Bệnh truyền nhiễm hôm nay

Kỳ thị càng làm cho HIV/AIDS khó kiểm soát

Năm nay, “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS” diễn ra từ ngày 10/11-10/12 với chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”.

Theo TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến nhiễm HIV/AIDS là một trong những rào cản quan trọng khiến những người có hành vi nguy cơ cao và những người nhiễm không dám tiếp cận đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có các dịch vụ dự phòng, can thiệp giảm hại, xét nghiệm và điều trị.

Bệnh nhân HIV rất cần cái nhìn cảm thông, chia sẻ của cộng đồng. Ảnh: TL

Từ ngấm ngầm đến công khai thô bạo

Theo TS Nguyễn Hoàng Long, trong nhiều năm qua, các hoạt động truyền thông – thay đổi hành vi liên quan đến HIV/AIDS được triển khai rộng rãi. Nhờ đó, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử đối với HIV/AIDS đã được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, với nhiều biểu hiện khác nhau, từ ngấm ngầm đến công khai, thô bạo.

Tại gia đình, có những người nhiễm HIV phải ăn riêng, ở riêng, sinh hoạt riêng; hoặc nếu ở chung thì những người khác trong gia đình cũng hạn chế hoặc miễn cưỡng giao tiếp với người nhiễm HIV. Có những gia đình còn cấm đoán người khác trong gia đình tiếp xúc với người nhiễm HIV hoặc tìm cách đưa người nhiễm HIV vào các cơ sở tập trung...

Tại cộng đồng, mọi người thường cấm hoặc hạn chế con cái, người thân, họ hàng tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS; không sử dụng các dịch vụ, hàng hóa mà người nhiễm HIV hoặc gia đình họ cung cấp, nhất là dịch vụ ăn uống; không đến dự tang lễ của người nhiễm HIV/AIDS hoặc không mời người nhiễm HIV đến tham dự những sự kiện hiếu, hỷ trong cộng đồng. Có những trường hợp vứt bỏ các vật dụng mà người nhiễm HIV đã sử dụng, như cốc uống nước, bát đũa người nhiễm HIV đã dùng để ăn...

Theo Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long, có nhiều nguyên nhân gây ra kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Nguyên nhân phổ biến nhất là do HIV/AIDS là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dẫn đến ch*t người; hiện chưa có Thu*c điều trị đặc hiệu, chưa có vaccine phòng bệnh nên khi nhiễm HIV thì không có cơ hội chữa khỏi.

Bên cạnh đó là do sự thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đúng, không đầy đủ về HIV/AIDS. Nhiều người nghĩ rằng HIV/AIDS là bệnh rất dễ lây, kể cả qua tiếp xúc thông thường, như ăn uống chung, dùng chung đồ sinh hoạt... Nhiều người cho rằng HIV/AIDS là gắn liền với các tệ nạn xã hội, như tiêm chích M* t*y, người mua, B*n d*m...

Một nguyên nhân nữa là do một thời gian dài khi đại dịch mới bắt đầu, việc truyền thông về HIV/AIDS đã rất nhấn mạnh sự nguy hiểm của HIV/AIDS, đưa những hình ảnh bệnh nhân nặng, gày còm, lở loét... tạo cho nhân dân suy nghĩ rất ghê sợ về bệnh này.

Vì lo sợ kỳ thị, phân biệt đối xử mà nhiều người, đặc biệt là những nhóm người nguy cơ cao, không dám đi xét nghiệm HIV/AIDS, khiến cho việc phát hiện HIV rất khó khăn. Khi bị nhiễm HIV mà không được phát hiện thì sẽ rất nguy hiểm, gây lây nhiễm HIV cho người khác trong xã hội.

Kỳ thị khiến đại dịch khó kiểm soát

Ngày nay, đã có Thu*c điều trị cho người nhiễm HIV. Một người nhiễm HIV, nếu được điều trị sớm và tuân thủ điều trị đầy đủ thì vẫn sống khỏe mạnh, tránh được Tu vong và giảm đến 95% khả năng lây nhiễm HIV cho người khác.

Tuy vậy, nhiều người đã được xét nghiệm, phát hiện là mình nhiễm HIV, nhưng do lo sợ bị phân biệt đối xử nên cố gắng giấu giếm, không dám đi đến cơ sở y tế để điều trị hoặc chỉ đến điều trị khi bệnh đã quá nặng.

Việc không điều trị hoặc điều trị muộn vừa nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh, dẫn đến bệnh nặng, Tu vong, đồng thời cũng nguy hiểm cho cộng đồng vì làm lây nhiễm HIV cho người khác.

“Chính vì giấu giếm tình trạng bệnh tật, không dám tiếp cận với chương trình phòng chống HIV/AIDS nên người bệnh không được tư vấn về kỹ năng phòng lây truyền HIV cho người khác thì có thể vô tình làm lây nhiễm HIV cho người khác.

Kỳ thị và phân biệt đối xử còn là rào cản to lớn đối với việc hưởng đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV, bao gồm quyền học tập, lao động và sinh hoạt như những người không nhiễm HIV. Đây là những quyền mà người nhiễm HIV được pháp luật bảo vệ.

“Luật Phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam cũng đã có nhiều điều khoản nghiêm cấm việc kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Có thể khẳng định rằng các biện pháp tách biệt, cấm đoán, kỳ thị và phân biệt đối xử không làm hạn chế được dịch HIV/AIDS mà trái lại càng làm cho dịch HIV/AIDS ngày càng trở nên khó kiểm soát hơn. Chính vì vậy, chúng ta không nên kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”, TS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.

 

Để tiến đến kết thúc đại dịch HIV/AIDS, Chương trình phối hợp về HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) đã đưa ra mục tiêu “ba không”, bao gồm: Không có trường hợp nhiễm HIV mới; không có người Tu vong vì HIV/AIDS; và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS. Chính vì tầm quan trọng này nên “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS” tập trung vào chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” nhằm tăng hiểu biết của toàn xã hội về HIV/AIDS, không kỳ thị, phân biệt đối xử với những người không may bị nhiễm HIV, qua đó, giúp cho những người nhiễm HIV được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS.



Theo Văn Thông - Gia đình và Xã hội
Mạng Y Tế
Nguồn: Alo bác sĩ (http://alobacsi.com/ky-thi-cang-lam-cho-hiv-aids-kho-kiem-soat-n164621.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY