Khoa học hôm nay

Giáo sư Đặng Văn Ngữ

Đặng Văn Ngữ (1910 – 1967), là một giáo sư, bác sĩ y khoa nổi tiếng của Việt Nam. Ông là bác sĩ đầu ngành, nghiên cứu về ký sinh trùng ở Việt Nam.

Việc sản xuất ra Thu*c kháng sinh penicillin, của giáo sư Đặng Văn Ngữ, có ý nghĩa đặc biệt lớn lao, góp phần đắc lực, cho công cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi.

Giáo sư, bác sỹ Đặng Văn Ngữ (Ở giữa) với Bác Hồ, nhân dịp
Bác thăm trường Y - Dược và khoa Kí sinh trùng.

1. Tài năng từ nhỏ.

Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ sinh ngày 4/4/1910, tại làng An Cựu, thành phố Huế, trong một gia đình nhà Nho, sống bằng nghề buôn bán nhỏ. Ông học tiểu học ở Vinh, trung học tại Huế, đỗ đầu trong kỳ thi tốt nghiệp và học tiếp tại Hà Nội. Năm 1930, ông đỗ tú tài bản xứ lẫn tú tài Pháp, và nhận được học bổng tiếp tục theo học tại Trường Y- Dược, thuộc đại học Đông Dương.

Với thành tích học tập xuất sắc, sau khi tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1937, ông là người Việt Nam đầu tiên, được giữ lại làm phụ giảng cho giáo sư Henry Galliard, Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Hiệu trưởng Trường Y- Dược lúc đó. Sự nghiệp của ông được thay đổi từ đây, lĩnh vực “ký sinh trùng” đã theo ông trọn cả cuộc đời. Thời gian này, ông hợp tác với bạn bè mở một phòng thí nghiệm đa khoa, và trở thành Trưởng phòng thí nghiệm ký sinh trùng, giảng viên Sinh học Ban Dược. Với cương vị này, ông đã dành toàn bộ thời gian trong cuộc đời của mình, cho nghiên cứu khoa học và đã hoàn thành, công bố 19 công trình nghiên cứu, trong đó có những công trình nổi tiếng thế giới và khu vực. Năm 1936, ông đã phát hiện ra loài sán Clonorchis sinensis, có thể ký sinh ở tụy, phát hiện này đã gây một tiếng vang lớn ở Việt Nam và trên thế giới.

Vượt qua các nhà khoa học người Pháp nghiên cứu trước, giáo sư Đặng Văn Ngữ đã dành nhiều công sức điều tra, về phân bố, sinh thái, sự gây bệnh của các loài ký sinh, một công việc, mà bất kỳ ai muốn dành cả cuộc đời, cho sự nghiệp thanh toán, các bệnh ký sinh trùng cho nước mình đều phải làm. Khi điều tra muỗi, ông đã phát hiện ra loại muỗi chưa từng biết, và đặt tên là “muỗi A-nô-phen Bắc Kỳ”. Hoặc khi điều tra về nấm, ông đã phát hiện giống Piedraia hortai ở Việt Nam, mà trước đó người Pháp nghĩ rằng chỉ có ở châu Phi.

Do có nhiều công trình nghiên cứu, có giá trị trong lĩnh vực y học, năm 1943, ông được chọn đi du học ở Nhật, với tiêu chuẩn “là người có trình độ cao, hiện đại, xứng đáng cho nền y học của Pháp tại Việt Nam”. Từ năm 1943 đến cuối năm 1948, ông học tập và làm việc tại Nhật. Ông đã học và nghiên cứu về nấm, men gây bệnh, về lao và hủi tại Trường Đại học Tokyo, về vi trùng đường ruột, ở Bệnh viện Truyền nhiễm Tokyo.

2. Một nhân cách lớn.

Ở Nhật Bản, năm 1945, sau khi nhà bác học A.Fleming nhận được Giải thưởng Nobel, vì có công phát hiện ra penicillin, mở ra kỷ nguyên mới điều trị các bệnh nhiễm trùng, được sự khuyến khích của giáo sư M.Ota, Đặng Văn Ngữ đã tìm được một giống nấm tiết ra penicillin.

Giáo sư, bác sỹ Đặng Văn Ngữ.

Kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai, Mỹ chiếm đóng Nhật Bản. Lúc đó ông đang làm việc ở Tokyo. Ông cùng các bạn lập hội Việt kiều, do ông làm Chủ tịch, tổ chức biểu tình đòi công nhận nền độc lập ở Việt Nam, vân vân. Cũng thời gian này, ông tiếp tục tích lũy kiến thức, phương pháp sản xuất penicillin. Năm 1948, Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược khoa Hà Nội, ở vùng bị địch tạm chiếm, yêu cầu ông trở về, và cũng lúc này, điều kiện đi Mỹ làm việc rộng mở đối với ông, nhưng ông luôn nghĩ mình là người Việt Nam, phải làm gì đó cho đất nước. Do vậy, năm 1949, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông về nước tham gia kháng chiến.

Sau nhiều khó khăn, vất vả, ông đã có mặt ở chiến khu Việt Bắc. Tất cả tài sản ông đem từ Thái Lan, (ông phải chuyển tiếp qua con đường này), về nước chỉ có hai bộ quần áo và ống giống nấm penicillin, với một tấm lòng, một trí tuệ sẵn sàng hiến dâng cho cuộc kháng chiến thắng lợi. Trong phòng thí nghiệm đơn sơ bằng tre, nứa, lá, giữa núi rừng Việt Bắc, (Chiêm Hóa, Tuyên Quang), ông đã nghiên cứu và sản xuất thành công Thu*c kháng sinh, “nước lọc penicillin”, chế từ giống nấm ông đem từ Nhật về, phục vụ kịp thời cho thương, bệnh binh, trên các chiến trường, nhất là trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”, nên bệnh tật có điều kiện phát sinh. Mặt khác, trong chiến đấu, bộ đội ta thương vong rất nhiều. Thu*c men dành cho điều trị, đặc biệt là các loại Thu*c kháng sinh hết sức cần thiết, nhưng cũng đặc biệt khan hiếm. Trong bối cảnh đó, việc sản xuất được Thu*c penicillin của giáo sư Đặng Văn Ngữ, có ý nghĩa đặc biệt lớn lao. Nhờ Thu*c kháng sinh này, mà 80% thương binh không bị cưa chân tay, có thể trở về đơn vị chiến đấu.

Hòa bình lập lại, ông là người xây dựng ngành Ký sinh trùng học Việt Nam, từ đào tạo cán bộ, đến xây dựng các mạng lưới có hệ thống. Năm 1957, ông sáng lập Viện sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng, là Chủ nhiệm Chương trình tiêu diệt bệnh sốt rét ở miền Bắc.

Sống ở một đất nước nhiệt đới, nóng ẩm, nên hàng năm không biết bao người đã ch*t vì bệnh sốt rét. Điều này đã làm ông, một nhà ký sinh trùng hàng đầu của Việt Nam day dứt. Ông nghĩ: “Nếu ta làm tốt, sẽ không chỉ giúp một người, một vài người, mà là hàng trăm người, hàng ngàn, hàng triệu người thoát khỏi lưỡi hái tử thần của bệnh sốt rét”. Không cho phép mình đầu hàng hay nghỉ ngơi, ông lao vào nghiên cứu về ký sinh trùng sốt rét. Đặng Văn Ngữ cùng các đồng nghiệp và học trò đã đến nhiều địa phương, mang theo kính hiển vi, bình bơm, túi Thu*c, hóa chất, vân vân, với lòng quyết tâm xóa sạch bệnh sốt rét. Năm 1964, ông đã tìm ra muỗi An.sinensis, thủ phạm chính gây bệnh sốt rét tại đây, và triển khai các phương pháp phòng, diệt. Tại Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, vân vân, các phương pháp diệt muỗi phòng dịch sốt rét, phun DDT, hun khói 10 loại thảo mộc, đã được ông và đồng sự thử nghiệm và triển khai thành công.

Ông nhanh chóng nhận ra rằng, nếu không ngăn chặn bệnh sốt rét từ bên kia vĩ tuyến 17, thì không thể giữ được thành quả của công cuộc chống sốt rét tại miền Bắc. Lần này, nhà khoa học cùng một số học trò - đồng sự “đi B”, với mục đích hạn chế sự hoành hành của dịch sốt rét, đang phổ biến trên các chiến trường Trung, Nam bộ, giảm thiểu tổn thất về sức khoẻ và sinh mạng, vì sốt rét cho bộ đội và thanh niên xung phong, trước mắt, nghiên cứu biện pháp phòng chống sốt rét tại chỗ, tìm hiểu khả năng sản xuất vaccine chống căn bệnh quái ác này.

Tuy nhiên, chuyến vượt Trường Sơn đó cũng là hành trình cuối cùng của nhà giáo, nhà khoa học yêu nước Đặng Văn Ngữ. Chiều 1/4/1967, giáo sư Đặng Văn Ngữ hy sinh, sau loạt bom B52 rải thảm của máy bay Mỹ xuống chiến trường Thừa Thiên - Huế, quê hương ông. Thi hài ông nằm lặng lẽ suốt hai mươi năm, cho đến khi tình cờ một người đốn củi tìm thấy mộ ông, với gói vải dù bọc hài cốt, và một tấm biển nhôm khắc vỏn vẹn dòng chữ: “Đặng Văn Ngữ 1/4/1967”. Người ta cho rằng, đây là hài cốt một chiến sĩ vô danh nào đó, nên đã đưa về nghĩa trang liệt sĩ xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau này, các con ông đã tìm được, và đưa ông về yên nghỉ vĩnh hằng, tại nghĩa trang họ Đặng trên núi Ngự Bình.

Viết về giáo sư Đặng Văn Ngữ, và những đóng góp to lớn của ông cho ngành Y học Việt Nam, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng viết: "Đặng Văn Ngữ và các đồng nghiệp của mình, đã hy sinh bởi một cuộc ném bom B52 rải thảm của kẻ thù, ngày 1/4/1967. Bấy giờ, Đặng Văn Ngữ mới 57 tuổi, đang tuổi sung sức, đối với người nghiên cứu khoa học tràn đầy nhiệt huyết, vì một chí hướng cao đẹp. Chính vì vậy, mà niềm đau thương của chúng ta biết bao sâu nặng, không bao giờ nguôi. Tôi viết dòng này, lòng nặng trĩu thương nhớ khâm phục, luyến tiếc và mến yêu”. Các thế hệ học trò kính trọng ông, không chỉ bởi tài năng và lòng say mê khoa học, mà còn bởi ông là một con người hết sức thuỷ chung với gia đình. Thầy Ngữ luôn có cặp lồng cơm đạm bạc tự nấu, mang theo khi đi làm. Thầy còn làm nhiệm vụ của một người mẹ trong gia đình, bởi vợ thầy đã mất vào năm 1954 khi thầy mới 44 tuổi.

Khi còn sống, giáo sư Đặng Văn Ngữ nghe tiếng chim “bắt cô trói cột”, thảng thốt đêm đêm thành “khó khăn khắc phục”, để động viên học trò vượt qua những vất vả riêng, phấn đấu cho sự nghiệp chung. Đó cũng là lời khuyến khích, lớp lớp thế hệ thanh niên ra sức học tập và rèn luyện.

Giáo sư Bác sĩ Đặng Văn Ngữ là một người Việt Nam yêu nước, dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu khoa học, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Giáo sư đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Liệt sĩ. Năm 1996, Nhà nước ta truy tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh. Hằng năm, vào dịp kỷ niệm ngày mất của ông, các trường đại học, cao đẳng y khoa, các Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng, đều tổ chức lễ tưởng niệm và hội nghị khoa học chuyên ngành.

Thu Anh, (tổng hợp).

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-giao-su-dang-van-ngu-44663.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY