Tính chỉ trong vòng hơn 1 tháng (từ ngày 25/10 - 29/11) thành phố Pleiku ghi nhận 584 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Ngay trung tâm thành phố Pleiku, ngoài các ổ dịch tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số như: Làng 50 (phường Yên Đổ), làng Kép (Đống Đa), làng Ốp (Hoa Lư)… đang được khoanh vùng tạm thời, những ngày qua lại liên tục xuất hiện thêm các ổ dịch mới ở xã Biển Hồ và Tân Sơn; đặc biệt, phức tạp nhất hiện nay là ổ dịch liên quan đến chợ Trà Bá (phường Trà Bá).
Tối 23/11, từ một trường hợp test nhanh tại Bệnh viện Quân y 211 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 là người nhà của tiểu thương buôn bán tại chợ Trà Bá (phường Trà Bá, thành phố Pleiku), tính đến ngày 29/11, đã phát hiện 50 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và 6 trường hợp nghi ngờ đang chờ kết quả xét nghiệm lại.
Bà Nguyễn Thị Ái Nguyên, Chủ tịch UBND phường Trà Bá, cho biết: Sau khi phát hiện các ca dương tính, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường nhanh chóng đưa các F0 đi cách ly, điều trị, đồng thời khẩn cấp truy vết F1, F2. Xác định đây là ổ dịch rất phức tạp vì có liên quan đến chợ, có sự giao lưu rộng nên Ban Chỉ đạo phường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm thông tin, nếu có mối liên quan ổ dịch này thì tự giác khai báo y tế và xét nghiệm nhanh để tầm soát SARS-CoV-2.
“Đến thời điểm hiện tại, qua tầm soát, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân sinh sống chung quanh khu vực chợ Trà Bá, chưa phát hiện trường hợp dương tính; phần lớn các trường hợp dương tính chủ yếu là tiểu thương và người nhà của họ. Hiện đánh giá cấp độ dịch, phường Trà Bá ở mức 3; địa phương đang tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo quy định”, Chủ tịch UBND phường Trà Bá cho biết thêm.
Tại xã Biển Hồ, từ ngày 22 đến sáng 29/11, đã phát hiện 21 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại 2 làng Phung và Ia Nueng. Đây là 2 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Địa phương tiến hành phong tỏa tạm thời, tập trung công tác tuyên truyền, vận động để người dân tự giác phối hợp trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời có các phương án bảo đảm an sinh xã hội trong khu phong tỏa để người dân an tâm cách ly.
Tại ổ dịch xã Hà Bầu (huyện Đắk Đoa), hiện các cơ quan chức năng vẫn đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, phân tích sàng lọc và truy vết tại ổ dịch. Đến ngày 29/11, xã Hà Bầu (huyện Đắk Đoa) đã ghi nhận 342 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; trong đó có 279 ca lây nhiễm cộng đồng. Theo đánh giá cấp độ dịch tại Quyết định số 4800 của Bộ Y tế thì xã Hà Bầu hiện đang ở cấp độ 4 (cấp nguy cơ rất cao).
Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Đoa cho hay: UBND huyện đã ban hành quyết định phong tỏa, cách ly y tế vùng có dịch đối với xã Hà Bầu và làng Đê Klanh (xã Đắk Krong, huyện Đắk Đoa); thiết lập Sở chỉ huy phòng, chống dịch tại xã Hà Bầu.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra các chốt chặn khu vực phong tỏa, phối hợp chính quyền cơ sở rà soát đưa F0 đi cách ly điều trị; hỗ trợ công dân trong vùng phong tỏa ổn định đời sống, bảo đảm an ninh trật tự trong vùng cách ly. Ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng ngừa Covid-19 và báo với cơ sở y tế khi có các biểu hiện sốt, ho, khó thở; tiếp tục truy vết các cá nhân có liên quan đến F0 để thực hiện công tác phòng, chống dịch kịp thời, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm tầm soát các ca nhiễm trong cộng đồng.
Theo ông nguyễn đình tuấn, phó giám đốc phụ trách sở y tế: trong thời gian tới, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh gia lai sẽ còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở những làng đồng bào dân tộc thiểu số do đặc điểm môi trường sống cộng đồng, nhất là các địa phương ở gia lai hiện đang vào mùa thu hoạch lúa và thu hái cà-phê, có sự giao lưu đổi công cho nhau giữa người dân các làng.
Ngoài ra, việc người dân tham gia các sinh hoạt tôn giáo cộng đồng, tập trung đông người, ăn uống chung, sinh hoạt chung, thiếu các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết… đang tiềm ẩn nguy cơ để dịch lây lan diện rộng.
Vì vậy, cần khẩn trương kiểm soát các điểm nóng dịch bệnh; đồng thời, có các biện pháp phòng, chống dịch đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, quan trọng nhất là công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục để nâng cao nhận thức, để có sự phối hợp, đồng hành, đồng thuận của người dân trong công tác phòng, chống dịch.
Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan