Tâm sự hôm nay

Học không đúng chuyên ngành yêu thích

Năm 1959, sau khi thi tốt nghiệp bác sĩ xong, anh Trần Ngọc Can - Lớp trưởng lớp Y6 nói với tôi: “Nhà trường muốn giữ anh ở lại trường làm cán bộ giảng dạy, nguyện vọng của anh muốn đi chuyên khoa nào?”.
Năm 1959, sau khi thi tốt nghiệp bác sĩ xong, anh Trần Ngọc Can - Lớp trưởng lớp Y6 nói với tôi: “Nhà trường muốn giữ anh ở lại trường làm cán bộ giảng dạy, nguyện vọng của anh muốn đi chuyên khoa nào?”. Tôi trả lời ngay: “Tôi muốn đi chuyên khoa S*nh l* bệnh”. Anh Can bảo tôi: “Anh đi khoa sản với tôi, nếu không, anh phải đi khoa thần kinh - tâm thần đấy”. Thế là tôi phải đi khoa phụ sản. Thật ra, tôi rất thích đi khoa S*nh l* bệnh để được nghiên cứu những cơ chế sinh bệnh và tìm phương pháp điều trị bệnh hợp lý, chủ yếu là nghiên cứu trên súc vật. Tôi rất sợ đi các khoa lâm sàng vì nhỡ bị sai sót, nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh thì ân hận chẳng biết đến bao giờ mới nguôi cho. Chị Lê Thị Mẫu Đơn là bác sĩ Nội khoa công tác ở Bệnh viện Quân y 108, đi thực tập ở Khoa Nội của Bệnh viện Bạch Mai để bổ sung cho hồi kháng chiến chống Pháp, chỉ phục vụ là chính. Chị Mẫu Đơn ngạc nhiên hỏi tôi: “Tôi cứ tưởng thế nào anh cũng đi khoa nội kia đấy, vì tôi thấy anh mê say khoa nội lắm mà!”. Thật ra, chẳng cứ gì khoa nội, khi đi luân phiên các chuyên khoa khác, tôi cũng rất say sưa, cố gắng vì tôi nghĩ rằng sau khi tốt nghiệp, làm ở một chuyên khoa khác chẳng bao giờ tôi còn có dịp học trở lại những chuyên khoa này nữa.

Từ khi đi chuyên khoa phụ sản, mỗi khi thường trực ở phòng đẻ, bao giờ tôi cũng thức trắng đêm, nếu không có bệnh nhân phải theo dõi thì tôi trao đổi học hỏi các chị, các bác nữ hộ sinh, lau sàn nhà... Có lần có một cháu sơ sinh bị ngạt trắng, nghĩa là ngạt thở và tuần hoàn kém, tim đập rời rạc, một bác nữ hộ sinh phủ gạc lên miệng cháu và thổi ngạt cho cháu chừng mươi lần rồi nói với tôi rằng ngạt trắng là trụy tim mạch, không cứu được đâu! Tôi xin phép bác được thổi ngạt tiếp cho cháu, hơn 40 phút, không dám thử ngừng thổi để nghe tim lại, mặc dầu da dẻ cháu bắt đầu hồng lên. Bác Văn là bác nữ hộ sinh đã có tuổi bảo tôi nghe thử tim lại xem sao, không theo dõi thì biết thổi đến bao giờ? Tôi bèn ngừng thổi ngạt, lấy ống nghe, nghe thử tim thì thấy tim đập đều đến 100 nhịp/một phút. Tôi báo cáo với bác Văn, bác nghe tim rồi nói: “Thôi thổi ngạt được rồi đấy, sống rồi!”. Bác mặc quần áo cho cháu sau khi dùng khăn mềm thấm khô người, quấn tã cho cháu nằm ấm bên cạnh mẹ rồi bảo tôi đẩy xe về phòng hậu sản, hồi ấy chưa có lồng ấp. Sáng hôm sau, tôi đến thăm, thấy cháu bú tốt, hồng hào, tôi vui mừng khôn xiết. Từ đó, dần dần tôi đỡ sợ và quen dần. Tôi tự rút ra kinh nghiệm, còn nước còn tát, tuy tim đập rời rạc nhưng vẫn là còn sống, vẫn còn phải thổi ngạt và cảm thấy đi lâm sàng học được nhiều hơn là học S*nh l* bệnh. Với lại, thí nghiệm trên súc vật không sao rút được kinh nghiệm bằng theo dõi trên người. Theo dõi trên người, để chữa bệnh cho người, theo dõi trên súc vật không hẳn đã rút được kinh nghiệm để chữa bệnh cho người. Tuy nhiên, tôi vẫn còn mê mẩn nghiên cứu theo kiểu như của bộ môn S*nh l* bệnh.

Năm 1966, tôi được đi thực tập sinh tại Hunggari học về nội tiết học phụ khoa, tôi lần lượt xin đi 4 trường đại học Y Dược của Hunggari, mỗi nơi 2 tuần. Khi đến Pécs, tôi gọi điện cho giáo sư viện sĩ Flerkó Béla là chủ nhiệm bộ môn giải phẫu, xin được gặp giáo sư hai tiếng đồng hồ học hỏi về thí nghiệm cắt cuống tuyến yên nơi tiếp xúc với vùng dưới đồi để theo dõi hoạt động của vùng dưới đồi. Giáo sư vừa xuất bản một cuốn sách nghiên cứu về vùng dưới đồi dày tới gần 1.000 trang, gây được buồng trứng đa nang sau khi cắt rời tuyến yên khỏi vùng dưới đồi. Giáo sư Flerkó vui lòng nhận lời gặp tôi ngay vào chiều hôm sau.

Việc đầu tiên, giáo sư hỏi tôi: “Xin hỏi đồng nghiệp học chuyên khoa gì?”. Tôi đáp: “Thưa, tôi học chuyên khoa phụ sản ạ!”. Giáo sư Flerkó vui vẻ nói: “Tôi cũng thích đi chuyên khoa phụ sản nhưng giáo sư Szentagothai - người có công trình nghiên cứu về hệ bạch mạch rất nổi tiếng trên thế giới, chủ nhiệm bộ môn giải phẫu khuyên tôi nên đi khoa giải phẫu với người. Thế là tôi đi khoa giải phẫu, nhưng trong nghiên cứu bao giờ tôi cũng hướng về phụ sản khoa và vì thế mà có những đề tài nghiên cứu liên quan đến khoa phụ sản”.

Học tập kinh nghiệm ấy của giáo sư Flerkó, tôi yên tâm đi chuyên khoa phụ sản, nhưng nghiên cứu khoa học thì hướng về S*nh l* bệnh, tìm các cơ chế sinh bệnh và cơ chế chữa bệnh. Đặc biệt, từ năm 1970, sau khi xong hạn học thực tập sinh, tôi được chuyển sang làm nghiên cứu sinh trong thời hạn 1 năm, bảo vệ luận án năm 1971. Từ khi về nước, tháng giêng năm 1972, tôi xin được phép buổi chiều làm nghiên cứu khoa học tại phòng mổ súc vật. Tôi thấy ai cũng cần có ý nguyện hành nghề sâu sắc và phải khắc phục khó khăn để theo đuổi đến cùng.

GS.TS. Nguyễn Khắc Liêu

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-hoc-khong-dung-chuyen-nganh-yeu-thich-6150.html)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY