Bé Quỳnh năm nay gần 3 tuổi, giống bố như đúc, con gái của vợ chồng chị Trang, anh Hưng ở Bắc Ninh. Chị Trang quyết định thụ tinh nhân tạo để sinh con nối dài huyết mạch của chồng ung thư gan giai đoạn cuối.
Vừa hạ sinh con gái đầu lòng được một tuần thì anh Hưng mất. Chính cô con gái bé nhỏ này là nguồn động lực để chị vượt qua nỗi đau, cố gắng sống tiếp với vai trò làm mẹ. Hằng ngày, chị Trang gửi con ông bà trông, đi làm công nhân để nuôi bố mẹ chồng và con gái nhỏ. Mỗi tối mẹ về, bé Quỳnh chạy ra ôm mẹ.
Chị Trang cho biết vợ chồng chị kết hôn đầu năm 2012, sống hòa hợp với bao dự định tương lai phía trước. Sau sức khỏe anh Hưng kém dần, xanh và gầy, ăn uống không tiêu. Nhận tờ kết quả chẩn đoán anh bị ung thư gan giai đoạn 2, chị Trang ch*t lặng.
Cả hai vợ chồng khao khát có một đứa con. Tháng 6/2015, trong những ngày khám và điều trị tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, anh chị đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ Mô ghép của bệnh viện để được tư vấn về các phương pháp hỗ trợ sinh sản.
"Nhìn dáng vẻ xanh, gầy của anh Hưng và ánh mắt đỏ hoe cùa người vợ, chúng tôi xúc động", Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Bộ môn Mô - Phôi, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhớ lại.
Bé Quỳnh cười tươi trong vòng tay mẹ Trang. Ảnh: Bác sĩ cung cấp. |
Năm 2015, anh chị đã được tiến hành 2 chu kỳ bơm tinh trùng vào tử cung nhưng thất bại. Sức khỏe của anh Hưng ngày càng xấu đi, bác sĩ tư vấn đông lạnh tinh trùng cho anh. Chất lượng tinh trùng cũng kém đi rất nhiều, mẫu tinh trùng của anh chỉ có thể áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Chị Trang sau đó được bác sĩ siêu âm đếm nang thứ cấp và làm các xét nghiệm nội tiết cơ bản cho kết quả hoàn toàn bình thường. Sau 10 ngày tiêm kích trứng cho chị Trang, bác sĩ đã tiến hành chọc hút trứng và rã đông tinh trùng của chồng để làm thụ tinh trong ống nghiệm. Vì chất lượng tinh trùng trước đông lạnh của anh Hưng yếu nên sau khi rã đông tinh trùng rất kém, hầu như không tìm được tinh trùng di động.
Các bác sĩ đã cố gắng hết sức để tìm đủ tinh trùng tốt nhất tiêm vào bào tương trứng của người vợ. Hai vợ chồng thu được 6 phôi. Do niêm mạc mỏng nên bác sĩ tư vấn chị Trang không chuyển phôi tươi. Tháng 9/2016, chị Trang đã tiến hành chuyển 3 phôi đông lạnh lần đầu tiên. 14 ngày sau, chị Trang có thai.
Sau 38 tuần mang thai chị Trang đã sinh em bé bằng phương pháp mổ. Bé nặng 3,2 kg, bụ bẫm. Một tuần sau sinh hai mẹ con từ viện về nhà cũng là lúc anh Hưng yếu đi nhiều. Gia đình đã mặc sẵn quần áo mới cho anh, bàn thờ đã thắp hương. Chị Trang đặt con trong vòng tay chồng. Anh Hưng dùng chút sức lực cuối cùng để nói 'Con gái giống bố'. Cả nhà vừa mừng vừa tủi.
"Những giây phút cuối, anh ấy chứng kiến được hai mẹ con về, được ôm con trong vòng tay, là điều phấn khởi nhất rồi", chị Trang nói.
Phó giáo sư Hà cho biết, vợ chồng chị Trang là một trong số hơn 2.000 trường hợp được thụ tinh ống nghiệm thành công tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép. Mới đây, chị Trang có nguyện vọng xin được tiếp tục chuyển phôi đang đông lạnh để mang thai lần 2, nhưng các bác sĩ động viên nên đợi bé Quỳnh lớn thêm chút nữa.
Bác sĩ Hà cho biết, 5 năm qua, đã có hơn 1.300 trẻ ra đời tại trung tâm, tỷ lệ thụ tinh thành công gần 60%. Trung tâm cũng đã thực hiện 30 ca đông noãn và 500 ca đông tinh trùng cho các bệnh nhân muốn bảo tồn khả năng sinh sản. Có 3 trẻ đã chào đời khỏe mạnh từ noãn đông lạnh.
Ngân hàng tinh trùng của Trung tâm hiện có 750 mẫu. Đa số mẫu tinh trùng hiến từ sinh viên đại học y Hà Nội, đáp ứng nhu cầu điều trị cho các cặp vợ chồng vô sinh.