Bệnh truyền nhiễm hôm nay

Muỗi không thể truyền bệnh AIDS

Các phương tiện truyền thông đề cập đến khả năng truyền bệnh AIDS của muỗi khi lần đầu tiên AIDS được phát hiện.
Có 3 cơ chế lý thuyết cho rằng muỗi có thể truyền virus HIV

Cơ chế thứ nhất

Đầu tiên là muỗi bắt đầu chu trình sống bằng cách hút máu bệnh nhân dương tính HIV và tiêu hóa virus cùng với máu. Để virus có thể được truyền từ người này sang người khác thông qua muỗi, virus phải sống sót bên trong dạ dày của muỗi và gia tăng số lượng, sau đó virus di chuyển đến các tuyến nước bọt.

Muỗi mang virus sẽ bay đi tìm và đốt hút máu người không nhiễm bệnh khác và truyền virus HIV qua tuyến nước bọt trong suốt thời gian hút máu. Đây là cơ chế phổ biến của các bệnh ký sinh trùng do muỗi truyền như sốt rét, sốt vàng da, sốt dengue và viêm não do virus.

Cơ chế thứ hai

Đầu tiên muỗi sẽ bắt đầu chu trình sống bằng cách hút máu một bệnh nhân dương tính HIV và bị đuổi đi sau khi chỉ hút được một ít máu của bệnh nhân. Thay vì tiếp tục hút máu của bệnh nhân này, muỗi bay đi đốt một người không mắc bệnh. Khi đốt người không mắc bệnh, muỗi sẽ truyền virus cho người này. Cơ chế này không phổ biến trong các bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền cho người, nhưng rất phổ biến ở các bệnh thiếu máu truyền nhiễm ở ngựa do ruồi truyền.

Cơ chế thứ ba

Cơ chế thứ 3 đề cặp đến hiện tượng một con muỗi đang hút máu bệnh nhân dương tính HIV thì bị đuổi đi và nó tiếp tục hút máu với một bệnh nhân dương tính HIV khác, kết quả là virus HIV nhiễm vào vết đốt.

Mỗi cơ chế giả thuyết trên đã được điều tra với các loại côn trùng hút máu khác nhau. Kết quả cho thấy rằng muỗi không có khả năng truyền bệnh AIDS. Tuy nhiên, các báo cáo gần đây đã gây nhiều tranh cãi và các kết quả của chúng cũng không rõ ràng. Một số người vẫn tin rằng muỗi liên quan đến sự truyền bệnh AIDS. Trong bài này, từ kết quả của các nghiên cứu, chúng tôi sẽ trình bày một vài lý do vì sao muỗi không thể truyền bệnh AIDS.



Muỗi có thể tiêu hóa virus HIV
 
Khi muỗi truyền một tác nhân gây bệnh từ người này sang người khác, tác nhân gây bệnh phải tồn tại trong dạ dày của muỗi cho đến khi quá trình truyền bệnh kết thúc. Nếu muỗi tiêu hóa tác nhân gây bệnh thì chu trình truyền bệnh sẽ chấm dứt.

Để truyền bệnh thành công đòi hỏi phải có một số lượng lớn tác nhân gây bệnh và các tác nhân này phải có khả năng chịu được các enzym tiêu hóa bên trong dạ dày muỗi. Ký sinh trùng sốt rét sống bên trong cơ thể muỗi từ 9 - 12 ngày và phải trải qua hàng loạt các giai đoạn khác nhau trong suốt thời kỳ đó.

Virus viêm não cũng có thể sống từ 10 - 25 ngày trong cơ thể muỗi và sao chép một số lượng lớn trong suốt thời kỳ ủ bệnh.

Các nghiên cứu ở virus HIV cho thấy rằng, virus đóng vai trò chính trong truyền bệnh AIDS đã được tiêu hóa cùng với máu trong dạ dày muỗi. Kết quả là máu có nhiễm virus HIV bị tiêu hóa trong dạ dày muỗi sau 1 - 2 ngày và làm mất khả năng gây ra sự lây nhiễm mới. Khi virus không thể tồn tại để sinh sản và di chuyển đến các tuyến nước bọt của muỗi thì việc truyền tác nhân gây bệnh từ người này sang người khác không thể thực hiện được và virus HIV cũng không thể truyền được.

Muỗi không hút đủ lượng virus HIV để truyền virus qua vết đốt.

Lây nhiễm bằng vết đốt đòi hỏi phải có một lượng virus đủ để làm cho một người mới nhiễm bệnh. Con số chính xác số lượng các virus đủ để gây nhiễm ở những người khác nhau thì khác nhau.

Tính toán số lượng virus HIV trong muỗi người ta thấy rằng, một con muỗi bị đuổi đi khi đã hút 1000 đơn vị virus HIV trong máu của người dương tính HIV thì tỷ lệ lây nhiễm từ người này sang người khác là 1/10.000.000.

Nói một cách đơn giản, một người bình thường sẽ nhiễm bệnh khi bị đốt bởi 10.000.000 con muỗi mà những con muỗi này đã đốt những người dương tính HIV. Tính toán tương tự, đập một con muỗi no máu của bệnh nhân HIV dương tính cũng không đủ lượng cần thiết để gây nhiễm qua vết đốt.

Nói tóm lại, cơ chế truyền bệnh AIDS do muỗi đã hút máu người HIV dương tính hầu như không thể thực hiện được. Do đó, không một cơ chế lý thuyết nào cho thấy muỗi có khả năng lây truyền HIV.

Muỗi không phải là những kim tiêm biết bay

Một số giả thuyết cho rằng muỗi có khả năng truyền virus từ người này sang người khác thông qua cái vòi của chúng. Tuy nhiên, một người dương tính HIV thì không có đủ lượng virus cần thiết để lây nhiễm cho người khác. Thậm chí nếu người đó có mang đủ lượng virus để sẵn sàng cho việc lây nhiễm thì muỗi cũng không thể truyền virus HIV bằng vòi.

Trước khi hút máu muỗi thường tiết nước bọt vào vết đốt. Tuy nhiên, tuyến nước bọt và tuyến hút máu nằm tách biệt nhau trong vòi của muỗi. Tuyến hút máu là một tuyến có cấu trúc phức tạp và nhìn chung nó không giống như một ống kim tiêm.

Muỗi tiết nước bọt theo một đường riêng và hút máu theo một đường khác. Kết quả là máu được hút theo một hướng duy nhất và không bị bơm ngược vào máu của người bị đốt. Do đó, muỗi không thể truyền virus HIV thông qua cái vòi của chúng.

AloBacsi.vn
Theo KS. Huỳnh Kha Thảo Hiền -
 Bệnh viện Nhiệt đới
Mạng Y Tế
Nguồn: Alo bác sĩ (http://alobacsi.com/muoi-khong-the-truyen-benh-aids-n124017.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY