Tâm sự hôm nay

Giá xăng dầu giảm, cước vận tải vẫn “án binh bất động”?

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã 5 lần giảm. Tuy nhiên, giá cước của một số hãng taxi vẫn “án binh bất động”.

Đỗ lỗi do dịch!

Khi nhắc đến việc giá xăng dầu giảm mà giá cước chưa giảm. Cái lý của các nhà xe đưa ra là dù giá xăng dầu giảm, song do quy định của Chính phủ cấm vận chuyển thực hiện giãn cách xã hội, trong khi đó chi phí xăng dầu cho một chuyến xe thì không giảm, thế nên việc giảm giá vé, giá cước là khó, nếu có giảm thì chắc phải chờ sau khi hết dịch.

Còn đại diện lãnh đạo Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, giảm giá cước vận tải ở thời điểm này là chưa hợp lý. Các hãng taxi chưa khôi phục hoàn toàn hoạt động, mới được 20% và chưa có khách nên chưa giảm giá. Các hãng sẽ tính đến việc giảm giá khi hết dịch và trở lại hoạt động bình thường. Hiện các doanh nghiệp (DN) vận tải đang vô cùng khổ sở vì đại dịch COVID-19, lượng khách sụt giảm từ 60-70%.

Giá xăng giảm làm bớt gánh nặng cho DN một phần, nhưng các chi phí khác vẫn phải lo trong bối cảnh sụt giảm nguồn thu. Gốc và lãi ngân hàng vẫn phải trả. Ngoài ra có những khoản chi phí khác phát sinh mùa dịch như phí bảo hộ lao động, khẩu trang, dung dịch rửa tay, phun khử khuẩn liên tục. Có DN tốn 10 tỷ đồng cho việc này trong vòng 2 tháng qua.

Đại diện hãng taxi Sao Hà Nội chia sẻ: Ngay cả khi giá xăng tăng mạnh, DN này cũng không dám tăng giá cước. Bởi giá cước vận tải còn phụ thuộc vào nhiều chi phí khác ngoài xăng. Chưa kể giá xăng liên tục thay đổi theo chu kỳ ngắn 15 ngày mỗi đợt, trong khi các DN taxi mỗi lần điều chỉnh lại phải mất tiền, mất thời gian đưa hàng ngàn phương tiện đi kẹp lại đồng hồ, kê khai lại giá, rất khó cho DN, vị này nói.

Mặc dù đến nay chưa có số lượng thống kê chính thức, tuy nhiên vận tải đường bộ chịu ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch, nhiều DN đang cực kỳ khó khăn. Vì thế, các DN khó có thể tính chuyện hạ giá thành được.

Giá xăng dầu giảm, cước vận tải vẫn “án binh bất động”Khi giá xăng giảm, thậm chí giảm sâu, giá dịch vụ không thay đổi là bất cập, người tiêu dùng chịu thiệt thòi.

Giảm giá cước: Dễ hay khó?

Trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS về việc vì sao cước vận tải khó giảm dù xăng tăng giá hay giảm giá, anh Lê Việt Hùng, chủ một hãng vận tải tư nhân Phước Thành tại quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, chi phí xăng dầu chiếm đến 40% giá thành vận tải nhưng các hợp đồng vận chuyển thường được ký theo quý hoặc cả năm, hoặc theo gói dự án. Vì vậy, dù giá xăng có tăng thì chúng tôi cũng không thể yêu cầu khách hàng tăng giá cho mình được, nên lúc xăng dầu giảm thì cũng không thể thay đổi hợp đồng. Các bên thường có quy định và thống nhất không thay đổi bởi giá xăng dầu trước khi ký kết, anh Hùng cho biết.

Còn theo đại diện Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng, việc muốn tăng hay giảm giá cước cần phải có sự đồng tình chung của các hãng taxi, chứ từng hãng riêng lẻ không thể tự tăng hay giảm giá. Các hãng phải chờ giá xăng dầu giảm với biên độ đủ rộng mới tiến hành họp các thành viên trong hiệp hội để thống nhất khung giảm giá chung.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, xăng dầu là sản phẩm hàng hóa đặc biệt tác động đến đầu vào của nhiều mặt hàng, khi giá xăng tăng, giá dịch vụ mặt hàng ngay lập tức tăng. Nhưng khi giá xăng giảm, thậm chí giảm sâu, giá dịch vụ không thay đổi là bất cập. Điều này chứng tỏ sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước còn lỏng lẻo.

Cơ quan chức năng cần xem xét, tính toán với việc giảm giá xăng sâu như vậy giá cước vận tải phải điều chỉnh giảm bao nhiêu cho hợp lý, đồng thời cần có quy định cụ thể để định hướng, điều hành giá khi giá xăng dầu thay đổi, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Lâm Viên

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/gia-xang-dau-giam-cuoc-van-tai-van-an-binh-bat-dong-n173708.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY