Bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Anh, nguyên giảng viên Đại học Y dược TP HCM, cho biết viêm da corticoid là tình trạng viêm da do nghiện chất corticoid. Đây là độc dược nằm ở bảng B theo quy định của Bộ Y tế, cần phải có chỉ định sử dụng của bác sĩ qua toa Thuốc. Nhiều người sản xuất mỹ phẩm đưa corticoid vào nhằm làm đẹp nhanh, lợi nhuận cao. Sử dụng lâu dài có thể gây tổn thương da nặng nề, tàn phá diện mạo.
Chỉ sau một đêm sử dụng mỹ phẩm chứa corticoid, da láng mịn, căng bóng, mụn cám biến mất nhanh sau vài ngày, sờ vào cảm giác da mềm và mọng nước. Những vùng nám mờ nhanh sau vài ngày đến một tuần. Những nếp nhăn li ti trên da biến mất, những nếp nhăn sâu trước đó trở nên mờ nhạt rất nhanh sau 7-10 ngày dùng.
Sau một thời gian, da gặp các biến chứng nặng nề như nổi mẩn đỏ li ti, ngứa rát đỏ, mụn viêm mủ lan tràn, những mạch máu giãn nở to gây đỏ da triền miên. Đó là những dấu hiệu corticoid đang tấn công và da lệ thuộc corticoid. Khi dừng Thuốc thì vấn đề da trở lại còn nặng hơn trước nhiều, khó chữa trị.
Bác sĩ soi da để điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: A.Q |
Theo bác sĩ Cẩm Anh, điều trị da do ảnh hưởng corticoid với viêm da kích ứng thường rất khó khăn trong thời gian đầu, kết quả trồi sụt khiến người bệnh dễ nản. Nguyên tắc điều trị gồm ngừng bôi sản phẩm corticoid, làm dịu da lành viêm bằng sản phẩm bôi không chứa corticoid, điều trị vật lý hỗ trợ không xâm lấn, bảo vệ da cẩn thận, chống nắng, chống ô nhiễm, chống chất độc hại, tránh nhiệt như cà phê, bia rượu, gia vị cay. Chăm sóc da nhẹ nhàng cẩn thận mỗi ngày, tăng ẩm da, tránh mất nước.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người nên khám soi da và phân tích tình trạng da, hiểu về sản phẩm, tra cứu thông tin trước khi chọn dùng. Không dùng mỹ phẩm, Thuốc gia truyền không có nhãn hiệu hoặc nhãn hiệu in mập mờ, nhòe nhoẹt. Không dùng các loại dược phẩm uống và bôi da để trị nám, mụn mà không có toa bác sĩ. Các sản phẩm chính quy và có nguồn gốc bao giờ cũng ghi tên nhãn hiệu, tên công ty, địa chỉ công ty và quốc gia sản xuất.