Ngày 20.12, giá heo hơi tại các tỉnh phía Nam tiếp tục xu hướng tăng mạnh. Giá heo hơi tiếp tục được thương lái giao dịch ở mức trên dưới 93.000 đồng/kg, một số vùng như Mỏ Cày (Bến Tre), Long Thành (Đồng Nai) có trại đã xuất bán với giá 94.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại TP.HCM, giá thịt heo về các chợ đầu mối tiếp tục xu hướng tăng. Ở chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, heo mảnh loại 1 đã tăng lên mức 117.000 đồng/kg; heo mảnh loại 2 là 110.000 đồng/kg. Trong khi đó, heo hơi loại 1 và heo hơi loại 2 đã lên mức 83.000/kg. Còn đùi rọ được bán với giá 120.000 đồng/kg; sườn non 135.000 đồng/kg; cốt lết 110.000 đồng/kg; nạc dăm 130.000 đồng/kg; giò trước 98.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, do giá heo tăng cao nên số lượng heo về chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền giảm so với trước kia. Trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi, lượng heo về chợ đầu mối Hóc Môn 400 tấn/ngày, sau dịch giảm còn 300 tấn/ngày. Đại diện các chợ đầu mối cho biết, sản lượng giảm là do giá thịt cao nên người tiêu dùng giảm sử dụng.
Theo Sở Công thương TP.HCM, hiện nay giá heo hơi đang ở mức khá cao, trong đó khu vực phía Nam giá heo đã tăng gấp đôi so với đầu tháng 9.2019. Nguyên nhân chủ yếu do dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, lan rộng 63/63 tỉnh, thành trên cả nước, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chăn nuôi, trong đó có các khu vực chăn nuôi trọng điểm và lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An…
Giá thịt heo cao khiến tổng sản lượng tiêu thụ toàn thị trường giảm khoảng 20%, trong đó kênh phân phối hiện đại sức mua giảm nhẹ, kênh chợ truyền thống giảm mạnh (khoảng 30%). Nguyên nhân do tâm lý người tiêu dùng lo ngại dịch bệnh, ngại mua kênh chợ truyền thống.
Riêng sản lượng tiêu thụ tại hệ thống điểm bán hàng bình ổn thị trường như Saigon Co.op, Satra, Vissan… tăng do giá cả ổn định, đảm bảo chất lượng, có truy xuất nguồn gốc. Sản lượng tiêu thụ các mặt hàng như thịt gia cầm, rau củ quả tăng 10%-15% do là sản phẩm thay thế thịt heo, giá ổn định.
Để ổn định, đảm bảo cung cầu mặt hàng thịt heo từ nay đến Tết Canh Tý 2020, Sở Công Thương kiến nghị UBND TP.HCM giữ nguyên và không điều chỉnh giá bán thịt heo trong chương trình bình ổn thị trường đã được Sở Tài chính công bố từ ngày 13.11.2019. UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị các cơ quan trung ương có chính sách tăng cường nhập khẩu thịt heo đông lạnh, heo hơi từ các nước lân cận (chưa nhiễm dịch hoặc có thể kiểm soát dịch).
Đồng thời, có chính sách hỗ trợ giảm hoặc miễn thuế suất đối với mặt hàng thịt heo nhập khẩu trong giai đoạn hiện nay. Cùng với đó, có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn có giải pháp khuyến khích tái đàn đối với các cơ sở chăn nuôi có cơ sở vật chất tốt, đảm bảo khả năng phòng, chống dịch.
Mặt khác, giao Sở Công Thương tiếp tục có các giải pháp tổ chức kết nối, hỗ trợ các công ty chăn nuôi gia súc mở rộng thị trường, đưa sản phẩm thịt heo cung ứng trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối của thành phố.
Sở Công Thương cũng kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Thông tin - Truyền thông thông tin rộng rãi đến người dân thành phố thay đổi thói quen sử dụng nguồn thịt heo đông lạnh nhập khẩu thay thế thịt heo nóng hoặc sử dụng các mặt hàng thay thế như thịt gà, thịt gia cầm, trứng gia cầm và các loại thủy hải sản như tôm, cua, cá…
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM tăng cường công tác truyền thông về việc sử dụng thịt heo đông lạnh góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm; cũng như hướng dẫn sử dụng, phương pháp chế biến để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, tuyên truyền, vận động các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ hộp, hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu thịt heo đông lạnh, nhập khẩu để chế biến sản phẩm. Đặc biệt là các loại thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán như bánh chưng, bánh tét, thịt kho trứng, lạp xưởng, xúc xích… để đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho người dân thành phố.
Chủ đề liên quan:
dịch tả heo châu Phi đông lạnh giá heo hơi giá thịt heo khuyến khích sử dụng tăng cao thịt heo thịt heo nhập khẩu thịt heo tăng giá tp.hcm