Tâm sự hôm nay

Tích hợp giảng dạy phòng chống tham nhũng

Trong những năm gần đây, tình trạng tham nhũng, lãng phí tại nước ta diễn ra khá phức tạp. Đây thực sự là một thách thức lớn cản trở công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Trong những năm gần đây, tình trạng tham nhũng, lãng phí tại nước ta diễn ra khá phức tạp. Đây thực sự là một thách thức lớn cản trở công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Trên thực tế, trong những năm vừa qua, hàng loạt vụ án lớn liên quan đến tham nhũng đã được đưa ra xét xử; nhiều cá nhân, tổ chức đã phải chịu những bản án nghiêm khắc của pháp luật. Người dân ngày càng thể hiện sự tin tưởng vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta, tuy nhiên, để đẩy lùi tham nhũng, vẫn còn rất nhiều việc cần phải quyết liệt thực hiện.

Chỉ tính riêng trong năm 2014, công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng tiêu cực tại nước ta đã có được những kết quả đáng ghi nhận. Hàng loạt những vụ án tham nhũng, tham ô lớn đã được đưa ra xét xử. Theo số liệu thống kê của Thanh tra Chính phủ, năm 2014, cơ quan điều tra đã thụ lý 415 vụ án về tham nhũng với số tiền thiệt hại trên 6.740 tỉ đồng, nộp ngân sách trên 1.500 tỉ đồng, con số này cũng đã tăng hơn 14,1% so với năm 2013. Theo đánh giá, nhìn nhận của nhiều chuyên gia phòng chống tham nhũng, năm qua, Việt Nam đã thực hiện tốt cơ chế đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về chống tham nhũng trong chu trình thứ nhất 2010-2015; tích cực trao đổi thông tin, hợp tác quốc tế theo yêu cầu của Công ước để xử lý kịp thời các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng khuyến cáo, tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản tại Việt Nam sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với rất nhiều biến tướng tinh vi. Đây sẽ là những thách thức đối với công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, trong đó có nguyên nhân là do cơ chế, chính sách, pháp luật còn sơ hở, thiếu đồng bộ. Một số văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, có lúc trở thành lực cản của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra kẽ hở để lách luật, làm trái pháp luật vì nhiều mục đích khác nhau để tham nhũng có đất sống. Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu trong phòng chống tham nhũng, tuy nhiên hiện nay, việc thu hồi tài sản của những đối tượng tham nhũng vẫn chưa đạt được những kết quả tương xứng.

Trước vấn nạn tham nhũng đang xảy ra, yêu cầu cấp thiết được đặt ra hiện nay là cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để ngăn chặn tình trạng chung chi, đút lót, móc ngoặc… nhằm trục lợi bất chính. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia về kinh tế, pháp luật cũng cho rằng cần tăng cường xây dựng một hệ thống văn bản hướng dẫn chi tiết, thực hiện một cách đồng bộ, phù hợp với thực tế làm cho cán bộ công chức “không dám tham nhũng”, “không thể tham nhũng” nhằm phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.

Hiện nay, một trong những giải pháp phòng chống tham nhũng đang được chú trọng - đó chính là đưa phòng chống tham nhũng vào trường học nhằm giáo dục cho thế hệ tương lai nhận thức rõ được vấn nạn tham nhũng đang có những tác động tiêu cực như thế nào đến sự phát triển của đất nước và Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT hướng dẫn lồng ghép, tích hợp nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy trong kế hoạch đổi mới chương trình, tài liệu sách giáo khoa phù hợp với từng cấp học. Rõ ràng đây là những giải pháp rất cần thiết để từng bước thay đổi nhận thức của người dân, cộng đồng, đặc biệt là nhận thức của học sinh, sinh viên - những thế hệ tương lai của đất nước về những tác hại rất lớn từ vấn nạn tham nhũng.                

Mạnh Hà

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-tich-hop-giang-day-phong-chong-tham-nhung-15014.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY