Nguyễn Phương Thúy (24 tuổi) đang sống cùng 2 người bạn tại một chung cư mini rộng 40 mét vuông ở Hoàng Mai, Hà Nội. Căn hộ có 1 phòng ngủ, 1 gác xép. Thúy tâm sự, hiện 2 người bạn cùng phòng với cô đã dương tính SARS-CoV-2, cách ly trong phòng ngủ nhỏ. Thúy là F1, cách ly trên gian gác xép.
Lo lắng về nguy cơ lây nhiễm, hàng ngày, thúy chỉ xuống khu sinh hoạt chung (nhà vệ sinh, bếp nấu) khi các bạn đã vào phòng riêng. cô cũng nhờ người quen mua giúp các que test nhanh về để test thường xuyên. thúy hiện chưa có triệu chứng bệnh, tự xét nghiệm mỗi ngày 1-2 lần, tới nay 5 lần kết quả đều âm tính.
“Tôi có một số bệnh nền, lại mới tiêm 1 mũi vắc xin nên trường hợp mắc bệnh chắc sẽ nhiều nguy cơ về sức khỏe. Tôi cố gắng theo dõi thật kỹ như vậy, nếu dương tính thì phải phát hiện được sớm để nhờ bác sĩ tư vấn”, cô chia sẻ.
Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thực tế F1 cách ly cùng nhà với F0 không cần thiết phải test quá nhiều lần.
Bác sĩ thiệu cho biết, về nguyên tắc, khi không có triệu chứng (kể cả đang trong giai đoạn ủ bệnh) thì việc test nhanh cũng khó lên vạch. thậm chí, những ngày đầu khi mới khởi phát triệu chứng, do nồng độ virus còn rất thấp, test nhanh sẽ chưa hiện kết quả dương tính. que test nhanh xuất hiện vạch mờ tức lúc này nồng độ virus của người bệnh đã cao, virus nhân lên đủ số lượng để độ nhạy của test có thể nhận ra.
Vì vậy, việc test thường xuyên cũng không có nhiều tác dụng. F1 chỉ nên test vào khoảng ngày thứ 5-7 sau lần cuối tiếp xúc gần F0 để khẳng định mình có nhiễm bệnh hay không (đã loại trừ cả trường hợp nhiễm bệnh không triệu chứng) hoặc test sau một vài hôm khởi phát triệu chứng.
Tuy nhiên, bác sĩ cũng lưu ý nếu trong điều kiện có tiền sử tiếp xúc với F0 rất rõ ràng (đặc biệt là thành viên cùng gia đình), sau đó khởi phát triệu chứng của Covid-19 thì khả năng dương tính gần như chắc chắn. Khi ấy, người bệnh có thể không cần cố test, sẽ gây lãng phí, không cần thiết.
Thực tế, trước diễn biến dịch phức tạp, số mắc tăng cao tại nhiều nơi như hiện nay, việc F1 cách ly cùng nhà với F0 đã trở nên phổ biến, thậm chí nhiều gia đình “1 F1 cách ly cùng 5, 6 F0”. Nếu không biết cách phòng tránh lây nhiễm, nguy cơ mắc bệnh là hiện hữu. Một số F1 tâm lý chủ quan, quan điểm “ai rồi cũng thành F0” nên vẫn ăn ở cùng F0, sinh hoạt như bình thường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quan điểm này dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có nguy cơ diễn tiến nặng hay các nguy cơ sức khỏe hậu Covid-19.
Bác sĩ Thiệu đã đưa ra một số hướng dẫn với F0 và F1 về cách phòng chống lây nhiễm trong quá trình cùng cách ly tại nhà.
Theo đó, nếu căn hộ của bạn có từng tầng riêng biệt, nhiều nhà vệ sinh, có khu nấu ăn riêng thì việc cách ly dễ dàng hơn; chỉ cần không tiếp xúc, không đi qua lại không gian của nhau. Tuy nhiên, với các hộ gia đình nhỏ, chỉ có một nhà tắm, một nhà vệ sinh và một gian bếp thì trước tiên phải tạo “không gian chung” và “không gian riêng”.
Không gian riêng là phòng ngủ, phòng sinh hoạt hàng ngày; không gian chung là những nơi cả F1, F0 cùng sử dụng như nhà tắm, nhà vệ sinh,…
Bạn cần chia khung giờ sử dụng không gian chung rõ ràng, báo trước với các thành viên trong gia đình nếu muốn vào những nơi này. Ví dụ, F0 tắm vào khoảng thời gian này trong ngày thì F1 sẽ tắm khoảng thời gian khác. Sau khi F0 vào không gian chung, có thể khử khuẩn bề mặt như tay nắm cửa, lau sàn,… để giảm nguy cơ lây cho F1.
Với việc giặt quần áo, rửa bát, bác sĩ Thiệu cho biết, quần áo của bệnh nhân Covid-19 nên được giặt riêng, chỉ cần dùng xà phòng giặt bình thường, sau đó phơi khô ráo ở không gian riêng. Bát đũa của bệnh nhân cũng chỉ cần dùng nước rửa bát thông thường vì về cơ bản, virus không sống được trong môi trường xà phòng. Lưu ý, tránh để F1 và F0 dùng chung bát đũa trong khoảng thời gian này.
Về việc khử khuẩn về mặt, theo bác sĩ, hiện người dân không cần phun hóa chất, khử khuẩn nhiều như giai đoạn trước đây vì theo lý thuyết, virus không thể tồn tại lâu ngoài môi trường, nhất là bề mặt khô ráo. Thay vào đó, chỉ khử khuẩn tại không gian chung, ở những bề mặt có nhiều nguy cơ như tay nắm nửa, bồn rửa mặt, sàn nhà,… (riêng bề mặt tường chỉ cần không chạm, dựa vào là có thể tránh được virus).
“Một số người quá lo lắng, lau chùi cả ngày cũng không tốt vì dù là người bệnh hay F1 cũng cần thời gian nghỉ ngơi. Về cơ bản, chỉ cần tuân thủ tốt thông điệp 5K, giữ khoảng cách, tạo không gian riêng - chung, chia múi giờ để tận dụng tối đa không gian chung cũng sẽ giảm được nguy cơ lây nhiễm”, bác sĩ Thiệu nói.
Chủ đề liên quan:
bác sĩ Lê Văn Thiệu bệnh viện bệnh nhiệt đới trung ương F1 sống cùng nhà F0 khử khuẩn như thế nào F1 sống cùng nhà F0 test bao nhiêu lần là đủ F1 test bao nhiêu lần là đủ Test Covid-19 test nhanh xét nghiệm COVID-19