Tâm sự hôm nay

Mò mẫm mưu sinh trong “bóng đêm”

Đến Hội Người mù TP. Hội An hôm nay, ai nấy cũng khá ngỡ ngàng trước sự đổi thay của một mái nhà hạnh phúc, nơi “nương tựa” của những con người kém may mắn trong xã hội vì bị khiếm thị.

Nếu có nghị lực, có ước mơ và có niềm tin vào cuộc sống thì mọi trở ngại cũng sẽ vượt qua. Những người khiếm thị trong Hội Người mù TP. Hội An (Quảng Nam) đã tâm niệm và làm được như vậy như để khẳng định rằng mình không phải là kẻ thừa mà là người có ích của xã hội.

Nghị lực chiến thắng... số phận

Đến Hội Người mù TP. Hội An hôm nay, ai nấy cũng khá ngỡ ngàng trước sự đổi thay của một mái nhà hạnh phúc, nơi “nương tựa” của những con người kém may mắn trong xã hội vì bị khiếm thị. Đó là sự lớn mạnh và trưởng thành của Hội Người mù trong việc tạo công ăn việc làm cho những người mù thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Theo đó, sau 32 năm thành lập, những người mù Hội An đã nỗ lực vươn lên bằng nhiều cách khác nhau. Có được niềm vui, niềm hy vọng mới này là sự quyết tâm, sự nỗ lực hết sức của anh chị em trong ban chấp hành, lãnh đạo của Hội. Bên cạnh đó là sự đầu tư về tài chính của một nhà hảo tâm. Nói là sự quyết tâm cao độ bởi giữa thời buổi cơ sở massage với nhiều loại hình mọc lên như nấm thì với một cơ sở mà do phần lớn là người khiếm thị làm việc sẽ rất khó cạnh tranh với nhu cầu ngày càng cao của khách.

Hầu hết những nhân viên phục vụ đều có tuổi đời từ 20 - 45. Họ đều là những người khiếm thị ở các cấp độ khác nhau, có kinh nghiệm nhiều năm trong việc massage, bấm huyệt, xông hơi và một số kỹ thuật chuyên ngành khác. Mỗi người một công việc riêng theo mô hình chuyên môn hóa chuyên nghiệp.

Theo ông Trần Văn Mận - Chủ tịch Hội Người mù TP. Hội An cho biết, mục đích của cơ sở massage này đều tập trung vào quyền lợi, phục vụ cuộc sống ưu sinh">mưu sinh của những người khiếm thị. Nguồn thu của Hội sau khi trả lương cho nhân viên còn lại sung vào công quỹ để phục vụ lợi ích các thành viên trong Hội.

Ông Mận còn nhấn mạnh: “Đây là mô hình kinh tế mới nhưng đã góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống của những người mù, đồng thời cũng khẳng định, họ - những người mù tuy “tàn nhưng không phế” và vẫn có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của địa phương và xã hội”.

Là một trong những nhân viên kỹ thuật của cơ sở massage, anh Lê Viết Ký vui mừng chia sẻ: Hiện tại, anh và các đồng nghiệp rất thoải mái khi làm việc ở đây. Sau gần 4 tháng là kỹ thuật viên nhưng các anh chị vẫn được hưởng lương đầy đủ. Và trong suy nghĩ của họ, được phục vụ khách đến là niềm vui về mặt công việc và cũng là niềm vui về tâm lý. Cũng là những người khiếm thị, nhưng may mắn hơn nhiều người khác, họ có một cái nghề mà xu thế hiện nay đang ưa chuộng, lại được một cơ sở dành cho người khiếm thị nhận vào công tác. Đó là hạnh phúc không gì bằng. Vừa ổn định được cuộc sống, họ vừa có thể đem lại niềm vui, những giây phút thư thái cho khách.

Cùng với anh Ký, vẫn còn rất nhiều con người nơi đây vẫn ngày đêm miệt mài làm việc, cống hiến sức nhỏ của mình để góp phần cải thiện cuộc sống của bản thân và gia đình, đem lại niềm tin cho những người xung quanh.

Đi tìm “ánh sáng”...

Dẫu cuộc sống nay đã khác trước, song những người mù nơi trung tâm này vẫn còn chịu vô vàn khó khăn để có thể vững tin vượt qua những ngày sắp tới. Đó là sự phát triển của thời buổi công nghệ, những dịch vụ theo kiểu thủ công hầu như không được khách ưa chuộng. Phần nhiều là vì chậm chạp: phần ít là không đều tay, không đáp ứng đối tượng khách đa dạng. Nhưng dù sao với họ vẫn mãn nguyện vì những gì mình đã có, đã làm được...

“Nói vậy thôi chứ chúng tôi vẫn còn vô vàn khó khăn và phải nỗ lực vươn lên nhiều hơn nữa. Nhưng cũng cần sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Đó như là niềm tin, động lực để những anh chị em nơi đây vững tâm làm việc...” – nhiều anh chị em ở đây đã tâm niệm như vậy.

Với họ, có nghề nghiệp nuôi bản thân là ước vọng lớn nhất của cuộc đời, không mong gì hơn. Dẫu vậy, họ vẫn có những băn khoăn không nhỏ. Điều đầu tiên là tâm lý của khách. Giữa thời buổi dịch vụ massage cùng các dịch vụ phụ kèm theo đã không còn hiếm ở Hội An thì bất kể ai, dù lao động phổ thông hay cán bộ, kỹ sư đều có thể tìm cho mình một nơi massage ưng ý vào cuối tuần để bớt đi những căng thẳng. Với những cơ sở của người bình thường, việc cạnh tranh với các cơ sở chuyên nghiệp khác đã là rất khó.

Điều khó khăn ấy với cơ sở người khiếm thị càng nhân lên gấp bội. Điều này gây áp lực không nhỏ lên ban quản lý và chính những nhân viên kỹ thuật của cơ sở. Với nhân viên bình thường, khi có khách vào, họ ngay lập tức có thể ra đón, chuẩn bị nhanh mọi thiết bị để bắt đầu phục vụ khách. Nhưng với những người khiếm thị thì hoàn toàn khác. Khi nghe tiếng khách vào, dưới sự hướng dẫn của một số tình nguyện viên trong cơ sở, họ phải nhanh chóng tự mình tới phòng massage để tiến hành các bước chuẩn bị cho công việc. Để quen với lối đi từ phòng ở đến phòng massage, họ phải tập luyện không ngừng. Đi sao nhanh nhất mà không va đập, không ngã. Rồi đến việc quen với các thiết bị để ở nơi cố định trong phòng massage, để có thể tìm đến nhanh nhất khi đến công đoạn dùng thiết bị nào. Những khó khăn không nhỏ ấy đều được các nhân viên ở đây từng ngày cố gắng hết sức để vượt qua.

Điều khó khăn không nhỏ nữa là trục đường cơ sở nằm hiện tại là trục đường rất ít người qua lại ở Hội An, dù đây là con đường chiến lược để thành phố mở rộng trong tương lai. Đây lại cách khá xa trung tâm đô thị cổ, lượng khách du lịch đến khu vực này hầu như là rất hiếm hoi. Bù lại điều đó, bắt buộc phải có một công tác quảng cáo, tuyên truyền mạnh mẽ. Nhưng với những người khiếm thị, việc làm quảng cáo, tuyên truyền cho cơ sở của mình cũng rất khó. Vừa khó về kinh nghiệm vừa khó cả về nguồn nhân lực và tài chính. Chính vì thế, dù đã rất cố gắng nhưng việc quảng bá cho cơ sở cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Một vướng mắc khác nữa của cơ sở là nguồn điện phục vụ ở đây là nguồn điện dân sinh, trong khi một số công đoạn ở phòng massage, xông hơi phải dùng đến điện sản xuất. Chính vì thế, nhu cầu điện ở đây vượt mức cho phép. Điện của cơ sở vào ban đêm, lúc có khách luôn trong tình trạng yếu. Nguồn điện đã gây cản trở lớn cho việc phục vụ khách hàng một cách chu đáo. Chính vì thế, ban quản lý cơ sở hiện tại rất mong được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và cả ngành điện lực để có thể nâng cấp hệ thống lưới điện, phục vụ tốt hơn nhu cầu của cơ sở và cũng chính là nhu cầu của khách hàng.

Dẫu còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng tập thể cán bộ quản lý và kỹ thuật viên của cơ sở massage người khiếm thị thành phố Hội An đang nỗ lực từng ngày từng giờ làm nên một nét đẹp giữa lòng phố Hội. Sự cố gắng vươn lên ấy rất đáng được chia sẻ và ủng hộ nhiều hơn từ mọi người. Hy vọng trong tương lai không xa, cơ sở sẽ ổn định hơn, phát triển hơn để làm tốt nhất “chức phận” là chỗ dựa cho người khiếm thị Hội An nói riêng và là niềm tin, nụ cười cho những người thân xung quanh.

Đúng như lời khẳng định của ông Trần Văn Mận - Chủ tịch Hội Người mù TP. Hội An: “Sống là vươn lên để chiến thắng số phận. Trời phụ người đôi mắt thì sẽ cho ta đôi tay, đôi chân và trên hết là cái đầu mà ngẫm suy. Dù trong hoàn cảnh khó khăn nào chúng tôi vẫn sẽ cố trụ vững trước khó khăn, thử thách...”.

Bài, ảnh: Hà Kiều

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-mo-mam-muu-sinh-trong-bong-dem-5754.html)

Chủ đề liên quan:

mò mẫm mưu sinh

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY