Tâm sự hôm nay

Đứng núi này trông núi nọ

Giám đốc bệnh viện nơi tôi đang làm việc được mời phỏng vấn trên truyền hình về bệnh viện công và bệnh viện tư. Ông nói giỏi và có duyên.

(SKDS) - Giám đốc bệnh viện nơi tôi đang làm việc được mời phỏng vấn trên truyền hình về bệnh viện công và bệnh viện tư. Ông nói giỏi và có duyên. Tôi từng chứng kiến ông thuyết trình nhân Ngày Phụ nữ 20/10 trước toàn thể bệnh viện. Nói vo thôi, đâu vào đấy, chị em vỗ tay rầm rầm. Ông đưa tôi bản đề cương ghi hình ngỏ ý muốn tham khảo ý kiến các anh nhiều kinh nghiệm.

Thực ra chỉ là sự tôn trọng của ông giám đốc dành cho tôi mà thôi. Tôi hơn ông nửa giáp tuổi đời, ra trường trước ông một kế hoạch 5 năm. Làm công nhiều hơn ông một chút nhưng làm tư ít hơn ông một chút. Phương châm sống của tôi là ăn ít đỡ lo nhiều. Vậy thì đóng góp gì được đây. Thôi, ông giao thì đành phải nhận.

Bản đề cương có 6 câu hỏi. Câu thứ nhất: Những đóng góp của hệ thống bệnh viện tư nhân. Giám đốc đã có hai ý tham luận: Giảm đầu tư cho Nhà nước, giảm quá tải cho các bệnh viện công. Đúng lý quá rồi. Tôi thêm: Sử dụng được nguồn nhân lực hưu trí giàu kinh nghiệm, tạo công ăn việc làm cho nguồn nhân lực trẻ không có cơ may xin ở bệnh viện công. Vừa đọc vừa suy nghĩ trả lời luôn nên đến câu thứ ba: Làm thế nào để thu hút các bác sĩ giỏi, đặc biệt là các bác sĩ đã về hưu mới biết mình không thừa. Còn thu hút hấp dẫn đơn giản thôi: lương cao, ăn ở và đi lại thuận lợi. Ấy vậy vẫn cần cẩn thận, tôi chỉ dám góp ý cho giám đốc: lương hợp lý thôi.

Có lẽ cần có những chứng cứ sâu hơn. Bệnh viện công được Nhà nước đầu tư ổn định, làm ăn có chỉ tiêu kế hoạch, lương cứ đến kỳ là lĩnh... Bệnh viện tư có nhiều việc phải bàn từ năng lực của nhà đầu tư đến tác động của thị trường, cả sự cạnh tranh lành mạnh và không lành mạnh, nguồn nhân lực không ổn định... Vấn đề lương vẫn là cơ bản cho cả hai phía. Công phải có kế hoạch cải thiện, xã hội hóa là một phần của kế hoạch. Tư: già có lương hợp lý thì trẻ cũng phải có lương hợp lý. Trẻ mới ra trường hưởng lương 4 triệu đồng/tháng mà vẫn so bì: bạn cùng lớp bên công có khoản A, khoản B. Tôi phải lấy tôi làm ví dụ: 35 năm lương mức trên 5 chấm, có giảng dạy được 5 triệu, không giảng dạy thì kém lương các cháu 1 triệu. Có bác sĩ giỏi không ưa sự ổn định, bỏ công sang tư với lương cao ngất ngưởng. Được ít tháng, bệnh viện ít bệnh nhân, lương cũng chẳng có. Lương cao mà không trả thì cũng bằng không.

Chậm lương đã là quá tốt. Có nơi nợ cả quý, cả năm. Phải đề cập đến cả sự phân biệt đối xử. Bệnh nhân đã đành, phản ứng cho bệnh viện tư nặng hơn. Giám đốc tâm sự, mỗi lần có sự cố, ông không ngủ được, vật vã toát mồ hôi, trong đầu đầy ắp những lời xỉ vả cùng yêu cầu bồi thường to tiền lắm. Quản lý nhà nước cũng vậy. Có bằng là được hành nghề nhưng việc cấp giấy phép hành nghề cũng nhiêu khê lắm. Bản thân làm tư đã gần 3 năm rồi mà vẫn chưa được cấp giấy phép.

Vậy thì ước mơ của tôi nằm trong góp ý kiến cho giám đốc để phát biểu trước ống kính máy quay là xóa bỏ được ranh giới giữa y tế công và tư có thực hiện được không? Chắc gì giám đốc đã chọn bởi ông thông tuệ mà. Tôi vẫn nghĩ rằng sẽ có lúc trong các thông báo, triệu tập, giấy mời chỉ có... các bệnh viện mà không có công hay tư nữa. Bây giờ thì hãy chấp nhận trong công có tư và trong tư có công thôi. Còn đứng núi này trông núi nọ cũng là chuyện thường tình.

BS. Thành An

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-dung-nui-nay-trong-nui-no-6139.html)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY