Tâm sự hôm nay

Giá trị lớn từ một bài học

Năm 1959, tôi là sinh viên Y6, đi chuyên khoa Sản ở Bệnh viện Bạch Mai. Vì được làm chức năng nội trú nên buổi chiều tôi vẫn ở bệnh viện tham gia điều trị.

Năm 1959, tôi là sinh viên Y6, đi chuyên khoa Sản ở Bệnh viện Bạch Mai. Vì được làm chức năng nội trú nên buổi chiều tôi vẫn ở bệnh viện tham gia điều trị.

Một buổi chiều nọ, bác sĩ PVD thoắt nhìn thấy tôi đang đi ở hành lang thì gọi to: “Liêu ơi, đi mổ một cái u nang buồng trứng xoắn đi”. Tôi chân ướt chân ráo chẳng biết mô tê ra sao, đi theo anh ấy vào phòng hậu sản. Có một sản phụ sinh con đã được 5 ngày, ở vùng bụng dưới có nổi cục, ngày càng to và đau. Anh PVD chẩn đoán là u nang buồng trứng xoắn sau đẻ. Tình trạng này dễ gặp đối với những người có u nang buồng trứng vì sau đẻ, ổ bụng rỗng, thành bụng nhão, u nang buồng trứng dễ di động và dễ bị xoắn. Việc chẩn đoán như thế cũng là thường tình.

Anh PVD nói với tôi và anh hộ lý của phòng hậu sản chuyển sản phụ sang nhà mổ để mổ. Chúng tôi chuyển sản phụ sang cáng, anh hộ lý khiêng một đầu, tôi khiêng một đầu. Vừa khiêng ra đến hành lang thì bất chợt GS. Đinh Văn Thắng đi tới. Giáo sư hỏi luôn: “Cái gì đấy anh Liêu?”. Tôi đáp: “Thưa anh (hồi ấy, chúng tôi hay gọi các thầy là anh, chị, trừ giáo sư Hồ Đắc Di thì được gọi bằng cụ), có một trường hợp u nang buồng trứng xoắn, đem đi mổ ạ”. GS. Đinh Văn Thắng lại hỏi: “Đã có ai xem chưa?”. Tôi kể lại và báo cáo rằng bác sĩ PVD đã xem. Thầy Đinh Văn Thắng bảo: “Cho tôi xem một tí!”. Thế là chúng tôi lại phải khiêng người bệnh trở lại khoa và đưa lên bàn khám. Thầy nói với chị nữ hộ sinh cho thầy mượn một chiếc găng. Thầy thăm xong, hỏi: “Sản phụ có đi tiểu được không?”. Tôi đáp: “Có ạ”. Thầy lại nói với chị nữ hộ sinh đem cho thầy một cái “quả đậu” (khay bằng sắt tráng men có hình hạt đậu, thường dùng để hứng bệnh phẩm, chủ yếu là nước tiểu) và một cái ống thông đái. Thầy thông đái cho bệnh nhân. Nước tiểu chảy mạnh, được hơn hai quả đậu đầy. Sau khi thông đái xong, thầy thăm lại bệnh nhân rồi nói với tôi: “Anh Liêu ạ, tôi không thấy gì cả. Anh đi găng thăm lại xem!”. Thầy cứ tưởng là tôi đã được thăm rồi. Tôi vâng lời, đi găng và thăm, chỉ thấy một cái tử cung còn to, đổ ra sau. Tôi báo cáo nội dung tôi khám thấy. Thầy giảng giải: “Đây là một trường hợp “miction par regorgement ” (đái tồn đọng), nghĩa là đái được một tí còn tích lại một tí, dần dần tích nhiều nước tiểu thì bàng quang phải căng lắm nước tiểu mới són ra được. Sở dĩ như vậy là vì tử cung hậu sản còn to, đổ ra sau thành ra cổ tử cung hướng ra phía trước, chèn vào cổ bàng quang gây ra khó đái. Không phải mổ đâu anh ạ!”.

Thế là thoát được cảnh mổ nhầm.

Khoảng hai mươi năm sau, tại Khoa Sản Bệnh viện Bạch Mai lại có một trường hợp tương tự. BS. Ma Thị Huế, người của bộ môn chúng tôi làm việc ở đấy kể cho tôi nghe chuyện một sản phụ là vợ của một anh bác sĩ ở bộ môn Mắt cũng được một bác sĩ đàn anh chẩn đoán là ung thư buồng trứng sau đẻ phát triển nhanh và đau, sẽ mổ vào sáng thứ tư, muốn nhờ tôi khám lại sáng thứ ba khi tôi xuống khám bệnh hàng tuần tại Khoa Sản Bệnh viện Bạch Mai. Tôi kể lại cho BS. Ma Thị Huế nghe câu chuyện “đái tồn đọng” nói trên và đề nghị chị ấy thông đái ngay cho bệnh nhân xem sao. May quá, sau khi thông đái thì chẳng còn thấy “u eo” gì cả. Cho nên cái thói quen của các thầy Thu*c là trước khi khám phụ khoa đều khuyên bệnh nhân đi tiểu hoặc thông tiểu trước khi khám là rất hợp lý, vừa dễ khám, vừa đỡ nhầm.

Qua chuyện này, tôi học được từ thầy Đinh Văn Thắng mấy bài học liền:

- Không dễ dàng tin ngay được chẩn đoán của đồng nghiệp mà không kiểm tra lại.

- Muốn khám phụ khoa cho được chính xác, bàng quang của người bệnh phải được tháo rỗng.

- Kinh nghiệm thực tế trong hành nghề là vô cùng cần thiết.

GS.TS. Nguyễn Khắc Liêu

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-gia-tri-lon-tu-mot-bai-hoc-6140.html)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY