Tâm sự hôm nay

Góc chợ bán Thuốc nam

Gần đây, khi ra TP.Phan Thiết, tranh thủ ra thăm “6 gian hàng bán Thuốc Nam đặc biệt”, như một anh bạn dân địa phương trầm trồ. Thực ra, sự trầm trồ này tôi đã từng được nghe từ một số lương y ở đây cách nay nhiều năm trước.
Chợ Phan Thiết đang được xây dựng lại, nên việc buôn bán chuyển ra chợ tạm. Đến chợ, quả thật có 6 gian hàng Thuốc Nam, Thuốc Bắc đều có nhưng chủ yếu là Thuốc Nam. Đặc biệt, nơi đây còn bán Thuốc lá, từ mớ Thuốc xông, đến Thuốc giải nhiệt, những tần dày lá, khuynh diệp, mã đề, ngải cứu, nghệ, hành (nén)…

Những chủ cửa hàng ở đây rất niềm nở tiếp chuyện, sẵn sàng đưa về nhà tham quan các vườn Thuốc của họ. Chị Huệ nói: “Chúng tôi đã trồng Thuốc, bán Thuốc Nam qua 4 đời. Mỗi nhà đều có một vườn Thuốc nho nhỏ chừng 100 -150m2”.

Có gian hàng bán Thuốc còn có những vườn Thuốc, đó chính là điều “đặc biệt” như mọi người ở đây nói. Quả thật, ở thời đại nếu nhức đầu sổ mũi chỉ cần viên paracetamol nhỏ xíu chừng 1.000 đồng thì hầu hết không còn ai nhớ những củ gừng chữa đau bụng do rối loạn tiêu hóa, mớ lá xông giải cảm mà khi xông người ướt đẫm mồ hôi rồi nhẹ nhõm, hay được đưa vào văn chương là “bát cháo hành Thị Nở” ngày xưa nữa. Những vị Thuốc Nam trông giản dị, rẻ tiền (ở chợ Phan Thiết bán mớ lá xông chỉ 5.000 đồng, mớ tần dày lá cũng 5.000, bồ công anh 80.000 đồng/kg…) nhưng công hiệu không ngờ. Danh y Tuệ Tĩnh từng nói: “Nam dược trị Nam nhân” cơ mà. Cách nay chưa lâu, PGS.TS. Bùi Chí Hiếu sinh thời cũng đưa ra quan điểm: “Thầy tại chỗ, Thuốc tại chỗ” để phục vụ sức khỏe cộng đồng, cho người dân địa phương. Theo quan điểm này, các thầy Thuốc tuyến cơ sở dùng Thuốc Nam để phòng và chữa những bệnh thông thường, đơn giản, không để bệnh trở nặng rồi phải lên tuyến trên, vừa tốn kém, vừa có hại cho sức khỏe.

Ấy vậy mà, trên thực tế, những vườn Thuốc Nam ngày càng thưa vắng, Thuốc Nam không được trọng dụng. Nhiều nhà Thuốc Đông y không dùng Thuốc Nam mà chỉ dùng Thuốc Bắc. Nhiều trạm xá xã có vườn Thuốc Nam nhưng vì không đủ số lượng, chủng loại nên cũng ít dùng để chữa bệnh cho dân mà chủ yếu vẫn dùng Thuốc tây. Thậm chí, một bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền cũng nhận xét: “Ở bệnh viện muốn mua Thuốc Nam cũng không thể, vì cơ chế mua Thuốc phải đấu thầu, mà mua Thuốc Nam từ các vườn Thuốc thì làm sao có hồ sơ đấu thầu được. Thành ra, đành phải mua Thuốc Bắc, thứ mà chất lượng vẫn trông chờ vào may rủi”.

Cũng vì “đầu ra” khó khăn bởi nhiều lý do, cho nên trừ một số công ty sản xuất Đông dược có vườn Thuốc (không nhiều), một số thầy Thuốc có trồng cây Thuốc để sử dụng (cũng không nhiều), những vườn Thuốc lẻ tẻ ở trạm y tế, vài khóm Thuốc, cây Thuốc ở nhà dân, Thuốc Nam giờ trở nên hiếm hoi. Thuốc Nam trên thị trường phần nhiều thu hái ở rừng và đang ngày càng cạn kiệt.

Do vậy, không phải là không có lý do để người dân Phan Thiết tự hào về “6 gian hàng Thuốc Nam” của mình, những gian hàng bán lá Thuốc tươi, Thuốc khô đã qua sơ chế và đều có những vườn Thuốc để cung cấp nguồn hàng cho mình. Thật tự hào như một chủ gian hàng Thuốc ở đây tự hào: “Bán mớ Thuốc lá chỉ thu nhập thêm vài ba chục ngàn đồng mỗi ngày, nhưng trồng Thuốc, bán Thuốc là nghề lâu đời cha ông để lại nên phải gìn giữ. Chúng tôi nhà phố chật hẹp nhưng ai cũng duy trì vườn Thuốc rất đẹp”. Giá như ai cũng có lòng với những cây Thuốc Nam như vậy thì quý biết bao.

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-goc-cho-ban-thuoc-nam-14989.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY