lại những vấn đề còn tồn tại cần giải quyết và đẩy mạnh triển khai những giải pháp cụ thể”.

Bàn luận về giải pháp, ông Trần Trọng Kiên đề xuất sáng kiến để mở cửa phát triển du lịch sau đại dịch như: Ưu tiên về hạ tầng giao thông, gia tăng kết nối hạ tầng cảng hàng không; Gia tăng lợi thế cạnh tranh so với khu vực, miễn thị thực với một số thị trường quan trọng được xác định là an toàn như Canada, có thể kéo dài thị thực lên 30 ngày.

Một giải pháp khác là phát triển du lịch bền vững, đảm bảo chất lượng môi trường, không khí và môi trường xã hội để nâng cao trải nghiệm của du khách và cuộc sống của người dân.

Đối với các phân khúc thị trường, hiện tại chính sách quảng bá du lịch chưa hiệu quả, mặc dù sản phẩm du lịch Việt Nam tốt. Bên cạnh đó, mô hình du lịch trải nghiệm tại Việt Nam đang chiếm đa số. Nếu mở rộng loại hình du lịch nghỉ dưỡng thì tỷ lệ quay lại thường niên của khách du lịch sẽ gia tăng.

Ông Kiên cho rằng bên cạnh nền tảng số để phát triển du lịch, Việt Nam cũng cần tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp du lịch và Chính phủ để kết hợp nguồn lực tư nhân và quốc gia để gia tăng quảng bá và lan tỏa thông điệp tới cộng đồng và quốc tế về một Việt Nam an toàn, sẵn sàng chia sẻ về kinh nghiệm và nguồn lực với các quốc gia trong khu vực và quốc tế.

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo quốc tế (https://baoquocte.vn/du-lich-viet-nam-di-tim-trang-thai-binh-thuong-moi-122036.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY