Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Không khí thải ra bên ngoài từ phòng áp lực âm có chứa virus Corona không?

Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, phòng áp lực âm là một phương pháp cách ly để sử dụng trong bệnh viện nhằm tránh lây nhiễm chéo

+ Có ý kiến cho rằng sử dụng phòng áp lực âm khi điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 là có hại, nếu không cẩn trọng có thể phát tán virus ra môi trường xung quanh. Quan điểm của ông về ý kiến này?

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung: Tôi cho rằng ý kiến này là sai. Phòng áp lực âm theo tiêu chuẩn là phòng dành cho việc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, có biểu hiện suy hô hấp.

Trong quá trình sử dụng phải đảm bảo phòng áp lực âm hoạt động theo đúng thông số kỹ thuật. Khi hoạt động, phòng áp lực âm sẽ hút không khí bên trong có virus, tiến hành lọc và thải ra bên ngoài là không khí sạch, không còn virus gây bệnh. Vì thế, phòng áp lực âm không làm hại đến những người xung quanh.

Phòng cách ly áp lực âm tại Bệnh viện dã chiến (Củ Chi). Ảnh: Sở Y tế TP.HCM

Tuy nhiên, việc vận hành phòng áp lực âm không khả thi bởi việc cho hoạt động phòng này vô cùng tốn kém (điện, bộ lọc HEPA đắt tiền,…).

1 phòng áp lực âm chỉ dành cho 1 bệnh nhân, được trang bị đầy đủ các trang thiết bị. Do đó, khi lượng bệnh nhân tăng lên thì phòng áp lực âm không thể đáp ứng đủ nhu cầu của người bệnh.

Vì vậy, để chủ động đáp ứng nhu cầu cách ly bệnh nhân nhanh chóng, kịp thời, các cơ sở y tế cần chủ động bố trí phòng cách ly bệnh nhân thông thoáng, mở cửa sổ, tạo điều kiện cho không khí lưu thông theo đúng hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh của Bộ Y tế và đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn tốt.

+ Bên trong phòng áp lực âm có nguy cơ nhiễm khuẩn không thưa ông?

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung: Trong quá trình cách ly, điều trị cho bệnh nhân, cán bộ y tế vận hành phòng áp lực âm đúng quy trình sẽ không có nguy cơ nhiễm khuẩn. Nếu vận hành phòng áp lực âm không đúng quy trình thì sẽ tồn tại nguy cơ nhiễm khuẩn.

Khu vực cách ly đặc biệt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Thúy

+ Trong thời điểm hiện nay, phòng áp lực âm có ý nghĩa như thế nào đối với bệnh viện khi điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 thưa ông?

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung: Hiện, Bệnh viện Phổi Trung ương không dự trù phòng áp lực âm, các phòng được bố trí dành cho người bệnh mắc COVID-19 để cách ly đều là những phòng bình thường, thoáng khí, được thông gió tốt.

+ Nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp thì Việt Nam có trang bị đủ phòng áp lực âm để điều trị cho bệnh nhân không thưa ông?

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung: Việt Nam không thể trang bị đủ phòng áp lực âm trong điều trị COVID-19 bởi không có đủ kinh phí để vận hành. Nếu có chủ trương đầu tư thì kinh phí cũng không đủ nên việc trang bị phòng áp lực âm là không khả thi.

Hơn nữa, các chuyên gia cũng khuyến cáo không bắt buộc phải sử dụng phòng áp lực âm khi điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, mà phải đảm bảo thông gió, thông khí.

Ngoài ra, phòng áp lực âm chạy đúng theo các tiêu chí, thông số kỹ thuật không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Bởi cơ chế lây nhiễm của COVID-19 là qua đường giọt bắn và tiếp xúc với các bề mặt (mặt bàn, mặt ghế, tay nắm cửa, chạm tay lên mắt, mũi, miệng,…).

Theo Bộ Y tế, phòng áp lực âm là một phương pháp cách ly được sử dụng trong các bệnh viện để ngăn chặn sự lây nhiễm chéo, không phải dùng để điều trị bệnh.

Phòng áp lực âm có cấu tạo gồm 2 phòng là phòng đệm và phòng điều trị. Không khí từ bên ngoài sẽ đi qua phòng đệm vào phòng điều trị.

Trong phòng điều trị có hệ thống đẩy không khí qua bộ lọc không khí hiệu suất cao (HEPA), sau đó bơm ra ngoài. Không khí bơm ra ngoài không chứa virus vì virus đã được giữ lại tại bộ lọc. Vì vậy, phòng áp lực âm chỉ làm giảm lượng virus có trong không khí mà không có khả năng diệt virus.

Ngoài ra, khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện sẽ phát tán các giọt bắn có chứa virus và vẫn còn một lượng virus này bám trên các bề mặt trong phòng mà không bị hút theo luồng không khí.

Do vậy, phòng áp lực âm vẫn có nguy cơ lây nhiễm virus cho nhân viên y tế, người chăm sóc bệnh nhân nếu không thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ.

Virus SARS-CoV-2. Ảnh: Getty Image

Hiện nay, chi phí xây dựng một phòng áp lực âm rất lớn, việc xây dựng phức tạp, tốn nhiều thời gian, quy trình vận hành để đảm bảo không xảy ra hiện tượng đảo ngược chiều luồng không khí và xử lý bộ lọc an toàn thì tốn kém và đòi hỏi kỹ thuật cao. Mỗi phòng áp lực âm hiện chỉ có thể sử dụng cho một bệnh nhân.

Vì vậy, trong giai đoạn dịch COVID diễn biến phức tạp hiện nay, việc thiết kế, xây dựng, lắp đặt và đạo tạo để vận hành phòng áp lực âm sẽ không đáp ứng kịp thời yêu cầu chống dịch COVID-19.

Các bệnh viện chưa có phòng áp lực âm nên tập trung thực hiện các biện pháp cách ly bệnh nhân nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả như bố trí phòng cách ly bệnh nhân thông thoáng, sử dụng thông khí hỗn hợp hoặc thông khí tự nhiên… theo đúng hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh của Bộ Y tế và đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn tốt.

Mạng Y Tế
Nguồn: VietTimes (https://viettimes.vn/khong-khi-thai-ra-ben-ngoai-tu-phong-ap-luc-am-co-chua-virus-corona-khong-384924.html)

Tin cùng nội dung

  • Thống kê cho thấy, tỷ lệ Tu vong do viêm phổi ở NCT nước ta nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể lên tới 25%.
  • Mùa lạnh, cần đặc biệt chú ý đến bệnh viêm phổi ở người cao tuổi (NCT). Bệnh thường có xu hướng nặng hơn ở người trên 65 tuổi bởi sức chống đỡ của cơ thể đã kém, phổi lão hóa rõ rệt.
  • Bất cứ mùa nào trong năm, người cao tuổi (NCT) vẫn có thể bị viêm phổi, nhất là khi bị lạnh đột ngột. Bệnh viêm phổi ở NCT có thể phòng ngừa được nếu có sự quan tâm thích đáng của bản thân và gia đình họ.
  • Viêm phổi do rối loạn nuốt rất thường gặp ở người cao tuổi, người đang được theo dõi chăm sóc tại nhà, ở các khu dưỡng lão và thậm chí ngay cả trong bệnh viện.
  • Triệu chứng khó thở và ho liên tục có thể khiến bạn lo lắng đến các bệnh ở họng hoặc tim. Nhưng bạn có biết rằng, đó cũng có thể là 2 dấu hiệu cho thấy bạn có thể bị viêm phổi .
  • Chị họ tôi bị viêm phổi, đang điều trị tại bệnh viện tỉnh. Tôi và mấy người nhà cùng vào viện thay nhau chăm sóc chị tôi.
  • Áp lực phải thi đỗ đại học kiến nhiều học sinh lo lắng phải mất ăn mất ngủ... Và khi bị căng thẳng thì có bao câu chuyện đau lòng xảy ra.
  • Viêm phổi thường gây ra bởi vi khuẩn hoặc virus. Cũng có thể do nấm hoặc những hóa chất hít vào phổi.
  • Không khí bị ô nhiễm là không khí bị giảm chất lượng do nhiều nguyên nhân khác nhau như các loại khí, những giọt chất lỏng hay những phần tử nhỏ lơ lửng trong không khí.
  • Viêm phổi là hiện tượng nhiễm khuẩn cấp tính ở phổi, do nhiều nguyên nhân gây nên. Ở nước ta, viêm phổi chiếm khoảng 12% các bệnh về phổi.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY