Những kết quả tích cực đã được thể hiện trên nhiều phương diện, từ vận hành sản xuất điện đến đánh giá của khách hàng mua điện. Báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Minh Khiêm, Giám đốc Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ Thông tin (EVNICT) về một số nội dung liên quan.
-Thưa ông, mới đây tại Hội nghị trực tuyến công bố Dịch vụ công tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá rất cao EVN khi đưa được 12/12 dịch vụ điện cấp độ 4 kết nối với Cổng. Là người đứng đầu EVN ICT, xin ông cho biết ngay từ khi xây dựng kế hoạch, EVN ICT đã xác định đâu là những mục tiêu trọng yếu cần hướng đến?
Các mục tiêu trọng yếu cụ thể là: Ngay từ năm 2017, EVN đã là đơn vị hết sức tích cực trong công tác tích hợp các dịch vụ điện với các trung tâm hành chính công, cổng dịch vụ công của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây luôn được coi là một nhiệm vụ quan trọng của EVN trong thời gian vừa qua. Do đó khi Chính phủ có thực hiện xây dựng, triển khai hệ thống Cổng DVCQG thì EVN đã có chỉ đạo EVNICT tham gia phối hợp thực hiện cung cấp 12/12 dịch vụ điện của EVN trực tiếp trên Cổng DVCQG với các mục tiêu chính: Tính thuận tiện: Thực hiện mục tiêu của EVN là ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ khách hàng, điện tử hóa cung cấp dịch vụ điện cho khách hàng. Tiếp nữa là tính minh bạch: bổ sung thêm 1 kênh cung cấp dịch vụ có tính minh bạch, xác thực thông tin cao nhất bên cạnh những ưu điểm đã có khi cung cấp trực tuyến cấp độ 4 qua các TTCSKH của 05 TCTĐL (như kịp thời, mọi lúc mọi nơi, rút ngắn thời gian tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cung cấp dịch vụ).
Đây cũng là các mục tiêu mà EVNICT hướng đến chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành điện Việt Nam diễn ra sau đó lễ công bố vài ngày.
-Tuy là một tập đoàn có tiềm lực cả về tài chính lẫn con người, nhưng có thể nói yêu cầu kết nối 12/12 dịch vụ ở cấp độ 4 với Cổng dịch vụ quốc gia là một đòi hỏi rất cao, vậy xin ông cho biết những khó khăn mà EVNICT phải đối mặt trong quá trình thực hiện?
Mặc dù đã có kinh nghiệm trong việc triển khai tích hợp với các hệ thống hành chính công của các tỉnh, thành phốnhưng trong quá trình thực hiện EVNICT cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Cụ thể là tiến độ thực hiện rất gấp, EVN là một trong số ít đơn vị đầu tiên thực hiện tích hợp dịch vụ với các yêu cầu cao về an ninh bảo mật, cũng như có một số sự cố khi hệ thống mới đưa vào vận hành chính thức. Tuy nhiên với sự phối hợp chặt chẽ của 05 TCTĐL, VPCP, VNPT trong công tác kết nối kỹ thuật cùng sự ủng hộ, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo, sự nhất trí trong lực lượng các nhóm thực hiện của các đơn vị nên việc kết nối đã hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng đề ra.
Theo định hướng chiến lược trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng của EVN thì luôn lấy khách hàng sử dụng điện là trung tâm, việc tiếp cận và cung cấp dịch vụ của ngành điện luôn phải có sự chủ động, kịp thời, mọi lúc mọi nơi, với thời gian và chất lượng cung cấp dịch vụ thường xuyên được cải tiến, nâng cao. Do đó, bất cứ những phương thức cung cấp hay công nghệ, công cụ nào đem lại hiệu quả về chất lượng, thời gian thì EVN sẽ tận dụng tối đa và đưa vào triển khai áp dụng nhanh nhất có thể.
Thực tế EVN đã là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác triển khai các dịch vụ điện trực tuyến, chủ động đề nghị làm việc để tích hợp dịch vụ điện với các TTHC công, cổng dịch vụ công của các tỉnh, thành phố.
Cụ thể năm 2015, EVN là đơn vị đầu tiên triển khai các hệ thống CNTT phục vụ áp dụng hình thức hóa đơn điện tử cho 100% hóa đơn tiền điện của khách hàng sử dụng điện; năm 2018, EVN đã triển khai các hệ thống CNTT phục vụ công bố dịch vụ cấp độ 4 cho tất cả các dịch vụ tại các TTCSKH; năm 2019, EVN tiếp tục là đơn vị đi đầu trong việc triển khai các hệ thống CNTT phục vụ triển khai áp dụng 100% các dịch vụ theo hình thức điện tử (hợp đồng điện tử). Đây cũng là một yếu tố quan trọng làm cơ sở cho việc tích hợp nhanh chóng 12/12 dịch vụ điện lên Cổng DVCQG.
-Trong bối cảnh nền kinh tế số được xác định là đòn bẩy cho sự phát triển, thưa ông, trong thời gian tới EVN ICT xác định đâu là trọng điểm đầu tư để thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ thông tin nhanh và hiệu quả hơn nữa?
Chúng tôi xác định trọng điểm đầu tư của EVNICT trong giai đoạn tới là: Nâng cao các giá trị cốt lõi đối với những đơn vị làm công nghệ: nguồn nhân lực chất lượng cao, kinh nghiệm + tri thức và dữ liệu, nhằm làm chủ các công nghệ, công cụ, tài nguyên, quy trình sản xuất và triển khai các hệ thống phần mềm, đặc biệt là các hệ thống phần mềm đặc thù của ngành điện; Đảm bảo công tác vận hành ổn định, liên tục các hệ thống phần mềm ứng dụng, hạ tầng CNTT, VTDR phục vụ vận hành ổn định, hiệu quả công tác điều hành sản xuất kinh doanh của EVN, nhất là trong bối cảnh CNTT, Tự động hóa ngày càng góp tỷ trọng lớn trong hoạt động của EVN; Nâng cao mức độ an toàn an ninh thông tin, đảm bảo vận hành ổn định, an toàn các hệ thống CNTT phục vụ sản xuất điều hành của EVN.
-Đâu là những điểm nút về chính sách cần tháo gỡ để việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành điện được thuận lợi hơn, thưa ông?
Điểm nút về chính sách cần tháo gỡ đó là các chính sách, cơ chế, điều kiện sản xuất, đầu tư cho CNTT, tự động hóa và VTDR để thu hút, phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó cũng cần có các chính sách, cơ chế triển khai, nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng các công nghệ mới phù hợp, nâng cấp hệ thống viễn thông và hạ tầng kỹ thuật nhằm đáp ứng được các bài toán theo chiến lược phát triển của EVN.