Ngày 8/7 thông tin từ Công an TP Hà Nội, khoảng 5h22, Trung tâm Thông tin chỉ huy nhận được tin báo cháy tại số nhà 12, ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan, quận Đống Đa. Theo đó, Trung tâm thông tin chỉ huy điều động 4 đơn vị, cùng xe chữa cháy, xe cứu nạn cứu hộ, xe chở phương tiện và cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH xuống hiện trường tổ chức chữa cháy và cứu nạn.
Khu vực xảy ra cháy là nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ làm đẹp, nhà hình ống, cao 6 tầng, 1 tum, diện tích khoảng 60 m2 (chiều rộng khoảng 2,5 m, chiều dài khoảng 24 m), kết cấu bê tông cốt thép. Căn nhà có các lối thoát hiểm ở tầng 1, tầng 2 và tầng 6 nhưng bị chặn bởi song sắt, vật dụng và hàng hóa khiến các nạn nhân không thể thoát ra được.
Vụ cháy khiến 3 người mắc kẹt, tử vong, nhiều tài sản bị thiêu rụi. Danh tính các nạn nhân gồm: cháu N.Q.M. (SN 2010), cháu N.P.U. (SN 2012) và chị D.T.D (SN 2004). Ngay sau khi nhận được thông tin vụ hoả hoạn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo Công an thành phố tập trung chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, điều tra làm rõ nguyên nhân.
Tương tự, ngày 27/6, xảy ra cháy tại một nhà dân tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Hậu quả 2 người tử vong. Ngày 22/6, tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, cháy một nhà ở kết hợp kinh doanh khiến 3 người tử vong. Ngày 10/6, một nhà ở kết hợp kinh doanh ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cháy lúc nửa đêm, 6 người được giải cứu nhưng vụ cháy đã khiến 3 ông cháu tử vong.
Có thể thấy, thời gian qua, xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về người, tài sản tại khu dân cư, hộ gia đình, nhất là nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Khi phát hiện cháy, người dân cần bình tĩnh tìm ngọn lửa và khói. Nếu đám cháy nhỏ cần tìm cách chữa cháy bằng nước, bình chữa cháy, cát, chăn ướt. Nếu cháy quá lớn không thể dập lửa phải nhanh chóng tìm cách thoát hiểm, hô hoán cho mọi người biết cùng thoát hiểm và gọi điện thoại lập tức đến số điện thoại 114.
Nhanh chóng xác định lối thoát hiểm hoặc trú ẩn an toàn. Trước hết phải xác định được lối ra an toàn khỏi căn nhà đang cháy. Thông thường, các lối thoát đến nơi an toàn ở các nhà độc lập hoặc liền kề bao gồm: Lối ra cửa chính của căn nhà; lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng; lối ra ban công; lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (tầng thượng) để thoát sang công trình liền kề. Đối với các căn hộ độc lập thì lối thoát nạn an toàn là qua các cửa sổ, ban công khi có các thiết bị hỗ trợ như: thang, thang cây, dây tự cứu hạ chậm…
Không cố mang theo những đồ có giá trị hay tìm vật nuôi trong nhà, không cố tìm hiểu nguyên nhân đám cháy. Ngắt cầu dao điện nơi xảy ra đám cháy bởi điện gây cháy nổ sẽ dẫn đến đám cháy bùng phát nhanh hơn.
Khi lửa và khói đã chặn mất lối thoát nạn chính: Nếu ở tầng thấp thì có thể thoát ra ngoài qua đường cửa sổ hoặc ban công. Nếu không thể ra ngoài, hãy tập hợp mọi người vào một phòng, ngăn khói và lửa vào qua cửa bằng cách chặn các khe hở quanh cửa với khăn trải giường, chăn, quần áo ướt hoặc băng dính. Kêu cứu từ cửa sổ.
Khi ra ngoài, chỉ mở cửa bạn cần; đóng tất cả các cánh cửa đang mở để ngăn đám cháy lan nhanh. Tuyệt đối không sử dụng thang máy khi xảy ra hoả hoạn.
Đặt mu bàn tay lên cánh cửa, nếu thấy ấm thì không mở, không dùng lòng bàn tay để tránh bị bỏng. Nếu tay nắm cửa mát và không thấy khói quanh cửa, bạn có thể mở cửa chậm và cẩn thận tránh người, mặt sang một bên đề phòng lửa tạt. Khi mở cửa, nếu thấy lửa bùng lên hay có khói xông vào phòng thì đóng cửa thật nhanh, chặt. Tuyệt đối không nấp dưới gầm giường hoặc phòng, tủ để đồ vì sẽ rất khó khăn để lính cứu hoả tìm ra bạn.
Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc bằng cách lấy khăn, áo thấm ướt bịt vào mũi, miệng. Khi di chuyển tránh chạm vào các đồ đạc có thể dẫn nhiệt gây bỏng. Tuyệt đối không xông qua đám cháy. Luôn giữ cơ thể ở vị trí thấp để tìm đường thoát hiểm, phòng bị nhiễm khói. Nếu quần áo của bạn bị cháy, đừng chạy, hãy dừng lại và lăn người vòng quanh để dập lửa.
Tuyệt đối không quay lại khi đã thoát ra ngoài được; không quay vào khu vực bị cháy vì có thể bị nguy hiểm. Nếu bên trong còn có người mắc kẹt, hãy mô tả thật chi tiết để lính cứu hoả tiếp cận và cứu người mắc kẹt một cách nhanh nhất.
Các nhà, công trình có lồng sắt: Cần thiết trang bị búa, rìu, kìm cộng lực. Đối với các nhà, công trình có lồng sắt bảo vệ phía ngoài, có thể thoát qua ô cửa trên các lồng sắt đó để sang các công trình liền kề.
Nếu không có sẵn các cửa thoát hiểm hãy bình tĩnh tìm kiếm các vật dụng như búa, rìu hoặc các vật dụng khác nhằm bẻ gãy hoặc mở rộng các ô trên lồng sắt để mọi người có thể di chuyển tới nơi an toàn với sự hỗ trợ của những người xung quanh.
Theo KTS Trần Huy Ánh cho hay, do diện tích đất xây nhà ở Hà Nội không được rộng nên người dân thường xuyên xây dựng các ngôi nhà “ống”. Cùng đó, người dân còn lắp đặt, hàn các “chuồng cọp” bịt kín nhà cửa cho nên lúc xảy ra hỏa hoạn sẽ rất nguy hiểm.
“để tránh xảy ra các vụ việc thương tâm, người dân, hàng xóm láng giềng cần quan tâm nhau hơn để khi xảy ra sự cố mọi người có thể thông báo kịp thời. đặc biệt, việc người dân xây dựng chuồng cọp cũng đang tự “giết” chính người thân gia đình mình. vì vậy, người dân có thể lắp đặt các cầu thang ngoài ban công sang nhà hàng xóm, hay lối thoát hiểm để khi xảy ra hỏa hoạn có thể ngay lập tức di dời sang đến các vị trí khác”, ông ánh nhấn mạnh.
Có thể thấy rằng, mỗi người dân và các gia đình cần trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy; trang bị những thiết bị phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm cơ bản để bình tĩnh ứng phó với sự cố cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hạn chế tối đa thiệt hại, thương vong.
Chủ đề liên quan:
cháy nhà Chuồng cọp hỏa hoạn kỹ năng cần thiết để xử lý khi có cháy lồng sắt Nhà ống tử vong vụ cháy