Kinh tế xã hội hôm nay

Mở rộng đối tượng Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020

(MangYTe) - Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 sẽ được tổ chức mở rộng hơn so với năm 2019. Đối tượng tham dự cuộc thi gồm: Học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, sinh viên đang theo học tại các trường đại học/học viện và các loại hình giáo dục khác.

Cuộc thi sẽ diễn ra qua 02 vòng: Vòng sơ khảo sẽ tổ chức tại các tỉnh/thành, một số bộ ngành, đơn vị đồng hành với Bộ VHTTDL và một số trường đại học/học viện từ tháng 2/2020 đến tháng 7/2020. Vòng chung kết được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9/2020.

Vụ Thư viện cho biết, trong thời gian vừa qua, để triển khai Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc một cách có hiệu quả, BVHTTDL đã ban hành 3 văn bản: Công văn số 426/BVHTTDL-TV ngày 04 tháng 02 năm 2020 về việc Hướng dẫn Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020, thông báo và hướng dẫn các địa phương, các trường đại học/học viện về địa điểm, thời gian tổ chức vòng sơ khảo, vòng chung kết; nội dung cuộc thi (có thể lệ kèm theo); kinh phí và tổ chức thực hiện Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020; Công văn số 471/BVHTTDL-TV ngày 07 tháng 02 năm 2020 gửi Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, Công văn số 852/BVHTTDL-TV ngày 2 tháng 02 năm 2020 gửi Hội Người mù Việt Nam về việc tham gia phối hợp tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020.

Từ các công văn này, nhiều địa phương, Bộ ngành và đơn vị đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai vòng sơ khảo. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra với những diễn biến phức tạp, nên việc phát động cuộc thi không thực hiện được trực tiếp mà chủ yếu được thực hiện trực tuyến qua trang thông tin điện tử (Website) của các Thư viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường Đại học hoặc các đơn vị đồng hành với Bộ VHTTDL cuộc thi như: Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng; Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam…

Để cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thực sự là một sân chơi bổ ích cho học sinh và sinh viên trong cả nước, góp phần thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên, một yếu tố quan trọng góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng, Ban Tổ chức cuộc thi có một số hướng dẫn cụ thể về việc tham gia dự thi vòng sơ khảo và gợi ý khi làm bài dự thi.

Theo đó, để có những thông tin về việc nộp bài thi vòng sơ khảo, các thí sinh có thể xem hướng dẫn cụ thể tại địa chỉ website của các thư viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường Đại học hoặc các đơn vị đồng hành với Bộ VHTTDL cuộc thi như: Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng; Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam… Đối với những tỉnh/thành và các trường không tổ chức vòng sơ khảo, các thí sinh có thể gửi bài dự thi tham gia vòng sơ khảo theo từng lứa tuổi tới các địa chỉ sau:

Học sinh tiểu học và trung học cơ sở có thể tham gia bằng cách gửi bài thi đến: Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng, số 3, Nguyễn Quý Đức, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Bài dự thi có thể gửi qua email: daisuvanhoadoc2020@gmail.com.

Học sinh trung học phổ thông có thể tham gia bằng cách gửi bài thi đến: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Tầng 2, số 73, Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Bài dự thi có thể gửi qua email: daisuvanhoadoc2020@odes.edu.vn.

Sinh viên có thể tham gia bằng cách gửi bài dự thi đến: Chuyên trang Sinh viên Việt Nam, báo Tiền phong, Ô D29, Khu đô thị mới Cầu Giấy, Phạm Văn Bạch, thành phố Hà Nội. Bài dự thi có thể gửi qua email: svvn@baotienphong.com.vn.

Do có nhiều đơn vị tổ chức vòng sơ khảo, Ban tổ chức đề nghị thí sinh chỉ gửi đến một nơi để tránh trùng lặp khi lựa chọn các bài thi tham dự vòng chung kết.

Khi làm bài dự thi, thí sinh cần chú ý đến những điểm sau

Về nội dung

Chia sẻ về một cuốn sách mà em yêu thích hoặc một cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức hoặc cuộc sống của em: Các em cần giới thiệu được các yếu tố xuất bản của tác phẩm: tên tác phẩm, tác giả, nhà xuất bản, nơi xuất bản, số trang, khổ cỡ…; cấu trúc/khái quát nội dung của tác phẩm; sự độc đáo, đặc sắc của tác phẩm; Phân tích giá trị khoa học/giá trị nghệ thuật của tác phẩm; Nêu ý nghĩa, tác dụng của tác phẩm: Đối với bản thân (có hiệu quả và làm thay đổi nhận thức, mở rộng hiểu biết, truyền cảm hứng...) và đối với cộng đồng.

Khi sáng tác một tác phẩm nhằm khích lệ mọi người đọc sách: Các em có thể sáng tác một câu chuyện hoặc một bài thơ. Các em cần đặt tên cho tác phẩm; tác phẩm phải có cấu trúc chặt chẽ, logic, hợp lý; Khuyến khích thí sinh vẽ tranh minh họa.

Viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc cuốn sách mà em đã đọc: Các em cần nêu được tác phẩm lựa chọn để phát triển; triển khai tiếp nội dung của tác phẩm một cách hợp lý, logic, chặt chẽ; đảm bảo nội dung có ý tưởng sáng tạo, có ý nghĩa thiết thực. Khuyến khích thí sinh vẽ tranh minh họa hoặc có lời song ngữ tiếng Anh.

Khi lập kế hoạch và biện pháp để khuyến khích các bạn và mọi người đọc sách nhiều hơn: Các em xây dựng được kế hoạch hợp lý phù hợp với lứa tuổi; Kế hoạch có tính thực tế, tính khả thi và có tác động đối với cộng đồng; Nêu được nội dung các biện pháp phù hợp với kế hoạch, với đối tượng cần phát triển văn hóa đọc.

Về trình bày bài dự thi

Đối với bài viết: Chú ý đảm bảo viết đúng chính tả, ngữ pháp, văn phong lưu loát, truyền cảm.

Đối với bài thuyết trình thể hiện bằng video clip:

- Tên video clip do thí sinh tự sáng tác (trong đó cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân theo yêu cầu của Ban Tổ chức: Số điện thoại, email để tiện liên hệ).

- Có độ phân giải tối thiểu là 640 x 480 pixel, phải được lưu bằng định dạng phổ biến mp4, avi, mpeg, mkv, klv...; Thời lượng tối thiểu là 5 phút, tối đa là 10 phút, đảm bảo về chất lượng hình ảnh và âm thanh.

- Có thể sử dụng các hiệu ứng, kỹ xảo về hình ảnh và âm thanh, khuyến khích thí sinh không sử dụng các hình ảnh, bài hát hoặc âm thanh có bản quyền. Trường hợp có sử dụng các hình ảnh, bài hát hoặc âm thanh có bản quyền phải ghi rõ nguồn.

Về trích dẫn

Thí sinh cần phải mô tả nguồn đầy đủ khi sử dụng trích dẫn, các nội dung, đoạn văn, câu nói, tranh, hình ảnh… của người khác trong bài dự thi.

Về các bài tham dự chung kết

Bài thi khi được lựa chọn tham dự vòng chung kết phải được được hoàn thiện lại, có chỉnh sửa lỗi chỉnh tả, lỗi văn bản và không có bất kì ký hiệu hoặc ghi chú nào khác ghi trên bài của vòng sơ khảo (Ví dụ: Lời phê, ghi điểm của ban giám khảo vòng sơ khảo…)

Ngoài ra, Ban tổ chức có điểm cộng đối với các thí sinh đã tham gia hoạt động khuyến đọc dưới nhiều hình thức (có chứng nhận của các nơi tham gia) hoặc có bài viết, ý tưởng chia sẻ cho cộng đồng đã được công nhận hoặc đã được thực hiện và có thêm giải phụ cho các thí sinh có hoạt động khuyến đọc hiệu quả.

Thí sinh nộp bài dự thi kèm theo thông tin đầy đủ (theo biểu mẫu quy định) theo địa chỉ đã được Ban tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc 2020 vòng sơ khảo quy định.

Lan Anh

Mạng Y Tế
Nguồn: Tổ quốc (http://toquoc.vn/mo-rong-doi-tuong-cuoc-thi-dai-su-van-hoa-doc-nam-2020-20200409102001078.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY