Làm đẹp hôm nay

Ta thường nói cái này đẹp, cái kia xấu; đọc bài văn khen hay, nhìn bức tranh khen khéo, nghe đàn mà cảm động, xúc cảnh mà hứng hoài. Bấy nhiêu thứ đều gợi ra trong tâm tình ta một cái cảm riêng, nhà tâm lý gọi là “mỹ cảm”

Làm móng dạo (nail): Hiểm họa tiềm ẩn

(SKGĐ) Nhu cầu làm đẹp của chị em từ xưa đến nay hầu như không có điểm dừng, họ có thể làm đẹp vào bất cứ thời điểm nào và ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể chẳng hạn như là cái móng chân, móng tay nhỏ xíu.

Tiện đủ đường

Chỉ mất khoảng 20-30 phút và chừng 20.000-100.000 đồng là bạn đã được tân trang làm đẹp cho hai đôi móng tay hoặc chân với chất lượng bóng đẹp được chừng 20 ngày. Công cụ hành nghề của những “nghệ nhân” làm móng thật đơn giản, chỉ với một bát nước lã, chiếc kìm bấm, dụng cụ mài, vài lọ sơn, chiếc bút lông vẻ họa tiết cùng đôi tay điệu nghệ và tài nói chuyện dí dỏm… là họ đã đủ sức kiếm cơm và phục vụ chị em có nhu cầu.

Ảnh minh họa

Sự xuất hiện nhiều chị em tay xách giỏ, “hành nghề” cho khách ngay tại những vỉa hè, quán nước… là điều không còn mới mẻ gì. Trên những con phố lớn nhỏ, ngõ hẻm hay nơi có các khu chợ vẫn thấy xuất hiện các chị đang ngồi cắt, giũa, quét... giữa “nơi thanh thiên bạch nhật”. Những người không có thời gian ra hiệu, hay những ai có nhu cầu “làm đẹp móng” ngay tại chỗ là có ngay dịch vụ. Hoặc giờ đây đã có dịch vụ gọi điện là người ta đến tận nơi, không mất thời gian chờ đợi xem có người đi qua thì mới làm được.

Chị em làm nghề làm móng thường là từ các vùng quê đến. Chỉ cần một tháng học nghề là có thể tự mình đi làm được. Vốn liếng cũng chỉ cần có vài trăm ngàn đến hơn một triệu để mua dụng cụ hành nghề “vô tư”. Để có được cái nghề như vậy là tương đối dễ dàng, lại kiếm ăn được, nên ngày càng có nhiều người theo nghề này.

Thị trường riêng

“Những năm gần đây, dù thị trường làm móng dạo khó khăn do sự cạnh tranh của nhiều tiệm nail lớn nhỏ mọc lên như nấm tại các thành phố lớn, thế nhưng do có thị trường riêng nên nghề này vẫn tồn tại”, chị Phượng (Bình Thạnh, Tp.HCM) tâm sự.

Tôi đang nghĩ về cụm từ “thị trường riêng” của nghề làm móng dạo là gì, thì chị Phượng bảo: “trưa nay, rảnh theo chị một buổi sẽ rõ”.

Đúng 11h trưa, tôi và chị Phượng có mặt tại Chợ Phan Văn Trị (Bình Thạnh, Tp.HCM). Nhanh như chóp, chị bắt tay vào công việc hàng ngày của mình. Ngâm chân cho một chị bán sạp quần áo, giũa móng cho chị bán trái cây, vừa làm vừa tám chuyện trên trời dưới đất rôm rả. Nhiều người nghĩ tôi là em của chị nên cũng tỏ vẻ tự nhiên, cởi mở. “Hôm nay, theo chị học việc hả em, nghề này mà nam làm sẽ đông khách hơn đấy”, một chị nói trong tiếng cười của nhiều người xung quanh. Tôi giả vờ như người tập sự cũng lúi húi thay nước, lấy khăn lao khô chân cho khách. “Nhanh tay lên em, chị còn phải tranh thủ về nhà cho thằng cu ăn và đi học. Phải tranh thủ buổi trưa cho xong, chiều chị còn bao nhiêu là việc”, chị Thơm (bán trái cây) nói với giọng hối hả.

Làm xong bốn người, chị Phượng chở tôi đến chợ Hoàng Hoa Thám (Bình Thạnh, Tp.HCM), thấy chúng tôi đến một số chị nơi đây đã la í ới: “điện thoại hẹn trước mà giờ này mới thấy mặt. Thôi, nhanh đi kẻo hết buổi trưa”. “Buôn bán ở chợ từ sáng đến chiều, tối về tới nhà thì lo ăn uống cho gia đình… nên dân bán buôn như chị đâu có thời gian rảnh mà ghé tiệm. Bởi vậy phải tranh thủ khoảng thời gian chợ vắng vào giữa trưa gọi người đến làm thôi”, chị Quyên (bán trứng) chia sẻ. Cũng theo lời chị Hoa (bán rau củ quả) cho biết: không chỉ riêng chợ Hoàng Hoa Thám mà tại nhiều chợ trong thành phố, chuyện chị em tiểu thương tranh thủ những lúc vắng khách làm đẹp là rất phổ biến.

“Ui đau, cẩn thận đấy, không thì chị trừ tiền”, một chị khách hàng giãy nảy vì bị chị Phượng làm rớm máu chân khi cắt da. Suốt cả buổi trưa mài giũa, cắt khoét không ít lần chị Phượng làm khách hàng rớm máu. Dường như mọi người đều xem đó là chuyện thường ngày và tỏ thái độ dửng dưng. “Tôi cũng thường bị chảy máu khi làm móng, nhưng mấy ngày sau thì lành hẳn nên cũng không ngại. Phải chịu đau mới có đôi chân đẹp chứ em”, một chị bộc bạch.

Ảnh minh họa

Nguy cơ nhiễm bệnh rất cao

“Chị thường xuyên dùng cồn để vệ sinh dụng cụ vì làm cho ai cũng phải sạch sẽ, kẻo họ không gọi đến lần thứ hai. Ngoài ra, chị còn dùng chanh để vệ sinh dụng cụ, vì chị nghe nói nó diệt vi khuẩn rất tốt”, chị Phượng tâm sự về cách giữ mối lâu dài của mình khi chúng tôi trên đường về nhà.

Khi làm móng bị chảy máu có lây bệnh không; vệ sinh dụng cụ như vậy liệu có an toàn; giải pháp nào cho những chị em không có thời gian… là những câu hỏi lẩn quẩn trong tôi sau một buổi cùng chị Phượng hành nghề móng dạo. Và những thắc mắc đó nhanh chóng được sáng tỏ sau cuộc trò chuyện với BS. Nguyễn Lê Thục Đoan - Trung tâm Truyền thông, Giáo dục Sức khỏe Tp.HCM.

Chào bác sĩ, bác sĩ có thể cho biết nguy cơ lây nhiễm các bệnh có thể xảy ra khi làm móng dạo?

Làm móng dạo hay các hoạt động làm đẹp khác có tác động trực tiếp đến cơ thể mà có thể gây chảy máu như cắt tóc, cạo lông mặt, xăm môi, xăm mắt, xăm chân mày… thì có khả năng bị mắc các bệnh lây truyền qua đường máu, trong đó hai bệnh cần chú ý là viêm gan siêu vi B, nhiễm HIV.

Qua cuộc tiếp xúc với nhiều người làm móng dạo tại Tp.HCM, ý thức phòng tránh các bệnh qua đường máu của một số chị em chưa cao, tại sao lại có hiện tượng này?

Thực ra, việc ý thức phòng bệnh phải là việc làm tự chủ động của mỗi cá nhân. Ngoài ra, người cung cấp dịch vụ, cụ thể là người làm móng cần có biện pháp khử trùng dụng cụ đúng cách khi làm cho khách hàng mới, nhưng đòi hỏi này thực tế là rất khó đối với hiện tại.

Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, khi cần làm móng bạn nên có một bộ dụng cụ làm móng cho riêng mình, hoặc khi đến tiệm cắt tóc, cạo lông mặt bạn nên mang theo lưỡi lam riêng cho mình.

Dùng chanh và cồn để tuyệt trùng dụng cụ làm móng liệu có an toàn?

Việc dùng chanh và cồn chỉ với mục đích sát trùng tại chỗ, không thể an toàn với việc phòng tránh lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường máu.

Lời khuyên của bác sĩ cho những người thường xuyên làm móng dạo?

Như đã nói ở trên, khi có nhu cầu làm móng, bạn nên trang bị một bộ dụng cụ làm móng cho riêng mình. Thậm chí, chị em, mẹ con, bà con trong nhà, trong gia đình cũng cần có một bộ cho mỗi người; và khi làm móng thì yêu cầu người làm móng sử dụng bộ dụng cụ của mình làm cho mình.

Vì đã có trường hợp người làm móng “chê” bộ dụng cụ của khách đưa không tốt, không được bén nên người làm móng vẫn sử dụng bộ dụng cụ của mình và làm cho tất cả các khách hàng.

Có thể bạn chưa biết?

Ở Mỹ, thợ làm móng phải học tại các trường (của tư nhân và nhà nước). Khóa học khoảng 1.600 giờ, gồm ba lớp:

- Sơ đẳng: học 200 giờ (không được quyền làm cho khách).

- Trung đẳng: học 400 giờ (chỉ được làm cho những khách không trả tiền công mà chỉ trả tiền thuốc).

- Cao đẳng: 1.000 giờ (vừa học vừa làm cho khách có trả tiền).

Muốn trở thành thầy dạy nghề, phải học thêm 600 giờ nữa.

Cửu Long

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/lam-dep/lam-mong-dao-nail-hiem-hoa-tiem-an-19981/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY