Trứng chiên vốn là món ăn quen thuộc của mỗi gia đình, đôi khi bạn cũng nên biến tấu một chút để biến món ăn quen thuộc trở nên lạ miệng kích thích vị giác của cả nhà.
3 quả trứng gà
150g mướp đắng
1 thìa cafe tỏi băm
1 thìa cafe dầu
1/2 thìa cafe nước tương
1/4 thìa cafe hạt tiêu bột
1/4 thìa cafe hạt nêm
2 thìa súp dầu ăn để chiên trứng
Trước tiên, bạn rửa sạch mướp đắng, nạo bỏ ruột, sau đó thái miếng thật mỏng. Bạn cho mướp đắng vào tô, thêm 1 thìa cafe muối xóc đều và để khoảng 5 - 6 phút.
Sau đó rửa lại với nước vài lần để loại bỏ hết muối và vị đắng của mướp đắng. Bạn để cho mướp đắng thật ráo nước.
Tiếp theo, bạn đập trứng vào tô thêm 1/2 thìa cafe nước tương, 1/4 thìa cafe hạt tiêu bột, 1/4 thìa cafe hạt nêm sau đó dùng đũa hoặc dĩa đánh đều trứng. Đặt bát trứng sang một bên.
Cho 1 thìa cafe dầu vào chảo, thêm tỏi vào phi thơm. Khi tỏi bắt đầu vàng thì cho mướp đắng vào đảo cùng với 1 chút xíu muối. Xào tới khi mướp đắng mềm trong thì dừng lại.
Đổ phần mướp đắng vừa xào vào tô trứng, trộn đều. Lúc này trứng đã sẵn sàng để chiên rồi.
Cho 2 thìa dầu ăn vào chảo, khi dầu nóng thì đổ trứng vào chiên.
Khi trứng chín vàng một mặt thì lật mặt trứng chiên cho vào đều mặt còn lại thì tắt bếp.
Lấy trứng ra đĩa, dùng nóng, trứng có thể chấm với nước tương thêm chút ớt băm hoặc nước mắm cay đều ngon cả. món trứng chiên mướp đắng không chỉ ngon mà còn bổ dưỡng, thay vì làm mướp đắng xào trứng bạn hãy làm món trứng chiên như thế này nhé. phần trứng sẽ bao phủ phần mướp đắng tốt hơn, đồng thời vì mướp đắng đã được rửa qua muối và xào trước khi chiên nên đã giảm đi rất nhiều độ đắng của mướp, bạn không lo món ăn khó ăn đâu.
Mướp đắng (hay khổ qua) là một loại quả rất giàu vitamin và khoáng chất như protein, lipit, cacbon hydrat, canxi, kali, magie, sắt…
Theo Đông y, mướp đắng vị đắng, lạnh; vào tỳ vị tâm can có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Mướp đắng dùng cho các trường hợp nhiệt bệnh sốt nóng mất nước, hội chứng lỵ, viêm cấp tính đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu, mụn nhọt, viêm kết mạc mắt cấp tính (đau mắt đỏ), bệnh tiểu đường.
Theo y học hiện đại, mướp đắng có tác dụng diệt vi khuẩn và virus, chống lại các tế bào ung thư; hỗ trợ đắc lực cho bệnh nhân ung thư đang chữa bằng tia xạ. Trong thành phần dinh dưỡng của mướp đắng có nhiều vitamin C với hàm lượng khoảng 120 mg, cao hơn nhiều so với dâu tây (80 mg) và chanh (90 mg).
Lượng vitamin C trong mướp đắng giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, kháng viêm tốt, ngăn ngừa và có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư… Kali trong mướp đắng chứa có tác dụng giảm huyết áp, beta-carotene giúp sáng mắt, giúp điều trị chứng trào ngược axit và chứng khó tiêu.
Chủ đề liên quan:
món trứng món trứng chiên Một nguyên nguyên liệu Quen thuộc trứng chiên trứng chiên mướp đắng