Thuốc A - Z hôm nay

Hướng dẫn sử dụng thuốc và biệt dược tìm theo danh mục, dạng thuốc, cơ chế tác dụng, dược động học, chỉ định, chống chỉ định, liều lượng, tác dụng phụ

Isoprenalin (isoproterenol) - Thuốc giãn phế quản, cường beta 2 adrenergic

Isoprenalin tác dụng trực tiếp lên thụ thể beta - adrenergic. Isoprenalin làm giãn phế quản, cơ trơn dạ dày ruột và tử cung bằng cách kích thích thụ thể beta - 2 - adrenergic.

Tên quốc tế: Isoprenaline.

Loại Thuốc: Thuốc chủ vận adrenergic không chọn lọc, giãn phế quản, cường giao cảm.

Dạng Thuốc và hàm lượng

Isoprenalin hydroclorid

ống tiêm 2 mg/2 ml; 0,2 mg/1 ml; 1 mg/5 ml; 2 mg/10 ml.

Viên nén đặt dưới lưỡi 10 mg; 15 mg. Viên nén uống 30 mg.

Bình xịt khí dung 30 mg/15 ml; 45 mg/22,5 ml; 37,5 mg/15 ml.

Bình phun mù 1,24 mg/4 ml; 2,48 mg/4 ml; 1,25 mg/0,5 ml; 75 mg/30 ml; 2,5 mg/0,5 ml; 50 mg/10 ml; 300 mg/60 ml; 100 mg/10 ml.

Isoprenalin sulfat

Bình xịt khí dung 30 mg/15 ml; 45 mg/22,5 ml; 32,5 mg/15 ml.

Tác dụng

Isoprenalin tác dụng trực tiếp lên thụ thể beta - adrenergic. Isoprenalin làm giãn phế quản, cơ trơn dạ dày ruột và tử cung bằng cách kích thích thụ thể beta - 2 - adrenergic. Thuốc cũng làm giãn mạch ở tất cả các mạch máu. Ngoài ra, khi dùng đường tiêm hoặc hít, isoprenalin ức chế giải phóng histamin do kháng nguyên gây ra, ức chế chất phản ứng chậm của phản vệ SRS - A, giảm nhẹ co thắt phế quản, làm tăng dung tích sống của phổi, làm giảm thể tích cặn trong phổi và làm các dịch tiết ở phổi dễ dàng thoát ra ngoài. Isoprenalin tác động lên các thụ thể beta - 1 - adrenergic ở tim, làm tăng tần số thông qua nút xoang nhĩ, tăng co bóp cơ tim.

Chỉ định

Dạng hít được chỉ định để giảm co thắt phế quản trong hen phế quản cấp và giảm co thắt phế quản còn hồi phục trong đợt cấp hoặc viêm phế quản mạn nặng lên.

Dạng viên nén dùng cho bệnh phân ly nhĩ thất mạn tính như là Thuốc điều trị hàng thứ 2, tạm thời khi không có máy tạo nhịp.

Dạng ống tiêm dùng trong trạng thái sốc do tim hoặc nội độc tố, trong các cơn Stockes - Adams cấp tính và các trường hợp cấp cứu tim khác, trong nhịp tim chậm nặng do các Thuốc đối kháng adrenergic và disopyramid, và trong đánh giá khuyết tật tim bẩm sinh.

Chống chỉ định

Dị ứng với sulfit hoặc isoprenalin hoặc các amin tác dụng giống thần kinh giao cảm khác.

Bệnh tim nặng.

Tiền sử bị loạn nhịp thất.

Cường giáp không kiểm soát; hội chứng cường giáp.

Bệnh mạch vành cấp; tăng huyết áp nặng.

Người bệnh dễ bị rung thất hoặc nhịp nhanh thất.

Thận trọng

Người cao tuổi, đái tháo đường, bệnh thận, bệnh tim mạch, cường giáp.

Sử dụng Thuốc quá nhiều và kéo dài sẽ giảm tác dụng.

Isoprenalin chỉ được dùng trong phản vệ ở người bệnh được điều trị với Thuốc chẹn beta. Ngoài trường hợp đó ra, bao giờ cũng phải dùng adrenalin để điều trị phản vệ.

Thời kỳ mang thai

Thuốc đã được dùng nhiều năm cho phụ nữ mang thai mà không gây hậu quả xấu rõ rệt. Vì vậy, nếu cần thiết, có thể dùng Thuốc cho phụ nữ mang thai khi không có Thuốc thay thế an toàn hơn.

Thời kỳ cho con bú

Chưa có thông tin về sự bài tiết ra sữa. Khi dùng cho phụ nữ cho con bú cần thận trọng.

Tác dụng phụ

Bồn chồn, lo lắng, đau đầu, chóng mặt, yếu cơ.

Buồn nôn, nôn.

Nhịp nhanh, đánh trống ngực, đau vùng trước tim, đau kiểu đau thắt ngực.

Da bừng đỏ, run, ra mồ hôi.

Liều lượng và cách dùng

Giảm co thắt phế quản trong hen cấp

Trẻ em

Khí dung qua miệng: 1 - 2 liều xịt, cho tới 6 lần/ngày.

Phun sương: 0,01 ml/kg dung dịch 1%, liều tối thiểu 0,1 ml; liều tối đa 0,5 ml pha vào 2 - 3ml dung dịch natri clorid đẳng trương; liều tương đương khi dùng dung dịch 0,25% và 0,5% có thể không pha loãng.

Bình xịt isoprenalin sulfat 0,4% chỉ được dùng cho trẻ em đáp ứng với Thuốc giãn phế quản dưới sự giám sát của người lớn.

Người lớn

Khí dung qua miệng: 1 - 2 liều xịt, 4 - 6 lần/ngày.

Phun sương: 0,25 - 0,5 ml dung dịch 1% pha vào 2 - 3ml dung dịch natri clorid đẳng trương; liều tương đương khi dùng dung dịch 0,25% và 0,5%, có thể không pha loãng.

Khi dùng bình khí dung có định liều, phải chờ đủ 1 phút để xác định tác dụng của Thuốc trước khi xem xét cho hít lần thứ 2.

Nếu 3 đến 5 lần xịt trong vòng 6 - 12 giờ mà không đỡ hoặc đỡ rất ít thì không nên tiếp tục điều trị khí dung đơn độc.

Ðiều trị hen mạn tính ở người lớn và trẻ em (xem Salbutamol và Budesonid).

Ðiều trị phân ly nhĩ thất mạn tính, dùng Thuốc hàng thứ hai isoprenalin, phương pháp tạm thời trong điều kiện không có tạo nhịp:

Người lớn và cao tuổi

Liều lượng phải phù hợp cho từng người bệnh. Bắt đầu điều trị, tốt nhất nên thực hiện ở bệnh viện với các phương tiện sẵn sàng để giám sát điện tâm đồ và hồi sức tim mạch.

Liều khởi đầu là 1 viên nén (30 mg) cách 6 giờ một lần và có thể tăng nhanh nếu cần. Liều hàng ngày trong khoảng từ 90 mg ở một số người bệnh đến 840 mg ở một số người bệnh khác với khoảng cách cho Thuốc khác nhau từ 8 giờ tới 2 giờ. Liều tối ưu là liều kiểm soát tốt tần số tim và có tác dụng phụ tối thiểu.

Phải nuốt cả viên, không dùng loại viên này để đặt dưới lưỡi.

Trẻ em: Chống chỉ định.

Thuốc tiêm thường được truyền tĩnh mạch với dextrose 5% hoặc nước cất pha tiêm và được dùng trong các trường hợp sau:

Người lớn và cao tuổi

Tình trạng sốc: Truyền 0,5 - 10 microgam/phút.

Cơn Stokes - Adams cấp tính: Truyền 4 - 8 microgam/phút.

Nhịp tim chậm nặng: Truyền 1 - 4 microgam/phút.

Ðánh giá khuyết tật tim bẩm sinh: Truyền 1,5 - 4 microgam trong 1 phút.

Trẻ em: Ðiều chỉnh liều trên theo trọng lượng cơ thể.

Tương tác

Dùng đồng thời với adrenalin, aminophylin và phần lớn các Thuốc giãn phế quản giống thần kinh giao cảm khác có thể làm tăng tác dụng và tăng độc với tim.

Dùng isoprenalin cho người bệnh đang dùng cyclopropan hoặc Thuốc mê họ halogen có thể gây loạn nhịp. Dùng Thuốc phải thận trọng hoặc không dùng khi người bệnh đang dùng các Thuốc mê này.

Tác dụng isoprenalin lên tim, tác dụng giãn phế quản và giãn mạch sẽ bị đối kháng bởi Thuốc chẹn beta - adrenergic như propranolol. Có thể dùng propranolol để điều trị nhịp tim nhanh do isoprenalin nhưng không nên dùng cho người bị hen vì có thể làm tăng co thắt phế quản.

Khi dùng đồng thời với các glycozid tim,Thuốc chống trầm cảm, dẫn chất xanthin, các Thuốc mê, thyroxin, có thể làm cơ tim thêm nhạy cảm.

Bảo quản

Bảo quản dưới 30oC, tránh ánh sáng và nóng.

Tương kỵ

Với dung dịch kiềm, khi trộn với aminophylin, furosemid.

Quá liều và xử trí

Triệu chứng: Run, buồn nôn, nôn, hạ huyết áp, tăng tần số tim, kích thích hệ thần kinh trung ương.

Ðiều trị: Ngừng ngay Thuốc, hỗ trợ các chức năng sống cho đến khi người bệnh ổn định. Thuốc chẹn beta - adrenergic có thể làm giảm tác dụng độc và phải theo dõi sát tần số tim. Thẩm phân máu không có tác dụng trong trường hợp này.

Qui chế

Thuốc độc bảng B.


Nguồn: Internet.
Mạng Y Tế
Nguồn: Điều trị (https://www.dieutri.vn/i/isoprenalin-isoproterenol/)

Tin cùng nội dung

  • Viêm phế quản là bệnh thường gặp trong mùa đông và thời tiết thay đổi. Khi phế quản bị viêm, niêm mạc của các phế quản bị kích thích sẽ phồng và dầy lên và làm hẹp hoặc tắc nghẽn các tiểu phế quản, gây ra ho và có thể kèm theo đờm đặc. Bạn đọc có thể tham khảo một số bài Thuốc, món ăn, trà Thuốc dùng khi mắc bệnh viêm phế quản như sau:
  • Hen phế quản (bệnh hen hay hen suyễn) là tình trạng đường dẫn khí bị hẹp và phù nề cũng như tăng tiết đàm nhầy. Điều này làm việc thở khó khăn và dễ gây ho, khò khè và thở hụt hơi.
  • Viêm phế quản mạn tính, (viêm phế quản mạn), là tình trạng viêm, (hoặc dễ bị kích thích), của đường thở trong phổi.
  • Viêm phế quản cấp là tình trạng nhiễm trùng cây phế quản, hệ thống ống mang khí đến hai lá phổi.
  • Nội soi phế quản (Bronchoscopy) là một thủ thuật giúp chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý đường hô hấp bao gồm phế quản và phổi.
  • Viêm thanh khí phế quản là một tình trạng nhiễm trùng làm phần bên trong cổ họng trẻ sưng phồng, gây khó thở cho trẻ. Cần đưa trẻ đi bác sĩ nếu có triệu chứng viêm thanh khí phế quản.
  • Viêm thanh khí phế quản là một bệnh thông thường gây ảnh hưởng đến đường dẫn khí làm cho trẻ khó thở. Thường biến ở trẻ biết đi và tuổi từ 6 đến 12 tháng tuổi
  • Viêm thanh khí phế quản là một tình trạng nhiễm trùng làm phần bên trong cổ họng trẻ sưng phồng, gây khó thở cho trẻ. Cần đưa trẻ đến bệnh viện khi có triệu chứng viêm thanh khí phế quản.
  • Viêm tiểu phế quản là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp phổ biến ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ. Viêm tiểu phế quản gây tắc nghẽn các đường dẫn khí nhỏ ở phổi
  • Viêm tiểu phế quản là bệnh về đường hô hấp rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Một trong các triệu chứng của bệnh viêm tiểu phế quản là tình trạng khó thở.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY