Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Gói hỗ trợ doanh nghiệp cần mở rộng quy mô, đẩy nhanh tốc độ và hướng đúng đối tượng

86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19

Theo khảo sát của VCCI, gần 85% doanh nghiệp cho biết đã bị mất hoặc thu hẹp thị trường tiêu thụ sản phẩm; gần 60% DN bị thiếu vốn hoặc dòng tiền kinh doanh; 45% doanh nghiệp bị thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào và phải thu hẹp lực lượng lao động.

Có tới 92% doanh nghiệp cho biết trong năm 2020 doanh thu bị sụt giảm, trong số đó có 20% thông báo sẽ bị sụt giảm tới hơn 50%...Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã triển khai nhiều biện pháp để hạn chế những tác động tiêu cực từ dịch bệnh.

Hiện, VCCI đã nhận được hơn 200 đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp với Chính phủ để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn dưới tác động của đại dịch.

Theo đó, ngoài chính sách giãn thời hạn nộp thì cần cho doanh nghiệp giảm 50% tiền thuê đất, 50% thuế giá trị gia tăng, 50% thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân. Thời gian áp dụng cho năm 2020.

Bên cạnh đó, chỉ áp trần mức lãi vay đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết mà các giao dịch này không đúng bản chất thị trường, làm giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước.

Còn đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhưng đúng với bản chất thị trường, không làm giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước thì sẽ không bị áp dụng trần mức lãi vay.

Đồng thời với việc cho phép chuyển lỗ vào thu nhập cho 5 năm tiếp theo, đề nghị cho phép khấu trừ các khoản lỗ của năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 vào năm lợi nhuận của năm 2019 khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điều này cho phép doanh nghiệp chi trả nộp thuế trong vòng hai năm 2019-2020, giúp tránh phá sản cho những doanh nghiệp có lợi nhuận trong năm 2019 nhưng lại thua lỗ nhiều trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

VCCI cũng kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho các doanh nghiệp được giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong năm 2020-2021 nhằm hỗ trợ, vực dậy các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn sau dịch bệnh.

Đối với chính sách tín dụng, hiện nay các chính sách hỗ trợ giữa các ngân hàng đang khác nhau, hơn nữa, thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại còn phức tạp. Các đối tượng áp dụng chưa công khai, minh bạch, khiến các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ khó tiếp cận với các chính sách ưu đãi.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, xác định đối tượng doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ, hạn chế việc “xin-cho” bằng quan hệ, lợi dụng chính sách.

Hầu hết các doanh nghiệp đều lo ngại cho biết, trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 kéo dài, nhiều khó khăn, vướng mắc mới của doanh nghiệp tiếp tục nảy sinh với mức độ ngày càng trầm trọng hơn, ở phạm vi rộng hơn, bao phủ hầu khắp các ngành nghề, quy mô, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp đòi hỏi phải có các giải pháp mạnh hơn, toàn diện hơn để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, ổn định và phát triển. 

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị các gói hỗ trợ doanh nghiệp cần mở rộng quy mô, đẩy nhanh tốc độ triển khai và hướng tới đúng đối tượng.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đề xuất này của VCCI, nếu đi vào thực tế sẽ phần nào giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh.

Gia Nguyên

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/goi-ho-tro-doanh-nghiep-can-mo-rong-quy-mo-day-nhanh-toc-do-va-huong-dung-doi-tuong-post78762.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY