Kinh tế xã hội hôm nay

Minh bạch để chống tham nhũng

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa 8 vụ án trọng điểm ra xét xử sơ thẩm trước Đại hội lần thứ XII của Đảng gồm: vụ án Lâm Ngọc Khuân và đồng phạm;
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa 8 vụ án trọng điểm ra xét xử sơ thẩm trước Đại hội lần thứ XII của Đảng gồm: vụ án Lâm Ngọc Khuân và đồng phạm; vụ Phạm Văn Cử và đồng phạm; vụ Trần Quốc Đông và đồng phạm; vụ Dương Thanh Cường và đồng phạm; vụ Vũ Quốc Hảo và đồng phạm; vụ Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm; vụ Lê Hùng Sơn và đồng phạm; vụ Nguyễn Thế Dũng và đồng phạm.

Theo đó, Ban Chỉ đạo giao Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương tích cực phối hợp, đẩy nhanh tiến độ để đưa các vụ án trên ra xét xử theo dự kiến. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Điểm lại năm 2014, một loạt án kinh tế, tham nhũng lớn được đưa ra xét xử đã có tác dụng răn đe mạnh mẽ, tạo ảnh hưởng tích cực trong xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân. Các mức án nghiêm minh đã được tuyên với nhiều án tử hình, trong đó có Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HÐQT và Mai Văn Phúc - nguyên Tổng Giám đốc Vinalines, Vũ Việt Hùng - nguyên Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Ðăk Lăk - Ðăk Nông. Các bị cáo khác như Nguyễn Ðức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như đều bị tuyên các mức án từ 30 năm tù đến chung thân. Nhiều quan chức có hành vi tham nhũng đã bị kết tội với mức án thích đáng. Ðiều này không chỉ thể hiện quyết tâm của Ðảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, mà còn cho thấy không có “vùng cấm”, không có ai là ngoại lệ trong công tác phòng, chống tham nhũng và không có đối tượng phạm tội nào là không thể bị xử lý.

Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chức năng, tội phạm kinh tế, tham nhũng trong thời gian tới vẫn có dấu hiệu diễn biến hết sức phức tạp, nhất là trong các ngành kinh tế lớn. Do vậy, bên cạnh việc điều tra, xét xử tội phạm tham nhũng, cần hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm bịt kín những lỗ hổng trong quản lý kinh tế, cũng như tăng cường giám sát cơ chế hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước, các vị trí dễ phát sinh tham nhũng.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng không kém là cần công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đây là biện pháp quan trọng đầu tiên để ngăn ngừa tham nhũng. Công khai, minh bạch sẽ tạo điều kiện để người dân cũng như toàn xã hội tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Với việc công khai minh bạch trong hoạt động tại các cơ quan nhà nước, người dân sẽ dễ dàng nhận biết được các quyền và nghĩa vụ của mình để chủ động thực hiện theo các quy định của pháp luật cũng như đòi hỏi cơ quan Nhà nước và các cán bộ, công chức nhà nước thực hiện các quy định đó. Công khai, minh bạch sẽ làm cho công chức nhà nước có ý thức hơn trong việc thực hiện chức trách, công vụ của mình theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền mà pháp luật quy định, bởi mọi hành vi vi phạm, phiền hà, sách nhiễu hay lợi dụng chức trách để tư lợi đều có thể bị phát hiện và xử lý. Công khai và minh bạch cũng là những chìa khóa then chốt nhằm bảo đảm đấu tranh chống tham nhũng thành công.

Trường Giang

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-minh-bach-de-chong-tham-nhung-18747.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY