Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Mỗi bước chân đều đóng vai trò nâng cao sức khỏe của bạn

Hướng dẫn mới của WHO nhấn mạnh, tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi đều có thể hoạt động thể chất, và mọi loại hình vận động đều có giá trị.

Các hướng dẫn mới khuyến nghị ít nhất 150 đến 300 phút thể dục aerobic ở mức độ từ vừa phải đến mạnh mỗi tuần cho tất cả người trưởng thành, bao gồm những người mắc bệnh mãn tính hoặc khuyết tật, và trung bình 60 phút mỗi ngày cho trẻ em và thanh thiếu niên. 

Thống kê của WHO cho thấy 1/4 người lớn và 4/5 thanh thiếu niên không hoạt động thể chất đủ. Trên toàn cầu, điều này ước tính sẽ tiêu tốn 54 tỷ USD chi phí chăm sóc sức khỏe trực tiếp và 14 tỷ USD khác do mất năng suất làm việc. 

Các hướng dẫn khuyến khích phụ nữ duy trì hoạt động thể chất thường xuyên trong suốt thai kỳ và sau khi sinh. Họ cũng nêu bật những lợi ích quý giá về sức khỏe của hoạt động thể chất đối với người khuyết tật. 

Người lớn tuổi (từ 65 tuổi trở lên) nên bổ sung các hoạt động nhấn mạnh sự cân bằng và phối hợp, cũng như tăng cường cơ bắp, để giúp ngăn ngừa các cú ngã và cải thiện sức khỏe. 

Hoạt động thể chất thường xuyên là chìa khóa để ngăn ngừa và giúp kiểm soát bệnh tim, tiểu đường loại 2 và ung thư, cũng như giảm các triệu chứng trầm cảm và lo lắng, giảm suy giảm nhận thức, cải thiện trí nhớ và tăng cường sức khỏe não bộ. 

Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Hoạt động thể chất rất quan trọng đối với sức khỏe và hạnh phúc - nó có thể giúp kéo dài tuổi thọ thêm nhiều năm nữa. Mọi hoạt động thể chất đều có giá trị, đặc biệt là trong thời điểm hiện tại khi đại dịch COVID-19 hạn chế khả năng sinh hoạt ngoài trời và di chuyển của chúng ta. Tất cả chúng ta phải di chuyển mỗi ngày - một cách an toàn và sáng tạo”. 

Tất cả các hoạt động thể chất đều có lợi và có thể được thực hiện khi làm việc, thể thao và giải trí hoặc di chuyển (đi bộ, đạp xe), nhưng cũng có thể thông qua khiêu vũ, vui chơi và các công việc gia đình hàng ngày, như làm vườn và dọn dẹp nhà cửa. 

Tiến sĩ Ruediger Krech, Giám đốc Xúc tiến Sức khỏe, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: “Hoạt động thể chất ở bất kỳ hình thức nào và bất kỳ thời điểm nào cũng có thể cải thiện sức khỏe và tinh thần, nhưng hoạt động nhiều hơn thì luôn tốt hơn, và nếu bạn phải dành nhiều thời gian ngồi một chỗ, cho dù ở cơ quan hay trường học, bạn nên hoạt động thể chất nhiều hơn để chống lại tác hại của các hành vi ít vận động". 

Theo TS Fiona Bull, Trưởng Bộ phận Hoạt động Thể chất, đơn vị dẫn đầu sự phát triển của hướng dẫn mới này của WHO, những hướng dẫn mới này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích cực thể dục đối với trái tim, cơ thể và tâm trí của chúng ta, và cách thể dục mang lại lợi ích cho mọi người, ở mọi lứa tuổi và mọi điều kiện thể chất. 

WHO khuyến khích các quốc gia áp dụng các hướng dẫn toàn cầu để phát triển các chính sách y tế quốc gia nhằm hỗ trợ cho Kế hoạch hành động toàn cầu của WHO về hoạt động thể chất 2018-2030. Kế hoạch đã được các nhà lãnh đạo y tế toàn cầu đồng ý tại Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 71 vào năm 2018 nhằm giảm 15% tình trạng không hoạt động thể chất vào năm 2030. 

Bích Ngọc

(Theo WHO)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/moi-buoc-chan-deu-dong-vai-tro-nang-cao-suc-khoe-cua-ban-n187041.html)

Chủ đề liên quan:

nâng cao sức khỏe

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY