Ẩm thực hôm nay

Hà Tĩnh: “Bánh mật xứ Cẩm... ăn một lần nhớ mãi”

(MangYTe) - Đó là câu nói của những vị khách khi được thưởng thức món bánh mật độc đáo này. Nức tiếng gần xa với hương vị đậm đà, thơm ngon, bánh mật miền biển Nhượng (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) từ lâu đã trở thành món ăn không thể thiếu của những con người nơi đây.

Đó là câu nói của những vị khách khi được thưởng thức món bánh mật độc đáo này. Nức tiếng gần xa với hương vị đậm đà, thơm ngon, bánh mật miền biển Nhượng (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) từ lâu đã trở thành món ăn không thể thiếu của những con người nơi đây.

Video: Món bánh mật “phủ sóng” khắp nẻo miền quê xứ Cẩm

Bánh mật xứ Cẩm được làm bằng bột của gạo nếp quê. Gạo nếp sau khi ngâm nước khoảng 2 giờ, vo sạch, xay nhuyễn rồi đem vào nhồi.

Gia vị để làm được một mẻ bánh mật thơm ngon, đúng vị gồm: Đậu đỏ, vừng trắng, dầu ăn và thứ không thể thiếu đó là mật mía. Đối với vừng, sau khi mua về đãi sạch, phơi khô; đậu đỏ luộc chín vừa, mật mía nấu lên.

Đã hơn 20 năm “đều tay” bên những mẻ bánh mật đỏ óng, chị Nguyễn Thị Vĩnh (46 tuổi, thôn Tân Hải, xã Cẩm Nhượng) chia sẻ: Để làm ra những chiếc bánh giòn thơm, ngọt đều đòi hỏi người làm phải tâm huyết, tỉ mẩn. Bánh mật làm không khó, nhưng để cho ra lò một mẻ bánh “hút” khách thì cũng mất gần 3 tiếng.

Làm bánh mật trải qua nhiều công đoạn. Bột sau khi nhồi được vắt tròn, cho nhân đậu vào bên trong. Đậu đỏ làm nhân phải là những hạt to, căng tròn.

Bánh sau khi vắt xong được trộn đều với những hạt vừng chắc nịch...

...rồi cho vào nồi đã sẵn dầu đang sôi, rán khoảng 30 phút cho đến khi bánh chín đều, có màu vàng óng thì vớt ra.

Mỗi ngày chị Vĩnh làm bình quân từ 500 đến 700 cái, đặc biệt những hôm có khách đặt nhiều, số lượng bánh có thể lên đến 2.000 cái, với giá bán 20.000 đồng/10 cái.

Theo chị Vĩnh, trong tất cả các công đoạn thì nhúng mật là bước quan trọng nhất. Chiếc bánh làm ra ngon hay không đều phụ thuộc vào công đoạn này. Để mật ngấm đều, không bị ngọt quá đòi hỏi người làm phải căn đúng thời gian. Thường thì bước nhúng mật diễn ra trong chốc lát, khoảng 30 giây. Nếu để lâu bánh sẽ ngọt quá, người ăn dễ bị khay mật, mất vị bùi của đậu, vị béo của vừng và vị dẻo thơm của nếp.

Bánh mật ngon nhất là khi thưởng thức với nước chè xanh. Người dân miền biển vẫn thường ví “Ba chiếc bánh mật, một ngụm chè xanh”.

Món ăn dân dã này đã không ít lần xuất ngoại, theo con em xứ Cẩm “sải cánh” mọi phương trời.

"Bánh mật - món ăn để người xa quê tìm về, nhớ đến. Trong tiềm thức của những đứa trẻ mới trưởng thành như tôi, bánh mật không chỉ đơn thuần là một món ăn, đó còn là kỷ niệm, là hồn của miền quê”, anh Nguyễn Tiến Khánh (bên phải) tâm sự.

Ngân Giang- Văn Chung

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo hà tĩnh (https://baohatinh.vn/mon-ngon/banh-mat-xu-cam-an-mot-lan-nho-mai/181768.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY