Tâm sự hôm nay

Vấn nạn vé xe buýt giả

Cuối tháng 8 vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đưa ra xét xử bị cáo Võ Văn Nhanh, 48 tuổi, ngụ tại quận 5, về tội “buôn bán vé giả”.
Cuối tháng 8 vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đưa ra xét xử bị cáo Võ Văn Nhanh, 48 tuổi, ngụ tại quận 5, về tội “buôn bán vé giả”. Theo cáo trạng, Nhanh nguyên là Trưởng ban Kiểm soát của HTX Quyết Tiến và chủ xe buýt số 53N-6392. Xe của Nhanh được phân chạy 6 chuyến/ngày tuyến công viên 23/9 - Củ Chi (và ngược lại), được trợ giá 310.000 đồng/lượt. Từ tháng 5 - 6/2014, Nhanh đã mua và bán ra trót lọt gần 7.500 tập vé xe buýt giả cho các nhà xe khác, trị giá hơn 800 triệu đồng, với thủ đoạn trà trộn số vé giả vào vé thật để qua mắt cơ quan chức năng nhằm tư lợi bỏ túi cá nhân. Được biết cách đây không lâu, nhiều doanh nghiệp xe buýt và cả hành khách cũng khốn đốn bởi gặp phải nạn vé xe buýt giả. Sau một khoảng thời gian “êm êm”, hiện tượng vé xe giả lại bắt đầu tái xuất.

Từ vụ án in ấn, buôn bán và tiêu thụ vé xe buýt giả trên, các địa phương trên cả nước, trong đó Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh - những nơi có mạng lưới tuyến buýt và số đầu xe phục vụ hệ thống giao thông công cộng cực lớn, cần phải chú trọng hơn nữa tới công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc phát hành vé, cũng như quy trình bán vé của các nhân viên trên các tuyến xe buýt.

Tôi đã từng đi trên các tuyến xe buýt ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thì nhận thấy một điều rằng, khi lên xe, nhân viên nhà xe thu tiền rồi xé vé đưa cho khách để khách giữ lấy, phòng khi thanh tra kiểm tra. Công tác bán vé của đại đa số nhân viên là khá nghiêm túc, khi việc gian lận theo kiểu thu tiền của khách mà không xé vé trả cho khách là có, nhưng chỉ là thiểu số, còn hầu như nhân viên đều thu tiền và xé vé trả cho khách. Bằng chứng là tôi đã từng sống tại TP. Hồ Chí Minh khoảng 6 tháng, phương tiện di chuyển trong và ngoài thành phố đều bằng xe buýt, vậy mà tôi mới chỉ bắt gặp có 1 lần trên tuyến xe buýt số 611, chạy lộ trình quận 9 - Dĩ An, Bình Dương, khi người nhân viên bán vé chỉ thu tiền mà không hề đưa trả vé xe cho khách trên suốt cả hành trình. Tuy nhiên, ở Hà Nội chuyện nhân viên “ăn” tiền vé có vẻ nhiều hơn đôi chút, khi mà ở hầu hết các tuyến chuyện này đều có, nhưng nhân viên thường chọn thời điểm để tránh thanh tra, cũng như... nhìn mặt khách để không đưa vé, ví dụ như khách là người ngoại tỉnh thì họ ít thắc mắc chuyện vé...

Khi vé giả được tung ra và trà trộn lẫn với vé thật thì sự thiệt hại của Nhà nước (bởi xe buýt thường có trợ giá của thành phố, địa phương), của các công ty, xí nghiệp, hợp tác xã vận tải công cộng là rất lớn. Sự thất thu về tài chính đó cũng đồng nghĩa với số tiền ấy chảy vào túi của các cá nhân gian lận. Chỉ làm một phép tính đơn giản, khi một nhân viên bán vé xe buýt trà trộn và tiêu thụ hết 5 tập vé/ngày, với mỗi tập 100 tờ, mỗi tờ vé là 7.000 đồng (ở Hà Nội) và 6.000 đồng (ở TP. Hồ Chí Minh), thì số tiền nhân viên ấy đút túi là từ 3 - 3,5 triệu đồng/ngày. Rồi một tháng, một năm số tiền sẽ là rất rất lớn... Hơn nữa, việc hành khách phát hiện ra vé giả là rất khó, bởi họ đâu có biết vé giả vé thật là như thế nào, mà vấn đề này cần phải do đội ngũ thanh tra trên các tuyến xe buýt phát hiện.

Từ thực trạng trên, mong rằng công ty, xí nghiệp, hợp tác xã vận tải hành khách công cộng cần phải cắt cử thanh tra có trách nhiệm làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc bán vé của nhân viên trên các tuyến xe buýt một cách gắt gao. Khi phát hiện những trường hợp nhân viên gian lận cần phải xử lý thật nghiêm, nhằm răn đe và làm gương cho những người khác.

Nguyễn Việt Hưng

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-van-nan-ve-xe-buyt-gia-17081.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY