Tâm linh hôm nay

Giao thoa giáo và chính sách quốc gia: Suy nghĩ về Việt Nam

Dẫn chứng bằng một số trường hợp lịch sử, bài viết nầy nhằm xác định rằng trong lịch sử phát triển xã hội loài người, hiện tượng giao thoa giữa nội dung tôn giáo và chính sách quốc gia thì có thật và mang tính tất yếu. Từ đó, bài viết lấy nước Mỹ làm trường hợp mô tả và khảo sát để thông qua đó, rút tỉa một vài đề nghị cho trường hợp Việt Nam.

Trong khuôn khổ của bài viết ngắn nầy, nhất là trong phần đề nghị cho tình hình Việt Nam, người viết xin tổng quát hóa những đề nghị đó thành những nguyên tắc tiếp cận chỉ hướng mà không cụ thể hóa thành các chính sách hoàn chỉnh và có hệ thống.


DẪN NHẬP - GIAO THOA LÀ QUY LUẬT, LÀ HIỆN TƯỢNG CÓ THẬT


Hiện tượng giao thoa giữa nội dung tôn giáo và chính sách quốc gia là một hiện tượng khá phổ biến kể từ khi thần quyền (của Giáo hội có tổ chức) và thế quyền (của Nhà nước làm quản lý) đan bện vào nhau và tương tác để cùng tồn tại và phát triển. Quá trình đan bện đó, trên lý thuyết cũng như trong thực tế, là một quá trình phức tạp và đa dạng, hàm chứa và phát sinh nhiều mâu thuẫn đối lập tiêu cực nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều cộng hưởng hài hòa tích cực. Chẳng khác gì hiện tượng giao thoa của hai nguồn sóng, tuy không cùng biên độ nhưng lại cùng tần số, nên đã kết hợp thành những “bụng” và những “nút”, tuy đều đặn nhưng lên xuống chập chùng.


Hầu hết các tôn giáo (độc Thần, đa thần hoặc vô thần) đều vận dụng nội dung thần học và/hoặc triết học để chuyển hóa nội tâm tín đồ hướng đến những giá trị hoàn thiện và vĩnh cửu, tuy chủ yếu nhằm giải quyết những nhu cầu tâm linh và siêu hình của con người, nhưng đồng thời cũng thiết định các giá trị đạo đức và văn hóa làm kim chỉ nam cho đời sống xã hội của tín đồ. Còn chính quyền thì triển khai triết lý trị nước của mình, thông qua các chính sách quốc gia, để bảo vệ tổ quốc, phát triển xã hội và nâng cao phẩm chất cuộc sống của toàn thể nhân dân.


Tuy nhiên, dù lấy đối tượng là con người cá nhân hay con người tập thể, con người xã hội hay con người công dân, trong quá trình thể hiện chức năng của mình, tôn giáo và chính quyền thường thường, nhưng không phải luôn luôn, là những bạn đồng hành tâm đầu ý hiệp. Nhưng khi mâu thuẫn xuất hiện, mà thường thường là mâu thuẫn quyền lợi và quyền lực, hai thực thể nầy lại trở thành đối thủ bất khoan nhượng, thậm chí còn sát phạt lẫn nhau. Vì thế mà đã có những tôn giáo hô hào lật đổ nhà nước và có người đã tuyên bố tôn giáo là Thu*c phi*n của nhân dân hoặc cho rằng Thượng Đế đã ch*t rồi.


Đó là chưa nói đến mâu thuẫn giữa các nhà nước trong cùng một tôn giáo và mâu thuẫn giữa các tôn giáo trong cùng một nhà nước. Hay lên đến cao điểm, khi một tôn giáo nhân danh niềm tin tín ngưỡng của mình, huy động một (hay nhiều) nhà nước để tuyên chiến với một (hay nhiều) nhà nước khác. Quan niệm “thánh chiến” của một vài tôn giáo có nền giáo lý cực đoan và giáo điều đã làm đổ ra không biết bao nhiêu xương trắng máu đào giữa các dân tộc trong lịch sử nhân loại kể từ cuộc chiến tranh tôn giáo đầu tiên giữa Byzantine và Hồi giáo năm 645 cho đến mười hai cuộc chiến đang tiến hành ở ngay thời điểm 2006 nầy.


Mười hai cuộc đụng độ vũ trang có yếu tố tôn giáo chi phối hiện nay là: Ở Palestine (Do Thái giáo và Hồi giáo), ở Balkans (Công giáo và Chính Thống giáo), cũng ở Balkans (Chính Thống giáo và Hồi giáo), ở Bắc Ireland (Công giáo và Tin Lành), ở Kashmir (Hồi giáo và Ấn Độ giáo), ở Sudan (Tin Lành và Hồi giáo), ở Nigeria (Tin Lành và Hồi giáo), ở Ethiopia (Tin Lành và Hồi giáo), ở Sri Lanka (Ấn Độ giáo Tamil và Phật giáo Sinhalese), ở Indonesia (Tin Lành và Hồi giáo), ở Caucasus (Chính Thống giáo và Hồi giáo) và cũng ở Caucasus (Công giáo và Hồi giáo). Điều đáng lưu ý là ngoại trừ ở Sri Lanka, 11 trong 12 cuộc đụng độ nầy (92%) đều có quan hệ đến những tôn giáo với nền thần học lấy cùng một Thiên Chúa làm xuất phát điểm tín ngưỡng.

Theo Sam Harris, chính “Sự bất tương đồng giữa các nền thần học đã chia tách thế giới chúng ta thành những cộng đồng đạo đức khác biệt làm nguồn gốc cho những tranh chấp đẫm máu giữa con người”.


Trong buổi giao thời giữa hai thiên niên kỷ, nhiều người đã nói đến thế kỷ thứ XXI như một thế kỷ của tôn giáo, nghĩa là các tôn giáo có tổ chức sẽ vừa năng động hơn trong nỗ lực biến nội dung thần học thành định hướng học thuật chủ đạo quốc gia, vừa chủ động hơn trong việc cụ thể đi vào và khống chế dòng chính (mainstream) của tiến trình phát triển xã hội loài người.


Sam Harris, Killing Buddha, Tạp chí Shambhala Sun, số tháng Ba 2006, Halifax, Canada. Sam Harris là tác giả cuốn sách nổi tiếng The End of Faith, trong đó tác giả cho rằng nội dung và hành trì của Phật giáo thì sẽ đem lại lỗi lạc nhiều hơn nếu Phật giáo được trình bày và áp dụng không phải nhờ một Tôn giáo.


Đỗ Hữu Tài, Hoa Kỳ

Đỗ Hữu Tài

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/giao-thoa-giao-va-chinh-sach-quoc-gia-suy-nghi-ve-viet-nam-d23718.html)

Tin cùng nội dung