Tâm linh hôm nay

Lời Phật dạy về những khổ não bị tác động trong thực tế

Đức Phật dạy: Quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, hãy sống trong giây phút hiện tại. Nếu ta quá ưu tư tiếc nuối về quá khứ, hay lo nghĩ mơ mộng về tương lai rồi luôn hoang mang, lo sợ thì sẽ đánh mất mình trong hiện tại bởi được mất, hơn thua, thành công hay thất bại.

 >>Lời Phật dạy

a- Môi trường:

Ngay nơi sự sống của chúng ta với bầu trời quang đãng, không khí trong lành vẫn có nhiều chất ô nhiễm hay mầm bệnh trong không khí do con người tạo ra vì lòng tham lam, ích kỷ. Môi trường là một nguyên nhân lớn làm ảnh hưởng đến đời sống con người.

b- Các mối liên hệ:

Bài liên quan

Hiểu đúng chữ 'khổ' trong Phật giáo

Các mối liên hệ trong cuộc sống có thể mang đến cho chúng ta nhiều phiền muộn, khổ đau. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm cho phần lớn những khổ não ấy? Số đông ai cũng nghĩ chính kẻ thù đã làm ta khổ não, tuy nhiên điều đó chỉ đúng một phần. Người có thể làm chúng ta khổ não chính là vợ chồng, con cái hoặc họ hàng, bạn bè hay đồng nghiệp của ta. Người khiến chúng ta bực bội, khó chịu lại chính là người thân thiết nhất của mình.

Hàng ngày, ta không chỉ phải đương đầu với gia đình, người thân mà còn bao nhiêu người khác, có người ta biết, có người ta không biết. Có người giúp đỡ ta, có người muốn cản trở ta. Vì thói quen của chúng sinh là tham lam, sân giận, si mê, ganh ghét, tật đố dẫn đến hiềm hận nên mới nói lời hằn học, khó chịu và sẵn sàng giết hại lẫn nhau không thương tiếc.

c- Xáo trộn cảm xúc:

Bài liên quan

Nhận thức về cuộc đời và chữ khổ của con người

Kẻ thù lớn nhất của chúng ta không phải là những kẻ đối đầu mà chính là chủ nghĩa cá nhân nơi mỗi người. Sự vọng động, phân biệt bởi ý thức hệ phần lớn là nguyên nhân khiến ta phiền muộn, khổ đau nhiều. Ta luôn thay đổi cảm xúc trong từng giây phút bởi những toan tính do chấp thân tâm này làm ngã. Ta hay lo lắng về được mất, phải trái, đúng sai, hơn thua, tốt xấu nên mới sinh ra tham lam, sân giận và si mê.

Khi tâm lý bị xáo trộn chúng ta hoang mang, lo sợ làm gia tăng thêm phiền muộn, khổ đau. Mỗi khi có sự cố xảy ra ta cần phải quán chiếu, tư duy sâu sắc thì mới đủ sức chuyển hóa tham-sân-si thành vô lượng trí tuệ, từ bi. Khi bị tham lam, ích kỷ sai sử ta có thể quán sát như sau: “Tôi đang tham, tôi biết tôi đang tham, tôi biết có những ham muốn đang làm mờ tâm trí tôi”. Khi quán sát như vậy thì tự nhiên trạng thái tâm tham sẽ dần hồi biết mất.

Chúng ta hãy nhìn thẳng vào mọi diễn biến đang xảy ra như một thực tại nhiệm mầu. Hãy sống cho những giờ phút ngày hôm nay vì cái gì đến sẽ đến, dù ta không muốn chúng cũng xảy ra. Phật đã dạy: “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính là đây.”

Bài liên quan

Tại sao Đức Phật từ bỏ lối tu khổ hạnh?

Đức Phật muốn nhắc nhở nhận thức và hiểu biết của chúng ta còn rất hạn hẹp, ta không nên cứ tiếc nuối quá khứ mà đánh mất chính mình trong hiện tại. Quá khứ đã qua rồi, chúng ta có muốn quay lại để nắm bắt nó cũng không được nên suy nghĩ, tiếc nuối về nó chỉ thêm phiền muộn. Tương lai thì còn ở chân trời xa tít, có ai biết nó sẽ ra sao mà mơ tưởng viễn vông. Ta chỉ nên tin nhân quả, biết buông xả những ý niệm đã qua để sống ngay với giây phút hiện tại. Khi ta tham, ta giận, ta si mê mình đều biết rõ, nhờ vậy ta sẽ cảm thấy an ổn, nhẹ nhàng.

Nếu ta không biết chấp nhận hiện tại để sống bình thản, an nhiên với những được mất, hơn thua của dòng đời thì dung sắc của mình sẽ nhanh chóng héo tàn như lau xanh lìa cành. Một tinh thần giáo dục nhân bản mà Thế Tôn truyền dạy là tinh thần biết sống và bằng lòng với những gì mình đang có trong hiện tại. Phật dạy: “Không than việc đã qua, không mong việc sắp tới, sống ngay với hiện tại, do vậy sắc tốt tươi. Do mong việc sắp tới, do than việc đã qua, nên kẻ ngu héo mòn, như lau xanh lìa cành.

Với kiếp sống của con người mà chúng ta không có hiểu biết chân chính, không tin sâu nhân quả thì sẽ mãi than trời trách đất, oán ghét người thân, đổ thừa cho xã hội mà vô tình đánh mất chính mình.

Bài liên quan

Do đâu mà khổ đau, luân hồi sinh tử có mặt

Các nhà tâm lý phân tích rằng phần lớn các cảm xúc khổ đau đều do con người suy tưởng quá nhiều mà thất vọng bởi những chuyện bất như ý. Khi lỡ làm một điều gì lầm lỗi ta cảm thấy ân hận và hối tiếc. Điều đó sẽ làm cho ta càng bi thương, buồn khổ thêm. Do đó, chúng ta tốt nhất hãy xem xét lại mình đã làm gì và làm đúng hay sai. Nếu thực sự đó là một hành động làm tổn hại người khác thì ta hãy quán sát tâm mình để nhận thấy rõ ta đã hành động không đúng và cần phải ăn năn sám hối. Nhờ vậy, ta sẽ bớt phiền não, ân hận, ray rứt và tiếc nuối.

Chúng ta thường có ước muốn được phát triển và thành công trọn vẹn. Người có tâm lý này luôn muốn khoa trương cái mình có. Họ muốn chứng tỏ với mọi người về tầm ảnh hưởng của mình và muốn được nhân loại chú ý, quan tâm nên cố sức tạo danh thơm tiếng tốt để mọi người biết nhiều đến họ.

Thông thường, khi đạt được mục đích nào đó thì lòng tự mãn phát sinh. Thái độ tự mãn đó dễ làm cho ta khinh thường người khác. Người quá tự mãn về chính mình dễ xúc phạm đến người khác làm họ bực tức, khó chịu. Vì nén cơn giận trong lòng nên họ ôm mối hận chờ cơ hội trả đũa.

Bài liên quan

Phiền não: Buông xả chứ không buông bỏ

Khi không đạt được mục đích ta lại sinh tâm chán nản, mặc cảm, tự ti do không còn tự tin nơi bản thân. Những người như thế hay có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác. Chúng ta không nên bi quan, chán nản mà đánh mất chính mình. Hãy thay đổi tư duy và mọi chuyện sẽ dần hồi tươi sáng.

Trước tiên, chúng ta hãy tư duy về nhân quả. Đó là một thực tại thiết thực của cuộc sống. Chúng ta làm bất cứ điều gì cũng đều tuân theo quy luật nhân duyên quả. Dựa trên cơ sở nhân quả chúng ta tin rằng ch*t không phải là hết mà chỉ thay hình đổi dạng tùy theo nghiệp báo đã gieo trong hiện tại mà cho ra kết quả ở tương lai. Khi tin có kiếp sống luân hồi chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận những gì đến với mình dù tốt hay xấu. 

Tất cả các pháp sinh diệt đổi thay là do nhân duyên tích lũy cùng sự tương tác của nhiều yếu tố khác nhau theo nguyên lý cái này không thì cái kia không, cái này có thì cái kia có. Ví dụ, nhân của cây hoa là hạt giống, nhưng đất nước, ánh sáng, mặt trời và sự chăm sóc của con người là những yếu tố tác động đến sự sống của cây. Không đảm bảo đầy đủ các yếu tố trên cây sẽ khô héo rồi từ từ ch*t đi.

Bài liên quan

Xử lý phiền não là chế tác hạnh phúc

Khi chúng ta đạt được điều gì mong muốn thì không nên quá vui mừng, hoặc quá hãnh diện, tự hào. Ta nên biết rằng những gì hôm nay mình thực hiện được thì ngày nào đó cũng sẽ đổi thay, do đó ta không nên quá thất vọng khi đối mặt với những chướng duyên, nghịch cảnh. Khi tâm có sự định tĩnh, sáng suốt sẽ giúp ta dễ dàng buông xả các tâm niệm xấu ác.

Ai cũng muốn mọi người đối xử tốt với mình nhưng lại ít khi nghĩ đến việc giúp đỡ, sẽ chia cùng người khác. Có nhiều người khi lầm lỗi thì đòi hỏi được tha thứ, nhưng khi thấy người khác làm lỗi thì họ chẳng những không tha thứ mà còn phê phán, chỉ trích mạnh mẽ.

Chúng ta muốn được an nhiên, tự tại trong mọi hoàn cảnh thì cần phải thể nhập tâm thanh tịnh, sáng suốt. Khi được như thế ta mới có thể từ bi, đồng cảm, tha thứ và biết quan tâm đến người khác với tinh thần không vụ lợi.

Phật dạy: "Quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, hãy sống trong giây phút hiện tại". Nếu ta quá ưu tư tiếc nuối về quá khứ, hay lo nghĩ mơ mộng về tương lai rồi luôn hoang mang, lo sợ thì sẽ đánh mất mình trong hiện tại bởi được mất, hơn thua, thành công hay thất bại.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/loi-phat-day-ve-nhung-kho-nao-bi-tac-dong-trong-thuc-te-d38534.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY