Yasa là vị tỳ kheo thứ sáu được Phật quy y và đạt quả vị A La Hán. Yasa sống tại Baranasi, ngày nay thuộc miền bắc Ấn Độ. Sau đây là lời Phật dạy Yasa về đời sống của vị tỳ kheo trước khi Yasa xin Phật xuất gia.
Nội dung lời dạy được tham khảo từ các nguồn tư liệu như: The Buddha and his teachings. Singapore Buddhist Meditation Centre; Gautama Buddha: In life and legend. Mời quý vị đọc để biết thêm nội dung lời Phật dạy trước khi chấp nhận cho Yasa xuất gia.
Yasa là con của một thương gia giàu có bậc nhất nhì ở thành phố Baranasi. Yasa sống trong cuộc sống của người giàu có: nhà cao, cửa rộng, châu báu, tiền bạc, rượu mạnh, kỹ nữ, tiệc tùng, cuộc vui.
Nhưng Yasa là một người con trai biết suy nghĩ, Yasa không còn cảm thấy lạc thú gì trong cuộc sống ấy. Yasa khao khát một đời sống lành mạnh, giống như một người bị nhốt lâu trong một căn phòng kín mít khao khát khí trời.
Đêm nọ, bạn bè Yasa quy tụ để ăn uống, đàn địch và nô đùa với bọn vũ nữ. Thức dậy lúc nửa đêm, Yasa nhìn thấy cảnh tượng các vũ nữ nằm ngả nghiêng, phơi bày những chân tướng không đẹp đẽ gì của họ, Yasa cảm thấy không thể nào còn tiếp tục được cuộc sống trác táng này. Yasa khoác lên người một cái áo, luồn chân vào một đôi dép và mở cửa đi ra khỏi nhà. Yasa đi ra cổng trước. Mở cửa cổng trước, Yasa đi mà không biết mình đi đâu. Yasa cứ thế mà đi trong đêm khuya, và tình cờ Yasa đi về hướng vườn Lộc Uyển.
Lúc tới vườn Lộc Uyển, thì trời vừa sáng và Yasa gặp Phật. Lúc này Phật đang ngồi thiền như thói quen mọi hôm. Phật thấy một chàng thanh niên chừng ba mươi tuổi, dáng điệu thanh tú, chàng thanh niên vừa đi vừa lẩm bẩm cái gì trong miệng, khi anh ta tới gần. Phật nghe anh ta lẩm bẩm: “Thật là đáng sợ, thật là ghê tởm”. Lúc ấy, chàng thanh niên vẫn chưa thấy Phật.
Giọng Phật vọng lên rành mạch và ôn tồn trong không khí mát lạnh của buổi mai. Chàng thanh niên giật mình nhìn sang. Anh ta thấy Phật ngồi thảnh thơi trên một tảng đá, phong thái thật ung dung và trầm tĩnh.
Anh tuốt bỏ đôi dép, tiến tới trước Phật và lạy xuống, rồi anh ngồi xuống trên một hòn đá thấp bên cạnh Phật, rồi tự giới thiệu về thân thế.
- Cái gì mà đáng sợ? Cái gì mà ghê tởm?
Phật dạy: - Yasa cuộc đời đầy dẫy những khổ đau mà cũng đầy dẫy những hiện tượng tượng mầu nhiệm. Đắm mình trong dục lạc, điều đó chỉ có thể tàn phá sức khỏe của hình hài cũng như của tâm hồn, và lại tạo thêm khổ đau cho ta.
Nếu biết sống một cuộc đời lành mạnh, không bị vật dục lôi cuốn, ta có thể tiếp xúc với biết bao cảnh tượng mầu nhiệm trong cuộc đời. Yasa, con hãy nhìn những thân cây đứng trong sương mù này. Đó là những hình ảnh vừa đẹp đẽ vừa mầu nhiệm. Trăng, sao, sông, núi, ánh sáng mặt trời, tiếng chim hót, tiếng suối reo ... tất cả những biểu hiện đó của vũ trụ đều mầu nhiệm, đều đẹp đẽ, đều có thể cho ta những nguồn vui bất tận.
Những niềm vui này không phá hại sức khỏe của thân thể và của tâm hồn, trái lại còn nuôi dưỡng được cho thân thể và tâm hồn. Chính thân thể và tâm hồn con cũng là những hiện tượng mầu nhiệm, con thử nhắm mắt lại, thở ra thở vào vài ba hơi, rồi mở mắt ra xem. Con thấy không? Hai mắt của con có thể nhìn thấy cây, thấy sương, thấy trời, thấy tia nắng ấm; hai mắt của con thật mầu nhiệm, vì không tiếp xúc được với hiện hữu mầu nhiệm nên đã có lúc con chán ghét ngay cả thân thể con và tâm hồn con. Có người chán ghét thân thể họ, tâm hồn họ và chán ghét luôn cả cuộc đời cho nên đã đi Tu tu. Họ không biết rằng vạn hữu cũng là mầu nhiệm. Họ chỉ thấy được mặt khổ đau của vạn hữu, nhưng khổ đau không phải là bản chất của vạn hữu. Khổ đau là do thái độ sống và do cách nhìn sai lạc của con người mà có...
Yasa là một chàng trai rất thông minh, những lời của Phật như những giọt nước mát tưới vào tâm hồn khô cạn của chàng. Rất sung sướng, chàng quỳ xuống dưới chân Phật và xin được làm học trò xuất gia của Phật.
Phật đỡ Yasa lên. Người nói:
- Người xuất gia sống một cuộc đời thanh bạch và khiêm cung, không nắm giữ tiền bạc, ngủ trong am lá hoặc dưới gốc cây, ăn bất cứ thức ăn nào xin được và mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Con có thể sống như vậy được không?
- Lạy thầy, con có thể sống như vậy được.
Phật nói:
- Người xuất gia tu học cần phải đem hết tâm tư và nghị lực để hoàn thành sự nghiệp giải thoát của mình, để có thể giúp đời và giúp người, làm vơi bớt những khổ đau trong sự sống, con có phát nguyện đi theo con đường ấy không?
- Vậy ta sẽ cho con xuất gia. Người xuất gia tu học trong giáo đoàn ta sẽ được gọi khất sĩ. Mỗi ngày đi xin thực phẩm là để tự nuôi sống mình, để tập đức khiêm cung, và cũng để có cơ hội tiếp xúc với con người mà hướng dẫn họ trên con đường đạo hạnh.
Hoàng Phước Đại