Tâm sự hôm nay

Đừng để trách nhiệm trôi theo dòng nước

Tình cảnh khốn khổ vì mất nước mà nguyên nhân không có gì mới là do sự cố vỡ đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội đã tiếp tục xảy ra đối với hàng nghìn hộ dân trên địa bàn Hà Nội.
Tình cảnh khốn khổ vì mất nước mà nguyên nhân không có gì mới là do sự cố vỡ đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội đã tiếp tục xảy ra đối với hàng nghìn hộ dân trên địa bàn Hà Nội. Điều đáng nói, đây là lần thứ 2 liên tiếp trong vòng 3 ngày và là lần thứ 9 đường ống dẫn nước này bị vỡ, cuộc sống của người dân phải chăng đang bị đùa giỡn trong khi dấu hỏi trách nhiệm về vấn đề này có đang bị trôi theo dòng nước?

Xây dựng tuyến đường ống dẫn nước mới trong 70 ngày

Trước tình trạng đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội liên tiếp xảy ra sự cố, UBND TP. Hà Nội đã có cuộc họp khẩn với các sở, ngành liên quan để kịp thời xử lý. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đặt vấn đề, mỗi lần đường ống vỡ, cuộc sống của hơn 70.000 hộ, gần 1 triệu người bị đảo lộn. Vì vậy, thành phố quyết định đầu tư khẩn cấp tuyến ống thứ hai để bảo đảm cấp nước ổn định cho nhân dân. Liên quan đến vấn đề này, theo Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình - Bộ Xây dựng nhận định, nguyên nhân do chất lượng đường ống (bằng sợi thủy tinh) không đồng đều, có hiện tượng bong rộp, tách lớp. Một số chỉ tiêu cơ lý không bảo đảm dẫn đến suy giảm khả năng chịu lực cục bộ. Quá trình thi công không bảo đảm, nhiều đoạn lẫn đá tảng, bê tông trong lớp cát đệm đường ống; khu vực đi qua hầm chui không có lớp bê tông bảo vệ làm giảm khả năng chịu tải trước tác động bên ngoài... trách nhiệm trong việc để xảy ra sự cố trước hết thuộc về chủ đầu tư - Tổng công ty (TCT) cổ phần Vinaconex. Liên quan đến quy mô tuyến ống mới, đại diện TCT Vinaconex cho biết, để bảo đảm áp lực nước an toàn cho tuyến ống số 1, tuyến ống mới phải “san tải” cho tuyến ống số 1 khoảng 100.000m3 nước/ngày đêm. Với yêu cầu này, ngay tại cuộc họp, các đơn vị liên quan tính toán luôn, quy mô tuyến ống mới này có đường kính 1.000mm, chạy nổi để bảo đảm thi công nhanh, tiết kiệm chi phí và dễ kiểm soát khi vận hành. Đại diện TCT Vinaconex cũng đề xuất, Vinaconex đã thu xếp tín dụng cho dự án tuyến ống số 2. Nếu thi công trước 10km đoạn thường xuyên xảy ra sự cố, Vinaconex có thể triển khai ngay từ tháng 8 với thời gian thi công 4 tháng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, thành phố đã mất niềm tin vào Vinaconex, đã yêu cầu Vinaconex nhiều lần nhưng đơn vị này vẫn lừng khừng. Vì vậy, thành phố chủ động đầu tư tuyến ống khẩn cấp. Vinaconex vẫn tiếp tục nghiên cứu, đầu tư tuyến ống số 2 và nâng công suất Nhà máy nước theo quy hoạch. Sẽ không có sự lãng phí, chồng chéo vì tuyến ống khẩn cấp trước mắt để bảo đảm an toàn cấp nước cho thành phố, sau này khi có tuyến số 2 của Vinaconex, có thể sử dụng để truyền tải 80.000m3 công suất còn thừa hiện nay của Nhà máy nước sông Đà và sử dụng cho Nhà máy Nước mặt sông Hồng đang chuẩn bị đầu tư. Theo đó, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ làm chủ đầu tư, huy động tất cả các đơn vị có năng lực, tổ chức thi công tuyến ống độc lập từ Hòa Lạc về Vành đai 3 nhằm giảm áp cho tuyến ống hiện nay. Phương án là vừa thiết kế, vừa thi công, vừa hoàn thiện trong thời gian 70 ngày.

Cần xác định rõ trách nhiệm

Trở lại vụ việc đường ống nước sông Đà lại tiếp tục vỡ lần thứ 9 vào sáng sớm ngày 12/7, ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Vinaconex cho biết, đường ống đã bị vỡ tại km15 670 (điểm đi qua địa bàn huyện Hoài Đức) và công ty buộc phải ngừng cung cấp nước để khắc phục. Ngay sau khi xảy ra sự cố, công ty lập tức huy động 3 máy xúc, 2 máy cừ và 150 kỹ sư, công nhân đến hiện trường khắc phục, tuy nhiên, sự cố lần này sẽ phải khắc phục lâu hơn do đường ống nơi xảy ra điểm vỡ được chôn rất sâu.

Về việc xử lý trách nhiệm cụ thể ra sao, theo Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết, việc xảy ra vỡ là do chất lượng đường ống dẫn không đồng đều, đơn vị tổng thầu thiết kế còn thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn các tiêu chuẩn áp dụng trong thiết kế tuyến ống nước sử dụng vật liệu ống composite cốt sợi thủy tinh, không đưa ra đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình sản xuất, thi công, lắp đặt tuyến ống. Các nhà thầu thi công xây dựng phải chịu trách nhiệm trong công tác thi công để một số dị vật như đá khối lớn, bêtông lẫn vào lớp vật liệu cát đắp quanh ống; thiếu tấm đan dàn tải tại một số hầm chui dân sinh, để ống chịu tác động bất lợi trong quá trình vận chuyển, lắp đặt. Còn nhà thầu giám sát thi công xây dựng đã không giám sát chặt chẽ, thiếu trách nhiệm để xảy ra các thiếu sót trong quá trình thi công xây dựng nêu trên. Riêng chủ đầu tư, BQL dự án buộc phải chịu trách nhiệm trong công tác tổ chức, quản lý chất lượng.

Dư luận đang mong chờ cơ quan chức năng quy rõ trách nhiệm cụ thể, tránh để tình trạng vụ việc sẽ chìm dần, trôi theo dòng nước?

Anh Tuấn

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-dung-de-trach-nhiem-troi-theo-dong-nuoc-5686.html)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY