Tin vui cho bệnh nhân tiểu đường là các nhà khoa học Mỹ vừa phát triển thành công kỹ thuật mới cho phép kết hợp 2 hoóc-môn insulin và amylin trong một mũi tiêm.
Cùng với insulin, amylin cũng do tế bào beta tuyến tụy tiết ra và giúp kiểm soát đường huyết sau khi ăn. Ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 hoặc 2, cơ chế sản sinh hai hoóc-môn này suy giảm hoặc mất hẳn nên họ phải tiêm insulin hằng ngày. Mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy tiêm kết hợp insulin và amylin giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn so với chỉ tiêm insulin, nhưng rất ít bệnh nhân được áp dụng do hai phân tử không tương thích và bất ổn khi hòa trộn với nhau, bắt buộc phải tiêm riêng.
Phương pháp mới của các chuyên gia Đại học Stanford bao gồm sử dụng lớp vỏ phân tử làm từ polyethylene glycol, với khả năng bám dính có chọn lọc vào phân tử amylin và insulin. Nhờ lớp bảo vệ này, cả 2 hợp chất có thể “song hành” trong một mũi tiêm và sau khi vào cơ thể, chúng mới “cởi bỏ” lớp vỏ để phát huy tác dụng. “Lớp vỏ hòa tan trong máu, cho phép hai hoóc-môn quan trọng này hoạt động cùng nhau giống như ở người khỏe mạnh”, trưởng nhóm nghiên cứu Eric Appel giải thích.
Kết quả thử nghiệm trên động vật cho thấy kỹ thuật mới mô phỏng hiệu quả cơ chế tiết insulin và amylin nội sinh của cơ thể. Công thức mới cũng chứng tỏ tính ổn định trong hơn 100 giờ, nghĩa là nó có thể được lưu trữ và kiểm soát tốt bằng máy bơm insulin cấy ghép trong cơ thể bệnh nhân.
Nhóm chuyên gia hy vọng sớm thử nghiệm và đánh giá hiệu quả của phương pháp tiêm Thuốc “2 trong 1” trên người, trước khi áp dụng rộng rãi trong điều trị tiểu đường.
Chủ đề liên quan:
đường huyết đường huyết hiệu quả hiệu quả hiệu quả hơn kiểm soát kiểm soát đường huyết kiểm soát đường huyết hiệu quả kỹ thuật Kỹ thuật tiêm thuốc 2 trong 1 tiêm thuốc