Tâm sự hôm nay

Khói buồn nghi ngút làng than

Thời gian qua, người dân ở thôn 6, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk) vẫn đốt than bán. Tình trạng này kéo dài từ lâu.

Thời gian qua, người dân ở thôn 6, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk) vẫn đốt than bán. Tình trạng này diễn ra không phải một vài ngày mà kéo dài từ lâu. Thời gian gần đây nhu cầu dùng than nhiều hơn nên tình trạng trên lại càng rầm rộ hơn. Trong khi đó, chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

Đời than bên rừng

Chỉ cần đi gần tới thôn này, cái mùi nồng nồng khét khét khó chịu bủa vây lấy bầu không khí nơi đây. Mang tiếng ở cạnh rừng, nhưng không lúc nào người dân thôn 6 có được phút trong lành để hít thở, bởi quanh làng, đi đến đâu cũng thấy những lò than đang rực lửa. Chúng tôi đi vào làng, mọi người dân nhìn với ánh mắt dò xét. Khuôn mặt ai cũng lấm lem bùn đất, than và mồ hôi nhễ nhại. Quanh những ngôi nhà nghèo khó là những hầm than. Mỗi hầm than có chiều sâu khoảng 1,2m; rộng và dài 2m; chứa được khoảng 2m3 gỗ. Trong đó, có hầm than đã chín đang được người dân thu gom và vận chuyển đi tiêu thụ. Có hầm vẫn đang cháy âm ỉ, bên cạnh còn có nhiều khúc gỗ to cưa từng khúc ngắn chừng 1m được tập kết ngay cửa lò chờ đốt. Anh Hùng - một người làm than cắc củm cho biết rằng, tình trạng phá rừng đốt than diễn ra âm ỉ từ vài năm nay. Sau một thời gian tạm lắng, đến nay tình trạng người dân vào rừng cưa gỗ đốt lấy than lại rộ lên. Mỗi ngày có cả 15-20 người vào rừng chặt gỗ hầm than. Anh Hùng chia sẻ thêm: “Hiện nay, than hoa đang có giá nên nhiều người đổ xô vào rừng tìm kiếm gỗ khai thác thân, gốc và rễ cây đem về làm. Người dân chúng tôi vẫn biết việc chặt phá rừng như hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường mà còn ảnh hưởng đến nguồn cung ứng nước tưới tiêu cho ruộng đồng của bà con phía dưới, nhưng...” anh bỏ lửng câu nói, quệt nhẹ những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt. Trung bình mỗi hầm than làm 3 - 4 ngày thu được vài chục bao, trừ tất cả chi phí mua củi gỗ, thuê người, mua rơm... thu được 300.000 ngàn. Thu nhập thấp như thế, nhưng không còn cách nào khác.

Muốn đốt than thì phải có củi, nên bên cạnh làng than này là làng Củi. Ai cũng biết thế khi rừng quốc gia ngày ngày bị bóc từng chút một. Nhưng làm sao số củi, gỗ này lọt qua hàng rào các kiểm lâm viên để đến điểm tập kết cho làng than được? Nhiều người thì chỉ lắc đầu bởi cái sự thật hiển nhiên đến đau lòng ấy. Lấy gỗ, củi đốt than thì bị bắt. Nhưng đã thành than rồi thì chẳng ai bắt. Nên họ đốt than rồi vận chuyển đi khắp nơi tiêu thụ một cách dễ dàng. Ngày ngày vài chục chiếc xe máy cày từ làng Củi đi vào rừng. Chẳng biết họ “làm phép” cho những chuyến xe chở đầy ắp cây rừng của họ đều về đích trót lọt. Rừng thì ngày một nghèo kiệt đi, đời người ở làng than cũng vẫn không khá lên nổi. Nghe chua chát quá!

Đứng từ xa, những làn khói như đám mây bay nghi ngút cả một thôn dài, cộng với mùi hắc khó chịu phả vào mũi làm tôi ho sặc sụa. Ngoài những bãi đốt than trong từng hộ gia đình thì ngoài khoảng đất trống giữa làng có một khu đốt tập trung, không khí làm việc ở đây nhộn nhịp hơn có cả thanh niên, người già lẫn con nít. Hầu như nhà nào cũng chứa những bãi gỗ bằng lăng, ngành ngạnh, cà chít… ngay trong vườn nhà để có thể dùng khi cần đến. Số gỗ này mua lại từ những người dân khai thác ở làng Củi bên cạnh. Đấy là một trong những lý do vì sao diện tích rừng khộp Buôn Đôn ngày càng bị thu hẹp. Có dạo, hoạt động khai thác gỗ đốt than diễn ra mạnh quá, chính quyền địa phương phải huy động các cơ quan liên ngành đến kiểm tra, phá hủy những hầm than, thu giữ số gỗ còn lại. Nhưng chỉ vài ngày sau, người dân lại tiếp tục làm than. Những năm gần đây, thôn 6 này thường xuyên được nhắc đến như một điểm phá rừng cần sớm được dẹp bỏ của huyện Buôn Đôn. Nhưng làng có 200 hộ, hơn 1.200 con người này đều không có công ăn việc làm ổn định ngoại trừ cái nghề này và có quá nhiều số phận đang cần một cái nhìn sẻ chia, nâng đỡ.

Tiếng vọng buồn...

Quán nước gần như là duy nhất trong làng, cũng là quán bán chuối chiên, cái nghề khác lạ duy nhất ở làng này của gia đình ông Bảy Nhơn. Thế nhưng thu nhập cũng chẳng thấm vào đâu bởi người làng ai cũng nghèo. Có đốt than mới có tiền sinh sống. Vợ ông Bảy Nhơn tưởng chúng tôi là người của chính quyền đi dò xét việc phá rừng lấy củi đốt than của làng nên níu tay áo: “Mỗi lò mất khoảng 3 triệu đồng mua củi. Phá xèo một cái là thôi rồi. Mỗi năm phá dăm ba bận thì chúng tôi giàu khá chi nổi. Có nhà lâm vào đường cùng, phải dắt díu nhau đi nơi khác làm thuê làm mướn! Cả làng có hơn 200 hộ, thì cũng chừng ấy hộ làm than. Mấy chú thương tình, cơm áo bà con trông chờ hết vô đó!”. Tôi lặng người trước câu nói đầy thương cảm của bà lão nghèo. Gia đình có 7 thành viên. Hai vợ chồng già chắt chiu bao nhiêu năm lo cho mấy đứa con đủ mặc đủ ăn đã là may lắm rồi, chuyện học chữ thì quá xa xỉ. Chẳng thế mà hai năm trước, đứa con đầu của vợ chồng ông Bảy Nhơn khổ cực quá lên thành phố xin đi làm. Nhưng người nhỏ bé đen đủi, lại không biết chữ nên chẳng ai nhận. Một tuần sau lại thất thểu về nhà, rồi dỡ trái bếp ra làm cái quán dột nát này cho người mẹ già bán bánh chuối cầm cự qua ngày. Còn mấy cha con lại tẩm ngẩm tầm ngầm vùi mặt vào củi, vào than mà sống.

Vợ ông Bảy Nhơn thủ thỉ buồn, bảo nhà bà như thế là còn phúc đức lắm. Nhiều nhà khác vợ chồng con cái cắm đầu vào làm than mà không khá lên nổi. Như gia đình chị Tình vậy. Nói là gia đình, nhưng chồng chị mấy năm nay phải nằm một chỗ vì đi rừng đốn gỗ bị cây đổ đè mang thương tật. Chồng không làm thì vợ làm. Chị cùng mấy đứa con ngày nào cũng cắm mặt vào đống than. Những lần bị phá lò, tủi cực quá chị Tình cũng muốn bỏ quách cái nghề cơ cực lại phạm pháp này. Nhưng cả nhà mấy miệng ăn mà chỉ có mỗi mảnh đất bé tẹo đủ che căn nhà nhỏ, ngay cả miếng đất để đốt than chị cũng phải thuê với giá 50 ngàn đồng lấy chỗ thì tiền đâu làm nghề khác. Nhiều lúc chị muốn bán quách cái nhà đang ở để đi nơi khác làm ăn nhưng khốn nỗi giấy tờ lại đem cầm cố hết để lấy tiền đốt than. Đến giờ tiền cũng không mà giấy tờ cũng chẳng có. Họa vô đơn chí, thôi thì đành nhắm mắt vào than kiếm đồng tiền mua gạo sống qua ngày. Còn tương lai, còn những đứa trẻ. Chị cũng chẳng biết sẽ đến đâu nữa!

Nghèo khó là một chuyện, con cái thất học là chuyện lớn, nhưng còn một chuyện ngay trước mắt mọi người, ấy là chuyện sức khỏe. Người dân ở đây hằng ngày phải tiếp xúc và hứng chịu những tác hại từ khói than, ai cũng biết khói than rất độc hại và là một trong những nguyên nhân chính gây nên các bệnh liên quan đến đường hô hấp, nhưng họ sẵn sàng bất chấp tất cả vì miếng cơm manh áo hằng ngày của mình. Như gia đình ông Hai Qua, có tới 9 đứa con thì cả 9 đều thất học, lại bệnh tật liên miên vì ngày ngày hít phải khói và bụi than. Ông Hai Qua buồn buồn bảo: “Ở cái thôn nghèo rách cả lá mông tơi này ai cũng như ai. Chỉ có gia đình ông Bảy Nhơn là đỡ hơn chút xíu. Còn lại nhà nào cũng cày cục mới có đủ hai bữa cơm. Chỉ cần ngơi tay một ngày là ăn cháo, phá lò một lần thì độn sắn độn khoai qua bữa. Con tui 9 đứa có đứa nào được đi học đâu! Tiền cho thuê đất, tiền đốt than mỗi tháng mua Thu*c men cho sắp nhỏ cũng vừa hết!”.

Cũng như những người sống bằng nghề đốt than ở đây, ông Bảy Nhơn, ông Hai Qua, chị Tình đều ý thức được một khi rừng không còn nhiều thì cái nghề đốt than sẽ hết đất sống. Phá rừng thì bị cấm là đúng lắm. Ai sống trong cái làng này cũng mong dẹp quách nghề đốt than để trẻ con người già bớt bệnh tật. Nhưng bỏ cái nghề này thì lấy gì mà sống. Thành thử mỗi lần bị phá lò, họ lại đôn đáo vay mượn tiền để dựng lại lò. Cả làng chỉ có cậu con út của ông Bảy Nhơn là hiếu học, có giấy chứng nhận con nhà nghèo nên được miễn học phí, nhưng ngày ngày cậu bé phải dậy từ 5 giờ sáng để giúp gia đình rồi mới dám đến lớp. Nhiều lúc ông Bảy Nhơn vẫn cao hứng mơ tưởng tới cái ngày con mình được vào đại học, nhưng chỉ cần một lần bị phá lò, cậu bé lại phải ở nhà để đi làm cùng gia đình trả nợ. Hết nợ mới dám đi học tiếp, nên mấy năm vẫn ì ạch ở cấp tiểu học. Thế cũng đã là “người có chữ” của làng rồi. Còn lũ trẻ khác, chỉ dám nhìn thèm thuồng, ao ước.

Muốn dứt nạn đốt than, phá rừng cho hơn 200 hộ dân này thì phải kiếm được việc khác cho họ. Nhưng thôn này chỉ có 20 hécta vừa đất ở vừa đất sản xuất, người dân thì không một cắc bạc làm vốn, biết làm gì sinh nhai. Chính quyền xã cũng đã nhiều lần kiến nghị lên trên, rồi trên nữa nhưng vẫn phải đợi. Mà đợi đến bao giờ thì không ai biết. Chấm dứt nạn phá rừng lấy gỗ đốt than là đúng. Nhưng phận đời của những con người lầm lũi với than sẽ ra sao? Liệu sắp tới đây, hơn 200 hộ dân làng than này có tìm cho mình được một cơ hội mưu sinh mới, với tương lai sáng lạn hơn không, hay lại tiếp tục với công việc ấy.

Bài và ảnh: Djuang Yên

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-khoi-buon-nghi-ngut-lang-than-5656.html)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY