Làm đẹp hôm nay

Ta thường nói cái này đẹp, cái kia xấu; đọc bài văn khen hay, nhìn bức tranh khen khéo, nghe đàn mà cảm động, xúc cảnh mà hứng hoài. Bấy nhiêu thứ đều gợi ra trong tâm tình ta một cái cảm riêng, nhà tâm lý gọi là “mỹ cảm”

Đừng để mất mạng vì thuốc nhuộm tóc

(SKGĐ) Cảnh báo khẩn cấp về hóa chất độc hại trong thuốc nhuộm tóc đã được lan truyền nhanh chóng. Bạn sẽ ngừng làm đẹp để bảo vệ sức khỏe hay…

…chưa đẹp đã tử vong

Thông tin này được dấy lên khi hai phụ nữ Anh đã tử vong vì thuốc nhuộm hồi tháng 6 năm ngoái.Bà mẹ 2 con Julie McCabe, sống tại Keighley, hạt West Yorkshire đột nhiên cảm thấy khó thở, suy tim và tổn thương não sau khi sử dụng thuốc nhuộm tóc. Julie đã được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng các bác sỹ đã dự đoán cô chỉ còn 8% cơ hội sống sót. Julie hôn mê và sống thực vật suốt 1 năm sau đó và cuối đã tử vong. Gia đình cô và các bác sỹ cho rằng, nguyên nhân gây tử vong của Julie chính là chất paraphenylenediamine (PPD) - một hóa chất được tìm thấy trong thuốc nhuộm tóc. Tabetha McCourt, 17 tuổi cũng bắt đầu nôn mửa và bất tỉnh sau khi nhuộm tóc. Dù được đưa tới bệnh viện cấp cứu ngay sau đó nhưng Tabetha cũng không thể qua khỏi.

Những trường hợp nhập viện vì dị ứng thuốc nhuộm tóc cũng không xa lạ với Việt Nam. Đến các khoa, trung tâm, bệnh viện da liễu, bạn sẽ dễ gặp những trường hợp phồng rộp, bỏng đỏ vì nhuộm tóc. Các bác sỹ tại Bênh viện Da liễu Hà Nội cho biết, bênh viện đã tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân nam Nguyễn Minh T, 47 tuổi, được đưa vào viện trong tình trạng tổn thương nặng vùng mang tai, mặt, thở yếu, phù nề, có triệu chứng suy gan suy thận… Người nhà cho biết, sau khi đi nhuộm tóc sau khi đi nhuộm tóc, anh bị mẩn ngứa. Sau khi tắm xong, tất cả phần cơ thể dính nước có thuốc nhuộm tóc đều mẩn ngứa rồi phát triển thành các bọng nước. Một trường hợp khác là chị Bùi Thị Thanh (35 tuổi, ở Hải Phòng), người thường xuyên thích đổi màu tóc theo thời trang. Một năm gần đây, chị thấy tóc rụng nhiều rồi xuất hiện một vài nốt loét trên đầu, tưởng chỉ bị viêm nhiễm bình thường nhưng điều trị mãi vẫn không khỏi. Đi khám tại bệnh viện, chị Thanh bàng hoàng khi bác sỹ kết luận ung thư da đầu.

Nhiều bệnh rình rập

Sau cái chết của hai người phụ nữ Anh, TS. Lan White, chuyên khoa da liễu tại BV. St Thomas, London, Anh đã nghiên cứu đánh giá các hóa chất được tìm thấy ở thuốc nhuộm tóc. Theo đó đã có 36 loại hóa chất được tìm thấy và được Ủy ban châu Âu cho là không an toàn. Một số chất hóa học được sử dụng trong thuốc nhuộm tóc màu nâu hoặc màu đen còn có thể gây dị ứng nguy hiểm cho người dùng sau 6 tuần nhuộm tóc.

Nhóm khoa học từ Công ty Green Chemicals, Leeds, Anh cũng đã đưa ra cảnh báo về tác hại của các hóa chất đến bệnh ung thư trong thuốc nhuộm tóc. Giáo sư David Lewis, thành viên của nhóm nghiên cứu và là chuyên gia về hóa chất nhuộm, cho biết chất N-nitrosamines trong thuốc nhuộm tóc là một trong những tạp chất gây hại và có thể dẫn đến các căn bệnh về ung thư.

Theo nghiên cứu của Viện Ung thư quốc gia Mỹ, nhuộm tóc càng lâu, dùng màu càng đậm thì nguy cơ mắc bệnh ung thư càng cao. Tỷ lệ ung thư ở những phụ nữ dùng thuốc nhuộm tóc cao hơn 50% so với những người không dùng thuốc này.

Hóa chất độc hại nhất trong thuốc nhuộm là paraphenylenediamin. Nếu dính vào da mặt, da đầu trong khi nhuộm tóc, thuốc này có thể gây ung thư da, ung thư vú. Hiện nay, một số nước châu Âu đã cấm dùng hoá chất này. Tại Mỹ, các chuyên gia y tế cũng đã chứng minh rằng paraphenylenediamin gây dị ứng, chàm, hen, loét dạ dày, làm da mẩn đỏ, nhạy cảm với nắng và có thể gây tử vong nếu ngộ độc nặng.

Các chất phụ gia như Propylenglycol và Isopropyl alcohol cũng gây tác hại không nhỏ. Propylenglycol ảnh hưởng tới gan, thận, não, còn Isopropyl alcohol thì có thể gây trầm cảm, nhức đầu.

Còn BS.CK II Lê Anh Thư, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Quốc gia cho biết dị ứng thuốc nhuộm tóc chủ yếu do cơ địa. Mỗi người có thể dị ứng với một loại khác nhau. Bởi vậy, không phải cứ thuốc “xịn” là chắc chắn an toàn cho người sử dụng. Thực tế đã cho thấy chính Julie vẫn tử vong ngay cả khi cô dùng thuốc nhuộm xịn của thương hiệu L'Oreal.

Muốn an toàn thì chớ “ăn ngay”

Để an toàn, bác sỹ Thư khuyên cách tốt nhất là bạn phải thử trước khi nhuộm, nhưng việc này lại được rất ít người quan tâm. Để thử, bạn nên bôi 1 ít thuốc lên mặt trong cổ tay, để 1-2 ngày, nếu an toàn thì dùng. Do đó đừng vội vàng ra hiệu thuốc rồi nhuộm ngay.

Trước khi nhuộm nên lưu ý 5 điều sau:

1. Không được nhuộm tóc khi vùng da ở đầu, mặt, cổ bị tổn thương hay sưng đau.

2. Phụ nữ trong thời gian hành kinh hay trong thai kỳ tuyệt đối không dùng thuốc nhuộm tóc.

3. Khi thuốc vào mắt, cần đến bác sỹ nhãn khoa.

4. Không nên nhuộm tóc một tuần trước và sau uốn.

5. Những loại thuốc nhuộm tóc khi pha quá 30 phút mà chưa sử dụng phải đổ bỏ. Khi pha thuốc, cần tránh dùng các dụng cụ chứa làm bằng kim loại. Khi nhuộm tóc cũng không nên dùng lược chải bằng kim loại.

Ước tính trên toàn thế giới hiện nay có khoảng hơn 50% con người sử dụng thuốc nhuộm. Về chủng loại, thuốc nhuộm tóc trên thị trường hiện nay được xếp làm ba nhóm: tạm thời, ngắn hạn và vĩnh viễn. Loại thuốc vĩnh viễn gây nguy hại cho tóc và da hơn hai loại trên


 Trần Phương

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/lam-dep/dung-de-mat-mang-vi-thuoc-nhuom-toc-3816/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY