Nhìn lại năm 2020 có thể thấy sự khốc liệt, cực đoan, bất thường của thời tiết ngày càng không theo quy luật. từ chiều cuối năm sang mùng 1 tết âm lịch 2020, thời tiết miền bắc khá dị thường khi xuất hiện mưa giông, nhiều nơi còn kèm theo cả thời tiết cực đoan là mưa đá.
Hiện tượng này được đánh giá là chưa từng xảy ra trong ít nhất 10 năm trở lại đây. Mưa đá xuất hiện ở một loạt các tỉnh thành như Lạng Sơn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Cao Bằng... và thậm chí cả Thủ đô Hà Nội. Riêng ở Lạng Sơn, mưa đá còn xuất hiện tới 2 lần vào chiều 30 Tết và sáng mùng 1 Tết.
Đêm 30 và rạng sáng ngày mùng 1 Tết Canh Tý, ở nhiều tỉnh thành phía Bắc đã xảy ra giông lốc, mưa đá gây thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu.Theo báo cáo của văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 17h ngày mùng 1 Tết, tại Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng và Thành phố Hà Nội, mưa đá kèm giông lốc đã làm 11.748 nhà bị hư hại, tốc mái. Trong đó, riêng Cao Bằng có tới 6.463 nhà bị thiệt hại từ 30 - 50%, Bắc Kạn có 3.284 nhà, Lạng Sơn khoảng 2.000 nhà (sơ bộ ban đầu).
Chưa dừng lại ở đó, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay tại khu vực ĐBSCL được đánh giá là nghiêm trọng nhất lịch sử, 10/13 tỉnh nằm trong khu vực bị ảnh hưởng, trong đó Cà Mau là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất.
Hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là nghiêm trọng nhất lịch sử.Từ đầu mùa lũ năm 2020, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Công thiếu hụt từ 30-40% so với trung bình nhiều năm, dòng chảy sông Mê Công ở mức rất thấp. Hạn hán, xâm nhập mặn đã làm cho khoảng 96.000 hộ, tương đương khoảng 430.000 nhân khẩu đang sinh sống tập trung tại 7 tỉnh ven biển: Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An và Trà Vinh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Đặc biệt từ cuối tháng 9 và tháng 10/2020, các tỉnh miền Trung (từ Nghệ An đến Bình Định) đã phải chịu ảnh hưởng lớn của 8 loại hình thiên tai gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, nước dâng do bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.
Đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt (bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ, vượt lịch sử) đã, đang tác động ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội ở tất cả các khu vực từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi.
Trong đó cơn bão số 9 đi vào biển Đông sáng 26/10, tiến vào đất liền trưa ngày 28/10 là cơn bão lớn nhất trong 20 năm qua và đổ bộ ngay sau khi khu vực miền Trung vừa bị tổn thương rất nặng nề do mưa bão và lũ lụt trước đó.
Các đợt bão chồng bão và mưa, lũ lớn liên tục gây thiệt hại lớn về người và tài sản tại các tỉnh miền Trung.Mưa lớn kéo dài tại khu vực miền Trung nhất là tại 7 tỉnh ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi. Sau đó, lũ lớn xảy ra trên toàn tuyến 16 sông chính, trong đó có 6 tuyến sông lũ đã vượt mức nước lũ lịch sử, khu vực miền núi nhiều nơi đã bị sạt lở đất nghiêm trọng. Thống kê từ đầu năm đến nay thiên tai đã làm 357 người ch*t và mất tích (291 người ch*t, 66 người mất tích), 912 người khác bị thương, ước thiệt hại về kinh tế 39.945 tỷ đồng.
Các đợt bão chồng bão và mưa, lũ lớn liên tục gây ra nhiều vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng, nhất là tại Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên - Huế); Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Hướng Hóa (Quảng Trị); Trà Leng, Trà Vân (huyện Nam Trà My) và Phước Lộc (huyện Phước Sơn) của tỉnh Quảng Nam. Các vụ sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân và hàng chục cán bộ, chiến sỹ.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, ông Trần Quang Hoài - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT đánh giá, các thiên tai lớn như siêu bão, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán… có nguy cơ cao tác động đến nước ta, đe dọa sự an toàn và phát triển bền vững của đất nước. Đó là thách thức rất lớn đối với toàn xã hội nói chung và công tác PCTT nói riêng, đòi hỏi công tác PCTT phải ngày càng chủ động, quyết liệt và hiệu quả hơn.
Theo ông Hoài, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là cần rà soát, đánh giá tình hình thiên tai, các tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, năng lực dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó, cơ chế chính sách từ Trung ương đến các địa phương,... một cách bài bản, toàn diện. Đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới để hoạch định chiến lược, tổ chức bộ máy, nguồn lực và các bước đi phù hợp.
Nâng cao năng lực cơ quan PCTT, trong đó tập trung xây dựng trung tâm điều hành, trang thiết bị chuyên dùng phù hợp, bổ sung, tăng cường lực lượng chuyên nghiệp, nhiệt huyết, giỏi nghiệp vụ, không sợ khó khăn nguy hiểm.
Bảo đảm khả năng chống chịu của công trình PCTT, góp phần quan trọng bảo vệ an toàn khi có tình huống thiên tai xảy ra như hệ thống đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền... Nhất là các công trình xung yếu đã bị hư hại trong đợt thiên tai vừa qua bằng các nguồn dự phòng ngân sách, đầu tư công trung hạn và các nguồn ODA.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong theo dõi, giám sát, dự báo, phân tích, đánh giá tác động, xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ sạt lở, ngập lụt. Hỗ trợ xây dựng các kịch bản, phương án chỉ đạo điều hành ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cũng như xây dựng các công trình phòng chống thiên tai... Đẩy nhanh công tác di dân vùng có nguy cơ mất an toàn cao đến nơi an toàn, tiếp tục chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vùng thiên tai có nơi ở an toàn.
Tập trung nâng cao năng lực cộng đồng, truyền thông, chú trọng thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong đó phát triển lực lượng xung kích cơ sở và phát hiện và ứng phó kịp thời trước khi có lực lượng đến chi viện.
Điều chỉnh cơ chế chính sách nhằm đẩy nhanh, kịp thời các hoạt động PCTT cũng như huy động các nguồn lực xã hội trong xây dựng, cung cấp dịch vụ, phục hồi tái thiết sau thiên tai. Tăng cường giám sát an toàn thiên tai, đánh giá thực thi nhiệm vụ PCTT tại các địa phương thông qua bộ chỉ số.
Về lâu dài cần quản lý và bảo vệ thật tốt rừng tự nhiên; tiếp tục trồng và tái sinh rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển. Rà soát tất cả các quy hoạch chiếm dụng đến đất rừng, hạn chế tối đa việc tác động thay đổi trạng thái cân bằng tự nhiên của đồi, núi, sông, suối.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch PCTT và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1869/QĐ-TT. Một trong những mục tiêu chính của việc lập quy hoạch là nâng cao năng lực PCTT, ứng phó với trường hợp bất lợi nhất, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.