Tâm linh hôm nay

Giới thiệu sách: Chùa Việt Nam

Giới thiệu 122 ngôi chùa tiêu biểu trên khắp mọi miền đất nước qua các thời kỳ: từ đầu Công nguyên, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần, nhà Nguyễn đến những ngôi chùa mới phục dựng gần đây như chùa Non (Hà Nội)

In lần thứ năm, đặc biệt trong lần in này bổ sung nghiên cứu và giới thiệu Những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa - một phần đất nước thiêng liêng từ nghìn xưa, có Trời Phật, Thánh Thần bảo hộ, che chở và chùa Hang tỉnh Thái Nguyên, thuộc loại hình chùa miền núi đặc sắc, nâng tổng số chùa được khảo cứu lên 122 ngôi trong cả nước.


Tác giả: Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự – Phạm Ngọc Long.

Biên tập: Lê Văn Lan – Nguyễn Duy Chiếm.


Sách dày 538 trang, khổ 22 x 26cm, in trên giấy couche’ bìa cứng với 1.100 ảnh màu, ảnh đen trắng, 20 bản vẽ…. Nhà xuất bản Thế Giới – 2013.


Theo Giáo sư Hà Văn Tấn “Phật giáo du nhập vào Việt Nam vào khoảng đầu công nguyên. Trong khoảng thời gian đó, các ngôi chùa đã dần dần mọc lên trong các thời gian khác nhau và trên các không gian khác nhau ở Việt Nam.

Cho đến lúc mỗi làng có một ngôi chùa. Chùa Việt Nam là nơi thờ Phật, và trong nhiều trường hợp thờ cả thần…Khảo sát những ngôi chùa đó, chúng ta không những thấy được đặc điểm của Phật giáo Việt Nam, đặc điểm của tôn giáo và tín ngưỡng Việt Nam mà còn giúp chúng ta hiểu được một mặt quan trọng của lịch sử văn hóa và tư tưởng Việt Nam …”


Sách Chùa Việt Nam gồm 3 phần:


Phần I: Tổng luận về Chùa Việt Nam của GS.Hà Văn Tấn gồm 3 chương:


1 - “Chùa Việt Nam: một cái nhìn chung”: trình bày các kiến thức chung quanh ngôi chùa Việt Nam: từ khái niệm về chùa đến công việc xây chùa, từ việc chọn đất xây chùa đến các kiểu chùa và cách bài trí tượng thờ trong chùa.


2 - “Chùa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử”: trình bày diễn biến của một ngôi chùa Việt Nam từ lúc khởi đầu từ đầu Công nguyên, vốn hãy còn là các giả thiết đến dấu tích tháp Nhạn (Nghệ An) thế kỷ VII - IX, từ các cột kinh Phật thế kỷ X ở Hoa Lư cho đến tình hình xây dựng chùa tháp thời Lý, thời Trần, thời Mạc, thời Trung hưng, từ các ngôi chùa ở phía Bắc cho đến các ngôi chùa ở Trung Bộ, Nam Bộ.


3 - “Chùa Việt Nam trong đời sống văn hoá cộng đồng” trình bày vai trò của ngôi chùa trong đời sống văn hoá Việt Nam, trong đó mỗi ngôi chùa cổ vừa là một bảo tàng lắng đọng quá khứ, một bảo tàng sống khi nó vẫn hàng ngày tham gia vào đời sống văn hoá cộng đồng, khi mà chùa chiền là nơi siêu độ cho các linh hồn, nơi tiến hành các nghi lễ gắn bó chặt chẽ với việc cầu mưa, nơi diễn ra các lễ hội, các nghi lễ cổ truyền.


Phần II: Giới thiệu 122 ngôi chùa tiêu biểu trên khắp mọi miền đất nước qua các thời kỳ: từ đầu Công nguyên, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần, nhà Nguyễn đến những ngôi chùa mới phục dựng gần đây như chùa Non (Hà Nội), chùa đang trong giai đoạn hoàn thiện như chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Thanh Long (Bình Phước)… Đặc biệt, những ngôi chùa trên Quần đảo Trường Sa, không chỉ biểu hiện các tín ngưỡng truyền thống của người Việt ở vùng xa xôi này của đất nước, mà còn biểu hiện tình yêu nồng nàn của nhân dân với con người và thiên nhiên của vùng đất đầu sóng ngọn gió này, gắn liền với ý thức quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của biển đảo Tổ quốc.


Mỗi một ngôi chùa có một phần viết tóm tắt lịch sử. Kèm theo đó là các bản vẽ, ảnh minh hoạ đẹp về di tích và di vật.

Với 1.100 bức ảnh nghệ thuật của các tác giả: Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long, với sự cộng tác của các tác giả khác, đặc biệt là của Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương Tích, Hà Nội, sẽ đưa bạn đọc đến những “ngôi chùa đang sống thật sự giữa các cộng đồng làng xã Việt Nam”.


Phật giáo Việt Nam có lúc thịnh, lúc suy, nhưng cho đến nay ngôi chùa vẫn có một vị trí quan trọng trong hoạt động văn hóa của người Việt Nam.


Phần III: Danh sách 773 ngôi chùa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia (tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2012).


Nhận xét của PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện khảo cổ học về cuốn sách: “Chùa Việt Nam là một công trình khoa học phổ cập kiến thức đạt trình độ cao. Nó vừa khoa học, vừa hấp dẫn, vừa trí tuệ, vừa công phu. Chắc chắn đây là cuốn sách có sức sống lâu bền trong đời sống khoa học cũng như đời sống tinh thần của những bạn đọc yêu mến văn hóa dân tộc”.

PV


PGVN

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/gioi-thieu-sach-chua-viet-nam-d11265.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY