Đau bụng kinh là tình trạng thường gặp của đa số chị em trong kỳ kinh nguyệt. Nguyên nhân gây đau là do tử cung co thắt để đẩy máu kinh ra ngoài âm đạo. Khi tử cung co thắt quá mức, các mạch máu co lại gây ra những cơn đau. Thường cơn đau xảy ra ở vùng bụng dưới, và xuất hiện trong khoảng 1-2 ngày.
Có 2 kiểu đau bụng kinh là đau bụng kinh nguyên phát và đau bụng kinh thứ phát. Đau bụng kinh nguyên phát là cơn đau xuất hiện khi đến kỳ kinh, và không mắc các bệnh về về vùng chậu. Đau bụng kinh thứ phát là những cơn đau liên quan đến các bệnh vùng chậu như: u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung,... Khi bạn bị những cơn đau dữ dội, nghiêm trọng, bất thường có thể là dấu hiệu của bệnh lý. Và bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để khám.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc giảm đau. Chị em chỉ cần ra tiệm thuốc hỏi, sẽ được tư vấn nhiều loại như: aspirin, thuốc chống co thắt alverin, thuốc giảm đau paracetamol,... Các thuốc này có thể giảm đau nhanh chóng. Tuy nhiên thuốc giảm đau chỉ có tác dụng nhất thời, nếu dùng nhiều sẽ khiến cơ thể phụ thuộc vào thuốc, và việc lạm dụng thuốc rất dễ xảy ra. Sau đây những tác hại của việc lạm dụng thuốc đau bụng kinh:
Tổn thương gan:
Đa số thuốc giảm đau đều có chứa paracetamol. Chất này tuy có khả năng giảm đau nhưng lại là “kẻ thù” của gan, nếu dùng quá liều và tần suất cao. Biểu hiện của gan “suy yếu” là buồn nôn, biếng ăn, da xanh, sụt cân mất kiểm soát,... Không nên uống rượu trong khi sử dụng thuốc, vì điều này sẽ “tàn phá” gan nhanh hơn. Tuy paracetamol ít tác dụng phụ nhưng hiện có rất nhiều thuốc chứa chất này và nó được dùng ở nhiều dạng khác nhau. Bạn cần xem kỹ thành phần các loại thuốc đang sử dụng để tránh dùng quá liều paracetamol.
Viêm loét dạ dày:
Trong kỳ kinh nguyệt, lớp niêm mạc tử cung sẽ sản xuất ra prostaglandin, một loại axit béo không bão hòa tự nhiên, có tác dụng tăng giảm chất nhầy ở dạ dày để bảo vệ bộ phận này. Các loại thuốc giảm đau không chứa steroid sẽ ức chế tổng hợp prostaglandin. Khi prostaglandin bị ức chế, thì lượng chất nhầy để bảo vệ dạ dày tá tràng suy giảm, khiến axit có điều kiện tấn công niêm mạc dạ dày, gây viêm. Các thuốc chống viêm không chứa steroid có đặc tính là tan kém trong axit. Vì vậy, chúng không tan hết trong môi trường axit dạ dày mà kết thành từng đám, axit trong dạ dày sẽ tiếp tục “tấn công”, gây loét dạ dày. Nếu lạm dụng các loại thuốc chống viêm không chứa steroid thì dạ dày sẽ bị viêm loét do kích thích trực tiếp và do giảm chất nhầy. Thậm chí nếu tổn thương nặng, bạn có thể bị xuất huyết dạ dày.
Ảnh hưởng khả năng sinh con:
Một số chị em sử dụng thuốc tránh thai để làm giảm đau bụng kinh. Cơ chế của thuốc tránh thai là làm mỏng nội mạc tử cung. Dùng thuốc tránh thai quá nhiều sẽ làm mỏng nội mạc tử cung, có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai sau này.
Che lấp những bệnh khác:
Việc sử dụng thuốc giảm đau có thể làm mờ đi dấu hiệu của các bệnh lý sinh dục khác. Một số bệnh liên quan đến sức khỏe sinh sản nếu không được phát hiện và điều trị sớm, có khả năng gây vô sinh.
Để tránh các tác dụng phụ của thuốc đau bụng kinh, chị em nên sử dụng các phương pháp dân gian để giảm đau. Dùng gạo rang, khăn ấm, gừng giã nhuyễn để chườm nóng vào phần bụng dưới. Sức nóng sẽ làm cho máu lưu thông tốt hơn, giảm đau bụng. Uống đủ 2l nước mỗi ngày, nên uống nước ấm. Tránh ăn mặn, uống cafe, để hạn chế việc cơ thể tích nước. Cần giảm cường độ làm việc và dành thời gian nghỉ ngơi. Bởi trong kỳ kinh nguyệt, thể trạng, tinh thần của phụ nữ đều suy giảm.
Ý Nhi
Theo tạp chí Sống khỏe
Chủ đề liên quan: